Ảnh minh họa.
Theo đó, thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tư pháp (HĐQL) phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Thành viên HĐQL phải là công chức hoặc viên chức. Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản lý là đại diện của tổ chức có lợi ích liên quan thì không bắt buộc phải là công chức hoặc viên chức. Đồng thời, thành viên HĐQL phải đảm bảo có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để đảm nhận công việc và không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; phải có trình độ từ đại học trở lên và phải đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ 05 năm (đối với công chức, viên chức).
Thành viên HĐQL không được là vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với Chủ tịch HĐQL phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với thành viên HĐQL; có năng lực quản lý, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền. Chủ tịch và các thành viên khác của HĐQL do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.
Thông tư cũng quy định việc miễn nhiệm thành viên của HĐQL nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia Hội đồng quản lý; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị bệnh quá 06 tháng mà khả năng lao động chưa phục hồi; bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; có trên 50% tổng số thành viên của HĐQL kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm; có các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, quy chế hoạt động của HĐQL; chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, thôi việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2022.
PV