(LSVN) - Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) mang lại những thay đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quan hệ lao động, tạo ra khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, Bộ luật Lao động 2019 có những thay đổi lớn về tổ chức đại diện người lao động.
Điểm mới về tổ chức đại diện của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019
Bộ luật Lao động 2019 có những quy định mới về tổ chức đại diện của người lao động, cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 3:
Điều 3. Giải thích từ ngữ 3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. |
Trước đây, theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Đến Bộ luật Lao động 2019, Quốc hội đã mở rộng quyền tham gia vào các tổ chức đại diện của người lao động, theo đó, việc“Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật” (điểm c, khoản 1, Điều 5, Bộ luật Lao động năm 2019) là một trong những quyền cơ bản và quan trọng của người lao động.
Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được quy định tại chương XIII Bộ luật Lao động 2019 thay cho chương XIII quy định về công đoàn cơ sở tại Bộ luật Lao động 2012. Cụ thể, theo Điều 170 của Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Điều 170. Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở 1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. 2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này. |
Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 đã chính thức thừa nhận và cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện mới cho mình động tại cơ sở, tổ chức này hoạt động song song và bình đẳng với tổ chức công đoàn.
Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký theo quy định cụ thể tại Điều 172 của Bộ luật Lao động 2019. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.
Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp cũng có quyền thành lập và sau đó gia nhập Công đoàn Việt Nam. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Lưu ý rằng, tại thời điểm đăng ký, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Lao động 2019.
Về ban lãnh đạo tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, khoản 2 Điều 173 Bộ luật Lao động 2019 quy định phải do các thành viên tham gia bầu lên; phải là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thêm vào đó, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp phải có bao gồm: Điều lệ hoạt động, với các nội dung như: Tên, địa chỉ của tổ chức, logo (nếu có); Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động; Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của Người lao động; Cơ cấu tổ chức... theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Lao động 2019 về Điều lệ tổ chức của người lao động tại Doanh nghiệp.
Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định cụ thể một số hành vi nghiêm cấm với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như: Phân biệt đối xử giữa các tổ chức, người lao động tham gia các tổ chức; Cản trở, gây khó khăn nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện Người lao động tại cơ sở... Thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp tại cơ sở được một số quyền như: Tiếp cận người lao động và người sử dụng lao động; Được sử dụng một phần thời gian làm việc vẫn được trả lương để thực hiện công việc đại diện cho người lao động...
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Lao động 2019, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có các quyền và nghĩa vụ cụ thể như: Tham gia thương lượng tập thể; Đối thoại tại nơi làm việc; Giám sát thực các quyền, lợi ích của Người lao động là thành viên tổ chức mình; Đại diện cho Người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.
Đặc biệt, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp được tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định; Được tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam...
Tóm lại, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung các quy định mới về việc thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức đại diện người lao động chủ yếu dựa trên ba nội dung lớn: Quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; Điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức đại diện người lao động; Tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức và những vấn đề liên quan cần hướng dẫn của ba nội dung trên và một số nội dung cụ thể khác như: Hồ sơ, thủ tục đăng ký; Thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; Quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức đại diện; Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể và quyền liên kết của các tổ chức với nhau.
Cơ sở của điểm mới về tổ chức đại diện người lao động
Việc người lao động sẽ chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức công đoàn như trước đây được xem là quy định đột phá trong Bộ luật Lao động 2019, và thực hiện đúng cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết mà nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP).
Đồng thời, sự thay đổi về tổ chức người đại diện tại doanh nghiệpnlà cơ sở thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của Tổ chức lao động thế giới (ILO), các cam kết quốc tế khác về lĩnh vực lao động và tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Việt Nam cũng đang đứng trước sức ép rất lớn từ việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới nên việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về lao động là một yêu cầu tất yếu. Theo đó, tôn trọng các Công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới quan trọng bao gồm CPTPP, EVFTA,... cũng như các chính sách về trách nhiệm xã hội của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Có thể nói, Bộ luật Lao động 2019 đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO bởi lẽ Bộ luật này tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
MỸ LINH