Ảnh minh họa.
Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có (nợ) phát sinh từ các hoạt động sau:
a) Cho vay;
b) Cho thuê tài chính;
c) Chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;
d) Bao thanh toán;
đ) Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
e) Trả thay theo cam kết ngoại bảng;
g) Mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom, trái phiếu chưa niêm yết), không bao gồm mua trái phiếu chưa niêm yết bằng nguồn vốn ủy thác mà bên ủy thác chịu rủi ro;
h) Ủy thác cấp tín dụng;
i) Gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và gửi tiền tại tổ chức tín dụng nước ngoài;
k) Hoạt động mua, bán nợ;
l) Hoạt động mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;
m) Hoạt động mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
n) Hoạt động mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
Trách nhiệm đối với việc xử lý rủi ro
Dự thảo quy định, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được xử lý rủi ro. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán theo Hợp đồng mua bán nợ và bên mua nợ không có quyền truy đòi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Sau thời gian tối thiểu 05 năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp của Hội đồng Xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và phải theo dõi trong hệ thống quản trị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ, trừ các khoản nợ mà khách hàng là pháp nhân đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và sau khi thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản hoặc khách hàng là cá nhân chết mà người thừa kế không nhận nợ theo quy định của pháp luật, hoặc khách hàng là cá nhân bị tuyên bố mất tích theo quyết định của tòa án.
Đối với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, việc xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng chỉ được thực hiện khi có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện mọi biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Hồ sơ xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng phải được lưu giữ theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm cả hồ sơ xử lý rủi ro và toàn bộ tài liệu chứng minh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được.
NGỌC ANH
Hà Nội tạm dừng hoạt động quán karaoke, bar từ 00h00 ngày 30/4