(LSVN) - Trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đã hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thì thực tiễn xã hội đòi hỏi các các nhà làm luật phải đưa ra được những giải pháp cần thiết để điều chỉnh vấn đề này trong thời gian tới. Vì vậy, việc trang bị cho mình những hiểu biết chung về trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong đời sống cũng như đưa ra một số giải pháp, quy định cụ thể và rõ ràng giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo là rất thiết thực. Thế nhưng, trong thực tiễn lại cho thấy các nhà làm luật chưa thực sự chú tâm trong việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo.
Trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quan điểm khác nhau về trí tuệ nhân tạo. Nhìn chung, trí tuệ nhân tạo có thể được hiểu là trí thông minh của máy do con người tạo ra. Có hai trường phái về thuật ngữ này được các nhà nghiên cứu đưa ra là Strong AI và Weak AI. Theo đó, Strong AI có thể tạo ra thiết bị có trí thông minh và các chương trình máy tính thông minh hơn con người còn Weak AI là chương trình máy tính có thể mô phỏng các hành vi thông minh của con người [1].
Lý giải cho việc có nhiều khái niệm khác nhau về trí tuệ nhân tạo là do các nhà khoa học máy tính đã nghiên cứu cách bộ não người sản sinh ra trí thông minh rồi ta bắt chước, sử dụng nguyên lý đó để sáng tạo ra thiết bị thông minh như hoặc hơn con người. Dù ở trường phái nào thì trí tuệ nhân tạo đều nói đến khả năng của máy khi thực hiện các công việc mà con người thường phải xử lý; và khi dáng vẻ ứng xử hoặc kết quả thực hiện của máy là tốt hơn hoặc tương đương với con người thì người ta gọi đó là máy thông minh hay máy có trí thông minh [2].
Trí tuệ nhân tạo được thể hiện dưới một hệ thống do con người tạo ra biết suy nghĩ, hành động trên cơ sở logic và chính xác như con người. Để làm được điều này, con người đã trang bị cho nó các công cụ: thính giác, thị giác, tri thức, lý giải tự động, việc học, sự di chuyển giống như con người. Để hệ thống này có thể hoạt động hiệu quả, các nhà nghiên cứu đã phải xây dựng đựa trên những nguyên lý lý thuyết vững chắc bao gồm các cấu trúc dữ liệu dùng cho biểu diễn tri thức, các thuật toán cần thiết để áp dụng tri thức cùng các ngôn ngữ và kỹ thuật lập trình dùng cho việc cài đặt [3].
Thành tựu và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo
Có thể nói trí tuệ nhân tạo đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Năm 2016, một nhóm nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã cho trưng bày một bức chân dung mang tên The Next Rembrandt, một tác phẩm nghệ thuật mới được tạo ra bởi một máy tính thông minh sau khi các nhà khoa học cho máy phân tích hàng nghìn tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan vào thế kỷ 17, Rembrandt Harmenszoon van Rijn. Một cuốn tiểu thuyết ngắn được viết bởi một chương trình máy tính ở Nhật Bản đã đạt tới vòng hai của giải thưởng văn học quốc gia. Thêm vào đó, Deep Mind của Google đã công bố một phần mềm có khả năng tạo ra âm nhạc bằng cách nghe bản ghi âm [4]. Công chúng cũng đã chứng kiến máy tính viết thơ, biên tập ảnh và thậm chí sáng tác nhạc kịch với tần suất ngày càng nhiều. Việc tạo ra các tác phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa rất quan trọng đối với luật bản quyền và làm phá vỡ những quy tắc được đặt ra trước đó. Với các loại trí tuệ nhân tạo mới nhất, chương trình máy tính không còn là công cụ nữa, nó thực sự tạo ra những tác phẩm trong quá trình sáng tạo mà không có sự can thiệp của con người. Tác phẩm được sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo gần như đã đáp ứng đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền.
Ảnh hưởng tích cực
Với sự có mặt trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, các máy tính thông minh có thể sáng tác ra hàng triệu tác phẩm tương tự như con người. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo được dùng thường xuyên trong kinh tế, y học, các ngành kỹ thuật, công nghệ và quân sự - quốc phòng cũng như trong các ứng dụng gắn với đời sống xã hội.Thậm chí mới đây, một cô robot có tên Sophia đã trở thành robot đầu tiên được công nhận là công dân tại Ả-rập Saudi ngay trước thềm sự kiện Future Investment Initiative được tổ chức tại thành phố Riyadh.
Ảnh hưởng tiêu cực
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà trí tuệ nhân tạo mang lại thì sự phát triển mạnh mẽ của nó cũng mang đến những ảnh hưởng rất tiêu cực. Có rất nhiều quan điểm được đưa ra cho câu hỏi quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo sẽ thuộc về chủ thể nào. Khi quyền tác giả được trao cho trí tuệ nhân tạo thì sẽ rất khó để có thể xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra bất kỳ một vấn đề nào liên quan đến pháp luật. Còn nếu quyền tác giả được trao cho người sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo thì có đồng nghĩa với việc người đó sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những tác phẩm mà trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra hay không?
Hiện nay, khi mà robot có thể làm mọi thứ một cách độc lập vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Người sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo không thể theo sát chúng mọi lúc cũng như kiểm soát được hoàn toàn các hoạt động của chúng. Vì vậy, việc quy trách nhiệm pháp lý về người sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo trong một số trường hợp sẽ là bất hợp lý. Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo còn dẫn đến tình trạng mất việc làm cũng như nguy cơ đối mặt với các cuộc tấn công mạng. Trong một báo cáo phát hành ngày 27/6, nhà sản xuất chip ARM của Anh nhấn mạnh tất cả các ngành đều sẽ chịu ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo, từ nông nghiệp tới tài chính, ngân hàng trong đó rõ ràng nhất là khoảng 5 triệu việc làm sẽ biến mất với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo.
Sự tác động của trí tuệ nhân tạo đối với luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Trong vòng một năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng 4.0 đã khiến con người ta tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thế giới. Không thể phủ nhận rằng, robot và các phần mềm trí tuệ nhân tạo đang biến đổi xã hội một cách sâu sắc.
Vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến luật sử hữu trí tuệ của các quốc gia? Một vấn đề quan trọng nhất liên quan đến pháp luật sử hữu trítuệ là quyền tác giả đối với sản phẩm trí tuệ. Vậy thực trạng của việc công nhận quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo trên thế giới đã thay đổi ra sao? Hiện nay, trên thế giới có hai xu hướng thừa nhận quyền tác giả của sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Xu hướng thứ nhất là trao quyền tác giả về những sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo tạo ra cho chính những trí tuệ nhân tạo đó được các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc ủng hộ. Xu hướng thứ hai là trao quyền tác giả về những sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo tạo ra cho những tác giả tạo ra trí tuệ nhân tạo. Hong Kong, Ấn Độ, Ireland, New Zealand là đại diện tiêu biểu ủng hộ cho xu hướng thứ hai này [5].
Với xu hướng thứ nhất, chủ thể của quyền tác giả không còn là con người nữa mà là những trí tuệ nhân tạo có thể sáng tạo ra tác phẩm một cách độc lập với con người. Vì vậy, ở xu hướng này, quyền quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo được trao cho chủ thể sáng tạo ra tác phẩm và đảm bảo được các yếu tố để được công nhận là tác giả. Chủ thể này được hiểu là con người hoặc trí tuệ nhân tạo. Các yếu tố để được công nhận là tác giả đối với trí tuệ nhân tạo sẽ phải đáp ứng được những quy định về pháp luật quyền tác giả được quy định trong pháp luật đối với tác giả là con người. Còn với xu hướng thứ hai, quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng khoa học 4.0 thuộc về những cá nhân, tổ chức với bất kỳ sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo do chính cá nhân, tổ chức đó tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó,đối tượng điều chỉnh của quyền tác giả sẽ thay đổi. Đối tượng ở đây không còn phải là những sản phẩm được tạo ra bởi con người mà là những sản phẩm được tạo ra bởi cả từ trí tuệ nhân tạo.
Trong một thế giới mà các chương trình lập trình có thể chiếm ưu thế trong không gian sáng tạo - thao túng, sắp xếp, chỉnh sửa màu sắc, quay phim và sáng tạo nội dung văn học, âm thanh và hình ảnh - Toà án có thể quy định rằng các tác phẩm không phải do con người tạo ra sẽ trở thành tài sản công cộng mà không được bảo vệ, hoặc, họ có thể cấp bản quyền, bảo vệ tác phẩm tạo ra bởi các chương trình lên đến hơn 100 năm theo luật bản quyền hiện hành. Vậy cái nào là tốt hơn? Từ những năm về trước, đối với những tác phẩm do máy tính tạo ra, hệ thống pháp luật nước Anh không công nhận quyền tác giả thuộc về máy tính hay trí tuệ nhân tạo tạo ra nó, mà vẫn theo xu hướng cũ đó là tuyên bố rằng quyền tác giả của tác phẩm ấy thuộc về người có liên quan mật thiết nhất đối với phần mềm hay máy tính mà tạo ra tác phẩm. Đây có thể là một quy định hợp lý bởi nhiều năm trước, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa xuất hiện và trí tuệ nhân tạo chưa phát triển như hiện nay, việc máy tính hay các phần mềm tạo ra sản phẩm văn học, kịch nghệ, âm nhạc,… cần có nhiều sự trợ giúp từ con người hơn như là con người phải cho chạy chương trình, lập trình code, hay đơn giản là những thao tác kết nối các phần mềm, dữ liệu trên máy tính,… Hơn nữa đặt trong bối cảnh xã hội những năm của thế kỷ XX, lại ở một đất nước truyền thống, văn hóa có phần “bảo thủ” như Vương quốc Anh, việc trao quyền tác giả cho một chiếc máy tính hoặc phần mềm thì có chăng là chưa hợp lý với lối suy nghĩ của công dân “xứ sở sương mù” này.
Theo pháp luật hiện hành của Mỹ thì những tác phẩm không phải là con người tạo ra thì không có bản quyền. Hiện tại, vấn đề ai là chủ sở hữu những tác phẩm được tạo ra bởi con vật hoặc trí tuệ nhân tạo vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi đối với những chuyên gia pháp lý rằng đâu là cách tốt nhất, và việc không công nhận quyền tác giả cho những tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo hoặc con vật có đi ngược lại với điều khoản về bản quyền trong Hiến pháp Mỹ hay không. Châu Âu có xu hướng khá cởi mở trong việc công nhận quyền liên quan đến robot và trí tuệ nhân tạo bởi châu Âu luôn là cộng đồng ưu tiên việc bảo vệ các quyền cho con người, khuyến khích thúc đẩy mọi sự phát triển vì cộng đồng; bởi vậy, việc thông qua đạo luật này và chính thức công nhận quyền tác giả cho chủ nhân những tác phẩm không được tạo ra bởi con người là một việc không hề xa vời trong tương lai.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 2017, Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã có cuộc gặp mặt tại Tokyo, Nhật Bản để giải quyết một số vấn đề, trong đó, hai bên đều quan tâm đến vấn đề các tác phẩm do trí thông minh nhân tạo tạo ra có đủ điều kiện để bảo vệ bản quyền theo các đạo luật của Nhật Bản và Châu Âu hay không.
Con đường nào tốt nhất thúc đẩy lợi ích cơ bản của thế giới trong "tiến bộ khoa học và nghệ thuật hữu ích" và bản quyền có nên được công nhận trong ít năm hơn là 100 năm tùy vào một số trường hợp nhất định hay không? Dù chưa thể xây dựng cho mình một hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh để điều chỉnh quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo nhưng các quốc gia (hầu hết là các quốc gia phát triển) đã đưa một số quy định cụ thể về vấn đề này vào trong những quy định pháp luật của mình. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng luật và thực tiễn vấn đề quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo, nhóm tác giả cho rằng một hệ thống pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ và thống nhất về quyền tác giả và trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ sớm được các quốc gia hoàn tất và cho thi hành
Sự tác động của trí tuệ nhân tạo tới pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo hiện đã và đang chạm đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực như như y tế, ngân hàng, thiết kế, hàng không hay ẩm thực, sản xuất âm nhạc… Vấn đề nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng rất được chú trọng phát triển. Việc các nhà sản xuất công nghệ cho những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và những thiết bị công nghệ cao không còn quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, như nhóm tác giả đã nêu ở trên, không có bất cứ một văn bản pháp luật nào quy định các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về trí tuệ nhân tạo. Nhóm tác giả cho rằng, sở dĩ pháp luật Việt Nam không quy định các vấn đề liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo là vì hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm sáng tạo ra các tác phẩm mang giá trị khoa học còn chưa phổ biến, chủ thể của các sáng tạo vẫn là con người, trí tuệ nhân tạo chỉ được ứng dụng như một công cụ hỗ trợ trong quá trình lao động, sản xuất. Trí tuệ nhân tạo xuất hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, nhưng việc người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo như một thực thể thông minh để có thể sáng tạo ra một tác phẩm là điều vô cùng hiếm hoi, và có lẽ những nhà làm luật cho rằng vấn đề đó là chưa cấp thiết.
Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chưa có điều kiện để phát triển. Nhìn lại, quả chỉ có một sản phẩm phần mềm của các chàng tí hon BKAV, MISA, Cốc Cốc… có thể có chỗ đứng nhỏ ở thị trường nội địa. Về phần cứng, khi BKAV dũng cảm thử sức với BPhone nhưng cũng đã bị vào ùa tẩy chay. Trong khi cuộc Cách mạng 4.0 đang bùng nổ, thì những “chàng tí hon” của chúng ta chỉ biết âm thầm cố gắng trong một môi trường không được mấy thuận lợi để phát triển.
Có lẽ cũng chính bởi chưa xuất hiện những chàng khổng lồ có thể sáng tạo ra những phần mềm trí tuệ nhân tạo ưu việt hay những con robot thông minh vượt trội nên các nhà làm luật vẫn còn khá thờ ơ với việc ban hành hệ thống luật đối với vấn đề này. Và cõ lẽ lại càng thờ ơ hơn với việc tìm ra con đường tối ưu nhất để công nhận quyền tác giả với các sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa gia nhập bất kì một điều ước quốc tế đa phương nào trong lĩnh vực quyền tác giả, trực tiếp điều chỉnh vấn đề quyền tác giả, có thể kể đến Hiệp ước WIPO về quyền tác giả có hiệu lực ngày 06/03/2002,… dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh quyền tác giả liên quan đến các vấn đề phức tạp hơn như quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng 4.0 chỉ mới bùng nổ ở Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây, trong khi nó đã xuất hiện trên thế giới trong vòng một thập kỉ nay. Vì vậy, nhóm tác giả cho rằng, sẽ là khó khăn với các nhà làm luật Việt Nam khi phải đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để điều chỉnh quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo. Vậy, nếu xảy ra các tranh chấp quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo sẽ giải quyết tại cơ quan nào và sẽ áp dụng luật nào?
Tại Việt Nam hiện nay không có bất kỳ một quy định nào liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 quy định các tranh chấp liên quan đến sỡ hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ được giải quyết tại tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tranh chấp quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo cũng là một tranh chấp về trí tuệ nhân tạo, do đó nếu các bên nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, nơi xảy ra tranh chấp hoặc nơi mà trí tuệ nhân tạo được sáng tạo ra thì Tòa án có nghĩa vụ thụ lý đơn khởi kiện đó. Như vậy, khi các bên có yêu cầu giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo có thể giải quyết tại tòa án nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
Tuy nhiên, khi giải quyết tại tòa án hay trọng tài thì quy định pháp luật nào sẽ được áp dụng và áp dụng như thế nào? Căn cứ theo điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2015, thì khi chưa có điều luật để áp dụng, tòa án sẽ phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, án lệ được tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố, lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó. Như vậy, khi có các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo thì tòa án có thể áp dụng nguyên tắc pháp luật, lẽ công bằng hay các án lệ mà Hội đồng thẩm phán công bố để giải quyết tranh chấp này.
Nhưng nếu như không có các quy định pháp luật liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo thì việc dựa trên các nguồn luật khác để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo sẽ vô cùng khó khăn.
Thứ nhất, năng lực của các thẩm phán còn yếu và bị động. Sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực mới. Mặc dù trong thời gian qua ngành Tòa án cũng đã có sự quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán, song do quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo còn là một lĩnh vực rất phức tạp, liên quan đến nhiều đến kiến thức chuyên sâu nên việc nghiên cứu để có thể áp dụng nguyên tắc pháp luật hay lẽ công bằng một cách xác đáng nhất là vô cùng khó khăn.
Thứ hai, Việt Nam vốn dĩ là một nước theo hệ thống Civil law, tức là hệ thống pháp luật thành văn, nên các án lệ mà Hội đồng thẩm phán mà tòa án nhân dân tối cao đưa ra sẽ kém phong phú, đặc biệt là một lĩnh vực mới như quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo. Và trên thực tế, các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo cũng xảy ra rất ít trên thế giới và chưa từng xảy ra ở Việt Nam, nên việc áp dụng án lệ để giải quyết là hoàn toàn mông lung.
Việc bảo hộ quyền tác giả đối nói chung và quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo nói riêng tại Việt Nam còn nhiều bất cập từ thực tiễn tới pháp luật. Vì vậy, Việt Nam cần có những thay đổi tích cực trong thời gian tới để có thể bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả về trí tuê nhân tạo nói riêng một cách hiệu quả nhất.
1. TS. Ngô Hữu Phúc, Bài giảng nhập môn Trí tuệ nhân tạo, Học viện Kỹ thuật Quân sự, 2011. 2. George F. Luger - William A. Stubblefield, “Artificial Intelligence”, Wesley Publishing Company, 1997, tr. 30. 3. Võ Huỳnh Trâm, Trần Ngân Bình, Trí tuệ nhân tạo, Đại học Cần Thơ, tr. 8. 4, 5. Andres Guadamuz, “Artificial intelligence and copyrigh”, http://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2017/05/article_0003.html. ============================ 1. Phan Thọ Hoàn, Phạm Thị Anh Lê, Giáo Trình trí tuệ nhân tạo, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011, tr. 5. 2. Võ Huỳnh Trâm, Trần Ngân Bình, Trí tuệ nhân tạo, Đại học Cần Thơ, tr. 8. 3. Trần Xuân Hoài, “Trí tuệ thật và Trí tuệ Nhân tạo với Cách mạng 4.0”. 4. TS. Nguyễn Hợp Toàn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, PGS.TS Trần Văn Nam, Thực trạng giải quyết tranh chấp về quyền tác giả tại Việt Nam giai đoạn 2006 – 2012 và một số đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật và thực thi về sở hữu trí tuệ, Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV ngày 26-28/11/2012 tại Hà Nội; Tiểu ban số 7: Pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bên vững. 6. George F. Luger - William A. Stubblefield, “Artificial Intelligence”, Wesley Publishing Company, 1997, tr. 30. 7. Daniel C.K. Chow & Edward Lee, International Intellectual Property: Problems, Cases, and Materials, Thomson West, 2006, tr. 130 – 146. |
NGUYỆT HÀ - PHƯƠNG ANH