/ Nghề Luật sư
/ Vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại tại Việt Nam

Vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại tại Việt Nam

23/07/2023 07:36 |

(LSVN) - Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc phát sinh các tranh chấp về kinh doanh, thương mại là điều khó có thể tránh khỏi. Đa phần các doanh nghiệp từng là đương sự trong các vụ án kinh doanh, thương mại đều hiểu rằng việc ban hành bản án/quyết định của Tòa án (bản án) cũng chỉ mới giải quyết được một phần của vụ tranh chấp, phần còn lại sẽ phụ thuộc vào quá trình thi hành án. Nếu như kết quả của quá trình tố tụng giúp phân định được bên thắng – thua trong vụ tranh chấp thì quá trình thi hành án sẽ được xem là giai đoạn mà các bên phải thực hiện các nghĩa vụ/trách nhiệm của mình liên quan đến bản án. Do đó, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả người được thi hành án và người phải thi hành án (trong phạm vi bài viết này, người được thi hành án và người phải thi hành án được đề cập đều là các doanh nghiệp). Nếu không đạt được mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án, toàn bộ quá trình tố tụng và nội dung bản án phần nào đó có thể bị xem là vô nghĩa đối với người được thi hành án. Vì vậy, trong giai đoạn thi hành án, vai trò của những người phụ trách pháp lý, cụ thể là Luật sư của các đương sự cần được đặc biệt đề cao. Trong bài viết này, tác giả sẽ chia sẻ một số quan điểm về vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại, dựa trên kinh nghiệm thực tế với vai trò là Luật sư của người được thi hành án.

Ảnh minh hoạ. 

Về thực trạng thi hành án kinh doanh, thương mại tại Việt Nam

Thi hành án kinh doanh, thương mại ở Việt Nam hiện nay là một quá trình cực kỳ gian nan và tốn nhiều công sức. Theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày để tự nguyện thi hành án [1]. Tuy nhiên, đa phần người phải thi hành án khi đến giai đoạn đều rất hiếm khi tự nguyện thi hành án, khi đó, việc cưỡng chế thi hành án phải được thực hiện bởi cơ quan thi hành án. Các khó khăn, vướng mắc thường gặp hiện nay trong giai đoạn thi hành án xuất phát từ bốn nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, sự thiếu hợp tác từ phía người phải thi hành án. Đây chắc chắn là một trong những lý do mà hầu hết người được thi hành án đều gặp phải. Việc người phải thi hành án chủ động tẩu tán tài sản, thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp nhằm biến doanh nghiệp của mình thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới là điều xảy ra rất thường xuyên. Thậm chí, để kéo dài thời gian giải quyết thi hành án, một số trường hợp người phải thi hành án còn thực hiện các thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với chấp hành viên hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Việc này khiến quá trình thi hành án bị gián đoạn, tốn kém thêm nhiều chi phí cho người được thi hành án.

Thứ hai, sự quá tải đến từ cơ quan thi hành án. Với số lượng các vụ việc ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố trọng điểm về kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, việc một chấp hành viên phải phụ trách xử lý cùng lúc nhiều vụ việc khiến cho thời gian thi hành án bị kéo dài. Hơn nữa, để thi hành án đối với một vụ việc, đòi hỏi chấp hành viên phải cực kỳ sâu sát và kịp thời thực hiện nhiều biện pháp cần thiết đối với người phải thi hành án. Việc cùng lúc đảm nhiệm quá nhiều vụ việc khiến chất lượng của hoạt động thi hành án là tương đối thấp.

Thứ ba, sự thiếu hụt hệ thống dữ liệu để chia sẻ thông tin của bên phải thi hành án giữa các cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, để phục vụ cho quá trình xác minh điều kiện thi hành án, chấp hành viên phải làm việc với nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau để kiểm tra, xác minh thông tin, đơn cử như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, ngân hàng… Đối với từng cơ quan, chấp hành viên phải làm việc trực tiếp đối với cơ quan đó, hoàn toàn không có sự liên kết về mặt thông tin giữa các cơ quan này, chưa kể, trong trường hợp người phải thi hành án thiếu hợp tác và chuyển dịch tài sản, thay đổi thông tin như đã nêu ở trên, hoạt động xác minh của chấp hành viên sẽ gặp vô vàn khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Thứ tư, vướng mắc đặc thù của mỗi vụ việc. Ngoài những khó khăn, vướng mắc kể trên, đối với mỗi vụ việc đều có những vấn đề riêng mà người được thi hành án và chấp hành viên phải đối mặt. Đơn cử như các trường hợp cần kê biên quyền sử dụng đất nhưng lại có sự sai khác thông tin về diện tích đất trên thực tế so với bản án hoặc tại phần đất là tài sản của người phải thi hành án có các công trình xây dựng của cá nhân/tổ chức khác. Những vấn đề này sẽ khiến quá trình thi hành án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được thi hành án.

Vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại

Xây dựng chiến lược cho quá trình thi hành án

Việc xây dựng chiến lược cho hoạt động thi hành án đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của cả quá trình thi hành án. Một cách đơn giản, vai trò của Luật sư được thể hiện qua việc xây dựng phương án thi hành án phù hợp với tình hình thực tế của vụ việc, lên kế hoạch cho các công việc mà người được thi hành án phải thực hiện, dự tính các tình huống thực tế phát sinh và hướng giải quyết cho từng tình huống. Xây dựng chiến lược cho quá trình thi hành án không chỉ bắt đầu từ thời điểm bản án có hiệu lực, việc này phải được Luật sư thực hiện ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, tức khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, khi kết thúc quá trình tố tụng cũng là lúc người phải thi hành án đã hoàn tất các công việc cần thiết để tẩu tán tài sản, rút toàn bộ những nhân sự quan trọng chịu trách nhiệm pháp lý ra khỏi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, khi đó, việc thi hành án sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, thậm chí khiến cả quá trình thi hành án sau này trở nên vô nghĩa.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thường ưu tiên sử dụng dịch vụ pháp lý của các Công ty luật/Văn phòng luật sư đã cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tố tụng, bởi lẽ những Luật sư tại các đơn vị này đã có sự nghiên cứu và hiểu biết nhất định về toàn bộ vụ việc cũng như về người phải thi hành án. Việc tiếp tục đồng hành với khách hàng trong giai đoạn thi hành án giúp cho quá trình giải quyết vụ việc được thông suốt, hiệu quả hơn.

Do đó, việc Luật sư chủ động xây dựng cho khách hàng các chiến lược để thi hành án hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu của vụ việc, đồng thời có những điều chỉnh xuyên suốt cho đến lúc kết thúc quá trình thi hành án sẽ giúp cho hoạt động thi hành án trở nên thuận lợi hơn trong giai đoạn quan trọng của vụ việc là giai đoạn thi hành án.

Người tư vấn

Tương tự công việc xây dựng chiến lược cho quá trình thi hành án, việc tư vấn của Luật sư cho quá trình thi hành án cũng diễn ra xuyên suốt từ thời điểm tiếp nhận vụ việc cho đến khi kết thúc quá trình thi hành án. Vai trò tư vấn của Luật sư trong giai đoạn thi hành án nằm ở ba khía cạnh chính:

Thứ nhất, Luật sư sẽ tư vấn về quyền và nghĩa vụ của các đương sự, của cơ quan tố tụng và bên thứ ba khác trong giai đoạn tố tụng, nhằm giúp người được thi hành án thực hiện một số thủ tục cần thiết đối với người phải thi hành án, làm nền tảng cho quá trình thi hành án sau này.

Thứ hai, Luật sư sẽ tư vấn về quyền và nghĩa vụ của các đương sự, của cơ quan thi hành án và bên thứ ba khác trong giai đoạn thi hành án, đặc biệt chú trọng vào quyền của người được thi hành án, vì đây là cơ sở để người được thi hành án thực hiện các thủ tục cần thiết trong giai đoạn này. Ngoài ra, vai trò của Luật sư còn thể hiện ở việc tư vấn cho người được thi hành án về các thủ tục cần thực hiện, tùy vào từng thời điểm và tính chất cụ thể của từng vụ việc, đơn cử như các thủ tục nộp đơn yêu cầu thi hành án, đơn yêu cầu hỗ trợ xác minh tài sản,…

Thứ ba, ngoài các nội dung tư vấn như trên, một khía cạnh quan trọng mà người được thi hành án cần ý kiến tư vấn của Luật sư trong giai đoạn này liên quan đến thỏa thuận và quá trình làm việc giữa các đương sự. Thực tế, việc thi hành án không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan thi hành án, bản thân người được thi hành án hoàn toàn có thể chủ động ở một số công việc nhất định. Trong đó, việc chủ động thỏa thuận với người phải thi hành án là vấn đề mà chúng tôi luôn đặt ra cho các khách hàng của mình. Nhiều trường hợp qua xác minh nhận thấy người phải thi hành án không còn đủ tài sản để có thể thi hành án, khi đó, việc thỏa thuận thi hành án giữa các đương sự phần nào giúp các bên có thể tạm hài lòng để kết thúc quá trình thi hành án, hoặc nếu việc thi hành án hoàn tất trước khi cơ quan thi hành án ban hành các quyết định cưỡng chế có thể giúp giảm được phí thi hành án phải nộp [2], giúp các bên tối ưu được khoản tiền mình phải trả/thu được sau giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, việc thỏa thuận thi hành án giữa các đương sự cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người được thi hành án, nhất là khi việc thỏa thuận không được thực hiện thông qua cơ quan thi hành án. Khi đó, Luật sư của người được thi hành án đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cụ thể là đưa ra ý kiến tư vấn về việc thỏa thuận và soát xét các điều khoản của thỏa thuận, bảo đảm tối đa lợi ích của người được thi hành án.    

Đại diện theo ủy quyền cho người được thi hành án

Luật Thi hành án dân sự cho phép người được thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong giai đoạn thi hành án [3]. Đồng thời, đại diện theo ủy quyền cũng là một trong những công việc thuộc phạm vi hành nghề của Luật sư [4]. Do đó, trong giai đoạn thi hành án kinh doanh, thương mại, Luật sư có thể đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án.

Với vai trò này, Luật sư có thể sâu sát vụ việc hơn thông qua việc trực tiếp thực hiện các thủ tục liên quan đến thi hành án. Trong đó, quan trọng nhất là các thủ tục về xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với cơ quan thi hành án và người phải thi hành án. Đây là những công việc cần sự hiểu biết tường tận về các quy định pháp luật, sự linh hoạt trong việc vận dụng các quy định pháp luật, đồng thời là kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn của mình, Luật sư hoàn toàn có thể đại diện cho người được thi hành án thực hiện các công việc trên một cách tốt nhất.

Ngoài ra, như đã nêu, thi hành án hiện nay là một quá trình dài, do đó, sự xuất hiện của Luật sư trong vai trò đại diện theo ủy quyền giúp người được thi hành án tiết kiệm được nhiều thời gian, nguồn lực khác của doanh nghiệp mình nhưng vẫn bảo đảm tính sâu sát và chất lượng giải quyết công việc.

Khác với quy định trong giai đoạn tố tụng, Luật sư trong giai đoạn thi hành án không còn đóng vai trò như một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự [5], thay vào đó, để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, Luật sư có thể đứng ở vai trò hoạch định chiến lược, tư vấn pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền cho người được thi hành án để trực tiếp tham gia vào quá trình thi hành án. Tuy nhiên, về bản chất, các công việc mà Luật sư thực hiện đều trên tinh thần bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích của khách hàng trước những khó khăn, bất cập nhất định trong hoạt động thi hành án hiện nay.

[1] Khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014.

[2] Khoản 4 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.

[3] Điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014.

[4] Khoản 4 Điều 22 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung 2012 quy định Phạm vi hành nghề của Luật sư bao gồm: “Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật”.

[5] Điểm a Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC

Luật sư NGUYỄN NHẬT DƯƠNG

Công ty Luật TNHH HM&P

Đề nghị các Đoàn Luật sư tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Nguyễn Mỹ Linh