Về phiên họp hòa giải theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

12/01/2021 07:46 | 3 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, hòa giải gần như là một thủ tục mang tính bắt buộc và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp một cách hữu hiệu khi tiến hành giải quyết các vụ án dân sự nói chung. Hòa giải góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là đương sự) là các bên tranh chấp thông qua vai trò trung gian của tòa án. Tòa án làm tốt công tác hòa giải sẽ giúp các đương sự giải quyết nhanh các tranh chấp, mâu thuẫn mà không phải kéo dài thời gian xét xử, đỡ tốn kém thời gian đi lại, công sức, tiền của Nhà nước, của đương sự; hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa các đương sự; hiệu quả thi hành thỏa thuận cao.

Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 có hiệu lực thi hành đã kịp thời giải quyết và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trước đây trong công tác hòa giải các vụ án dân sự nói chung. Tuy nhiên, qua thực hiện công tác hòa giải tại tòa án hiện nay thì một số quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Cụ thể như sau:

Về thời điểm tiến hành phiên họp hòa giải

Bộ luật TTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không có quy định nào về thời điểm mở phiên họp hòa giải. Tại khoản 1 Điều 205 của Bộ luật TTDS năm 2015 chỉ quy định như sau: “1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

Do đó, hiện nay có quan điểm cho rằng tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu kết quả hòa giải không thành. Điều này sẽ hạn chế số lần đương sự phải đến tòa án qua đó tiết kiện chi phí, công sức của đương sự, kinh phí của Nhà nước… Quan điểm khác cho rằng việc hòa giải là do thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xem xét quyết định, tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể. Quan điểm này cho rằng, công tác hòa giải cần phải được chuẩn bị kỹ càng, song cần phải có sự kiên trì và chọn thời điểm phù hợp. Kinh nghiệm và thực tiễn công tác hòa giải tại tòa án của các thẩm phán thì thấy rằng việc chọn thời điểm để tiến hành mở phiên họp hòa giải có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định.

Chẳng hạn, một vụ án tranh chấp về ly hôn, nếu sau khi thụ lý, tòa án tiến hành mời các đương sự hòa giải ngay thì có thể hòa giải thành theo hướng các đương sự thuận tình ly hôn hoặc không thành do bị đơn không đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, nếu tinh ý sẽ thấy rằng mâu thuẫn vợ chồng của đương sự trong vụ án là không lớn, có thể là một chút giận hờn hoặc nhằm ly hôn cho bên kia biết “sợ” mà sửa đồi tính tình thì thẩm phán không nên vội mời hòa giải ngay mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân mâu thuẫn, làm việc riêng với từng được sự, tìm hiểu tâm tư của họ; động viên phân tích họ đoàn tụ và nhiều khả năng nguyên đơn sẽ rút lại đơn khởi kiện. Hay một vụ án tranh chấp đất đai, do các đương sự đã có nhiều mâu thuẫn, qua hòa giải tại UBND cấp xã họ đã không muốn thương lượng giải quyết. Do đó, nếu tòa án vừa thụ lý đã mời hòa giải thì kết quả hòa giải thành là không cao. Tuy nhiên, nếu thẩm phán tìm hiểu rõ nguyên nhân mâu thuẫn, thu thập các tài liệu chứng cứ cần thiết và có liên quan, đồng thời đưa ra nhiều phương án để đương sự suy nghĩ và lựa chọn thì kết quả hòa giải thành sẽ cao hơn.

Về thời điểm bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

Khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 202 của Bộ luật TTDS năm 2015 có quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” và “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Qua quy định này có thể hiểu là tòa án chỉ được thụ lý và xem xét giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước khi tòa án mở phiên họp hòa giải. Tuy nhiên, quy định trên không được rõ ràng ở chỗ là trong một vụ án dân sự nói chung thì tòa án thường mở nhiều phiên họp hòa giải. Do đó, nếu tại phiên họp hòa giải lần thứ hai mà đương sự là bị đơn mới nộp đơn yêu cầu phản tố, bị đơn mới nộp đơn yêu cầu độc lập thì tòa án có được thụ lý hay không? Có quan điểm cho rằng tòa án không được thụ lý vì không bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều 2020 và khoản 2 Điều 202 của Bộ luật TTDS năm 2015. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng tòa án vẫn phải xem xét thụ lý yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bởi lẽ yêu cầu của họ là gắn với yêu cầu của đương sự khác trong vụ án; nếu không thụ lý trong cùng vụ án sẽ không giải quyết triệt để vụ án và gây tốn kém, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giữa các đương sự nếu thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong vụ án khác nữa.

Tại phiên họp hòa giải, bị đơn có đơn xin vắng mặt nhưng đã gửi văn bản cho tòa án có ý kiến đồng ý toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và chấp nhận chịu toàn bộ án phí thì tòa án có được quyền lập biên bản hòa giải thành và sau đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự?

Khoản 5 Điều 211 Bộ luật TTDS năm 2015 có quy định như sau: “5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải”. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy vẫn có trường hợp vụ án chỉ có đương sự là nguyên đơn và bị đơn nhưng tại phiên họp hòa giải bị đơn có đơn xin vắng mặt nhưng đã gửi văn bản cho tòa án có ý kiến đồng ý toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và chấp nhận chịu toàn bộ án phí thì tòa án có được quyền lập biên bản hòa giải thành và sau đó là ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự hay không thì hiện còn có quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng nếu bị đơn vắng mặt thì tòa án lập biên bản không hòa giải được theo quy định tại khoản 1 Điều 207 của Bộ luật TTDS năm 2015 và tiến hành đưa vụ án ra xét xử. Quan điểm điểm khác cho rằng tòa án có quyền lập biên bản hòa giải thành, sau đó gửi biên bản hòa giải thành cho bị đơn, nếu hết thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày bị đơn nhận được bản sao biên bản hòa giải thành mà bị đơn không có ý kiến bằng văn bản về việc thay đổi nội dung thỏa thuận thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015.

Những bất cập, vướng mắc nêu trên rất cần được Tòa án nhân dân tối cao sớm hướng dẫn hoặc giải đáp nghiệp vụ để các tòa án địa phương có nhận thức và áp dụng pháp luật cho thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH 

Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Những sự kiện chính trị, pháp lý tiêu biểu năm 2020