Khi có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai. Theo đó, trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 4 và Khoản 5 Điều 95, Khoản 1 Điều 167, Khoản 1 Điều 168 và Điều 188 Luật Đất đai, Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Điều 168 Luật Đất đai quy định thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Theo đó, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai thì Giấy chứng nhận được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Do đó, khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thực hiện xác nhận thay đổi tên vào Giấy chứng nhận đã cấp để sang tên, trao Giấy chứng nhận đã được xác nhận thay đổi cho bên nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho thì cũng thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, đối với trường hợp có thông báo thu hồi đất, khi thực hiện trình tự, thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cơ quan giải quyết thủ tục có trách nhiệm gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định trước khi thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính nhưng không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi tên trên Giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho để bảo đảm phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Điều 79. Trình tự, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng 1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất. 2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây: a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. 3. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định. Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào văn bản tặng cho quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để xác nhận thay đổi. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận thì thu hồi Giấy chứng nhận để quản lý. 4. Trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đã chết trước khi được trao Giấy chứng nhận thì người được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thừa kế nộp bổ sung giấy tờ về thừa kế theo quy định. Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thừa kế vào Giấy chứng nhận đã ký hoặc lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được thừa kế theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Người được thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đã chết phải thực hiện theo quy định của pháp luật. |
HỒNG HẠNH
Quyền bào chữa của bị can, bị cáo – Một số hạn chế, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện
(LSVN) - Quyền bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của quyền được xét xử công bằng - một lĩnh vực cơ bản của quyền con người trong tố tụng hình sự. Việc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự có vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm quyền con người, một tiêu chí cơ bản trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự là nguyên tắc Hiến định, được ghi nhận tại tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam. Việc ghi nhận, thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đồng thời giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
1. Quy định của pháp luật về quyền bào chữa của bị can, bị cáo
Quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định, cho phép bị can, bị cáo có thể sử dụng nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự hoặc để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Các hình thức thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo đó là:
1.1. Bị can, bị cáo tự bào chữa
Quyền tự bào chữa là quyền năng tố tụng đặc thù của bị can, bị cáo được pháp luật ghi nhận và bảo đảm cho phép bị can, bị cáo tự thực hiện các hành vi tố tụng và quyền tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của họ trước các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tự bào chữa là một trong những hình thức thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo và là nội dung quan trọng của quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Pháp luật cho phép bị can, bị cáo được tự mình thực hiện các hành vi tố tụng như đưa ra chứng cứ và những yêu cầu có lợi cho mình khi tham gia tố tụng mà không nhất thiết phải có sự tham gia của người bào chữa.
So với quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS năm 2015 quy định bị can, bị cáo có một số quyền mới sau:
- Bị can có quyền được biết lý do mình bị khởi tố
Quy định này là một biểu hiện công minh, tiến bộ. Một người khi bị khởi tố với tư cách là bị can, họ phải biết tại sao mình bị khởi tố. Trường hợp bị khởi tố mà họ không phạm tội thì họ có quyền đưa ra các chứng cứ nhất định để chứng minh là mình vô tội; có quyền khiếu nại và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét. Việc giải thích cho bị can quyền, nghĩa vụ và lý do mình bị khởi tố cũng chính là để bị can nắm bắt được thông tin, chủ động trong việc thực hiện quyền bào chữa của mình. Trách nhiệm giải thích cho bị can trong trường hợp này thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và phải được ghi lại nội dung theo biên bản hỏi cung và đưa vào hồ sơ vụ án, đồng thời cũng giúp cho bị can biết được các quyền để chống lại khi bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe một cách trái pháp luật. Mặt khác, bị can có quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì sẽ hạn chế được tình trạng ra quyết định khởi tố bị can một cách tùy tiện, thiếu căn cứ theo quy định của pháp luật.
- Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội
Đây là một trong những quyền quan trọng của bị can, bị cáo và giải quyết được những bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội khi đưa ra truy tố, xét xử. Như vậy, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và cũng không buộc phải khai nhận mình có tội, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung.
- Bị can, bị cáo có quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá
Sau khi đưa ra những chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, để có thể tự gỡ tội cho mình hoặc dùng làm tình tiết giảm nhẹ, bị can, bị cáo có quyền trình bày ý kiến của mình về những vật đó. Do vậy, HĐXX khi nhận được các chứng cứ, tài liệu, đồ vật do bị can, bị cáo cung cấp thì phải tiến hành kiểm tra, đánh giá khách quan để xác định các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó có phải là chứng cứ trong vụ án hay không và giá trị của nó trong việc xác định sự thật của vụ án.
- Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu
Đây là một trong những quyền quan trọng của bị can, bảo đảm cho bị can xem xét tất cả những tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội cũng như việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra để cho bị can biết mình bị buộc tội gì và bằng những chứng cứ nào. Từ đó mà bị can có thể thực hiện tốt quyền bào chữa của mình.
- Bị cáo có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa
Việc đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa sẽ làm tăng tính chủ động cho bị cáo, giúp bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình được tốt hơn, việc hỏi cũng như đối chất trực tiếp tại phiên tòa sẽ là căn cứ quan trọng làm cho việc xét xử được khách quan, toàn diện, đầy đủ.
- Bị cáo có quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án
Sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận, bị cáo được nói lời sau cùng. Quyền này tạo điều kiện và giúp bị cáo có thể đề nghị với HĐXX lưu ý đến những tình tiết, những chứng cứ có lợi cho bị cáo khi nghị án để có thể ra một bản án có căn cứ và hợp pháp. Quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án là một trong những bảo đảm pháp lý quan trọng để bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình, là quyền đặc thù mà pháp luật chỉ dành riêng cho bị cáo.
- Bị cáo có quyền xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa
Để tránh sai sót trong việc ghi chép lại quá trình diễn ra tại phiên tòa, bị cáo có quyền xem biên bản phiên tòa và yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản đó, điều này đồng nghĩa với việc bị cáo đồng ý với quá trình xét xử nếu không có những yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi khác.
- Bị cáo còn có các quyền khác theo quy định của pháp luật. Những quyền này sẽ được thể hiện rõ sau khi các văn bản hướng dẫn có hiệu lực.
1.2. Bị can, bị cáo nhờ người khác bào chữa
Quyền nhờ người khác bào chữa là quyền năng tố tụng đặc thù của bị can, bị cáo bào chữa cho mình thông qua sự giúp đỡ của luật sư, người đại diện hợp pháp của họ, bào chữa viên nhân dân hoặc trợ giúp viên pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn vì những lý do khác nhau nên không phải bất cứ bị can, bị cáo nào cũng có khả năng tự bào chữa một cách có hiệu quả. Do vậy, pháp luật tạo điều kiện để họ thực hiện quyền bào chữa của mình bằng việc có thể nhờ người khác bào chữa. Nhờ người khác bào chữa là một hình thức thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo có hiệu quả và góp phần không nhỏ vào việc giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan.
2. Những hạn chế vướng mắc trong việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo
Thứ nhất, nói chung đại đa số người bào chữa đã tích cực sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo nhưng cũng không ít những người bào chữa đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hình thức, qua loa, đặc biệt là đối với những trường hợp bào chữa chỉ định.
Tại phiên tòa có người bào chữa còn phát biểu chung chung, không đi sâu vào việc phân tích, đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ án có lợi cho bị cáo một cách cụ thể. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số người bào chữa còn yếu, kỹ năng từng hành nghề còn hạn chế. Có trường hợp người bào chữa nghiên cứu hồ sơ không kỹ và không chuẩn bị tốt bài bào chữa, nên lời bào chữa dài dòng, tản mạn, hời hợt, ý kiến trình bày không rõ, bỏ sót hoặc không làm nổi bật được những tình tiết, chứng cứ quan trọng có lợi cho bị cáo làm cho bị cáo không tin tưởng vào người bào chữa.
Thứ hai, BLTTHS đã khắc phục hạn chế của quy định trước đây là quy định cho phép người bào chữa tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu. Tuy nhiên, hoạt động thu thập chứng cứ, tài liệu của người bào chữa hiện nay vẫn còn thụ động, nhất là trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cung cấp các chứng cứ họ đang nắm giữ. Bởi vì pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm này cũng như các chế tài đối với các hành vi cản trở, cố tình che giấu, không cung cấp chứng cứ, tài liệu khi có yêu cầu.
Theo khoản 3 Điều 81 BLTTHS năm 2015, trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập. Đây là một trong những quy định tiến bộ của BLTTHS, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc quy định như hiện nay, thì việc này khó có thể được bảo đảm bởi nó phụ thuộc nhiều vào mặt chủ quan từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ ba, việc quy định các quyền cho người bào chữa nhưng không quy định chế tài cho hành vi vi phạm, cản trở… việc thực hiện các quyền đó là chưa đầy đủ. Do đó, cần bổ sung thêm quy định xử lý đối với các hành vi này, cụ thể có thể coi đây như trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi vì hậu quả của hành vi này mang lại nhiều khi rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được bào chữa, thậm chí có thể dẫn đến oan sai.
Thứ tư, vai trò của người bào chữa tại phiên tòa xét xử còn nhiều hạn chế nhất định vì nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, tất cả những chứng cứ mà Viện kiểm sát giữ quyền công tố đều do cơ quan điều tra cung cấp để làm cơ sở buộc tội cho bị cáo. Tòa án xét xử thường dựa trên hồ sơ của cơ quan điều tra và bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Luật sư cũng chỉ có thể dựa vào những chứng cứ do cơ quan điều tra kết luận để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình - “gỡ tội”. Do vậy, có thể thấy, chứng cứ cho quá trình “buộc tội” và “gỡ tội” cho bị cáo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn chứng cứ của cơ quan điều tra.
Như vậy, các chứng cứ này chưa thể phản ánh hết tính khách quan của vụ án. Trong thực tiễn xét xử, nếu bị cáo khai giống với bút lục có trong hồ sơ vụ án thì HĐXX đánh giá là bị cáo đã thành khẩn khai báo, sẽ là cơ sở để HĐXX cân nhắc khi nghị án. Còn nếu bị cáo khai khác so với bút lục có trong vụ án thì thường sẽ bị HĐXX nhận định không ăn năn, hối cải. Đây là điều bất lợi cho bị cáo khi định khung và định hình.
3. Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo
Một là, BLTTHS cần quy định về trách nhiệm cũng như chế tài đối với các hành vi cản trở, cố tình che giấu, không cung cấp chứng cứ, tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng khi người bào chữa có yêu cầu. Cần bổ sung quy định chế tài cho hành vi vi phạm, cản trở việc thực hiện các quyền cho người bào chữa. Bởi vì hậu quả của hành vi này mang lại nhiều khi rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được bào chữa, thậm chí có thể dẫn đến oan sai.
Hai là, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc tham gia tố tụng của Bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp cho bị can, bị cáo với tư cách là người bào chữa. Như vậy mới phát huy và thu hút được sự tham gia tố tụng của tổ chức xã hội và công dân.
Ba là, cần chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng tranh luận tại phiên tòa. Trong giai đoạn tranh luận HĐXX có điều kiện nghe và nghiên cứu đầy đủ các quan điểm khác nhau (buộc tội, bào chữa) về vụ án để trên cơ sở đó có được phán xét chính xác, khách quan, toàn diện.
Bốn là, cần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân nói chung và bị can, bị cáo nói riêng. Việc người bào chữa có tham gia tố tụng để bảo vệ bị can, bị cáo hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp cũng như gia đình họ. Do vậy, việc thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của người bào chữa là cách tốt nhất giúp họ bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm các quyền tố tụng từ phía Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và những người tiến hành tố tụng nhằm thực hiện quyền bào chữa của mình. Để thực hiện được điều đó thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Năm là, cần nâng cao chất lượng chuyên môn và đào tạo nghề cho người bào chữa để tương xứng với vị trí, vai trò của người bào chữa trong thời kỳ mới. người bào chữa phải thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị các kỹ năng viết bài bào chữa, kỹ năng tranh luận thể hiện sự hùng biện khi thuyết phục HĐXX bằng sự lập luận chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo một cách có hiệu quả.
Sáu là, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng. Cần có chính sách xử lý nghiêm minh đối với những người sa sút về đạo đức, lương tâm và trách nhiệm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo lòng tin đối với quần chúng nhân dân, góp phần đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng tuân thủ và chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hình sự nhằm đạt được lợi ích của nhà nước, của xã hội, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong đó có quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.
NGUYỄN THỊ YẾN HOA
Tòa án quân sự Quân khu 1
Thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2022
Bộ Y tế hướng dẫn xử trí phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19
(LSVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí bệnh Covid-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và trên thế giới đã ghi nhận một số phụ nữ mang thai nhiễm căn bệnh này.
Theo Bộ Y tế, cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Đến nay mới có một 3 trường hợp được báo cáo là một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm Covid-19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.
Đối với thai nhi, các nghiên cứu gần đây về Covid-19 cũng như những nghiên cứu trước đây về bệnh SARS-CoV và MERS-CoV cho thấy, không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và tình trạng sảy thai. Chưa có cơ sở khoa học chỉ ra mối liên quan giữa Covid-19 ở phụ nữ mang thai và tình trạng thai bị nhiễm virus trong tử cung hay thai bị các dị tật bẩm sinh do virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...
Việc tiến hành chẩn đoán phát hiện sớm người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 thực hiện theo Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới và các hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế.
Bộ Y tế hướng dẫn, nguyên tắc xử trí cần ưu tiên các điều trị nội khoa trước. Phân loại thể lâm sàng và điều trị theo Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới.
Hạn chế các can thiệp sản khoa trong thời gian nghi nhiễm/nhiễm Covid-19, trừ khi có chỉ định cần can thiệp cấp cứu (rau tiền đạo/cài răng lược có chảy máu nhiều, rau bong non, thai suy,...) hoặc bán cấp (vỡ ối, chuyển dạ...).
Cân nhắc lợi ích giữa điều trị suy hô hấp mẹ và can thiệp sản khoa trong thời gian sản phụ nhiễm Covid-19: mức độ nhiễm Covid-19, tuổi thai, tình trạng thai, các chỉ định can thiệp cấp cứu sản khoa.
Xử trí phụ nữ mang thai:
Đối với nghi nhiễm Covid-19: thực hiện cách ly theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và quy định cụ thể của địa phương.
Đối với nhiễm Covid-19:
+ Thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và quy định cụ thể của địa phương.
+ Ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan.
+ Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang và CT Scan ngực, siêu âm, sàng lọc trước sinh như đối với người không mang thai, chỉ sử dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh này khi thật cần thiết với bức xạ liều thấp, chú ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi.
+ Thai phụ nhiễm Covid-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non/đẻ non.
+ Cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng động và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Lưu ý: nếu dùng thuốc kháng virus cần theo dõi chức năng gan, thận; nếu có kế hoạch mổ lấy thai, ngừng sử dụng thuốc kháng đông trước 12 - 24 giờ.
Bộ Y tế hướng dẫn, các khu cách ly tập trung cần liên hệ cơ sở sản khoa tuyến tỉnh để được hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật khi có phụ nữ mang thai.
Các bệnh viện chỉ đạo tuyến sản, nhi: Các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản khoa và nhi khoa chuẩn bị cơ sở vật chất (chuẩn bị phòng cách ly áp lực âm trong điều kiện cho phép), trang thiết bị (đặc biệt là trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế) nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới trong các trường hợp cần thiết.
Các bệnh viện phụ sản, nhi, sản - nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh (đối với các tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa sản, nhi): Cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (chuẩn bị phòng cách ly áp lực âm trong điều kiện cho phép), trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm Covid-19.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/8/2021.
THU HƯƠNG
Tạo thuận lợi cho việc phát hành sách giáo khoa
Hà Nội cho phép người nhập cảnh đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế 7 ngày
(LSVN) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2681/UBND-KGVX ngày về việc triển khai thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đủ điều kiện.
Cụ thể, người nhập cảnh được phép nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo nếu bảo đảm đủ một số điều kiện, gồm giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Ngoài ra, người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh, hoặc giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.
Các văn bản trên được chấp thuận bảo đảm điều kiện của Công văn số 2974/LS-PL ngày 6-8-2021 của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài.
Khi đủ điều kiện cách ly y tế 7 ngày, trong quá trình di chuyển từ cửa khẩu về cơ sở cách ly tập trung và từ cơ sở cách ly tập trung về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải luôn thực hiện thông điệp “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, luôn bật và sử dụng ứng dụng Bluezone; thực hiện nghiêm việc cách ly và tự theo dõi sức khỏe sau khi cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế và UBND thành phố.
Trong thời gian theo dõi y tế, người hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục sử dụng ứng dụng Bluezone đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; luôn thực hiện thông điệp “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập và không đến nơi tập trung đông người; nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội.
PHƯƠNG HOA