Ảnh minh họa.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, một số địa phương bắt đầu xuất hiện tình trạng đốt pháo nổ trái phép, một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã ghi nhận tình trạng người dân bị thương do đốt pháo nổ trái phép, pháo tự chế. Liên quan đến vấn đề này, Công an TP. Hà Nội mới đây cũng đã phát đi các cảnh báo về các hành vi vi phạm về pháo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cụ thể, theo Công an TP. Hà Nội, thời điểm cận Tết cũng là lúc các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vũ khí, vật liệu nổ lại có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, tình hình trật tự an toàn xã hội và tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của Thủ đô.
Từ đó, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo nhân dân phân biệt rõ pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng). Đồng thời, yêu cầu người dân tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép, thường xuyên thực hiện nghiêm túc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép và chỉ sử dụng các loại pháo hoa của Bộ Quốc phòng đã được cấp phép tại những nơi không gian thoáng để phòng ngừa cháy nổ.
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ- CP sửa đổi tại Nghị định 56/2023/NĐ-CP, pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Theo đó, pháo được chia làm 02 loại: pháo nổ và pháo hoa.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Theo Điều 5, Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì hành vi sử dụng pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm (trừ trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ). Và người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa (pháo không gây tiếng nổ) theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
Như vậy, hành vi sử dụng pháo nổ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại điểm i, khoản 3; điểm a, khoản 7, Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Nếu người vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định này. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm thuộc một trong các hành vi được liệt kê mục II, Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 05 triệu đồng và cao nhất có thể lên đến 07 năm tù.
Nếu người sử dụng pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương ứng và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các hậu quả nghiêm trọng do hành vi đốt pháo nổ gây ra.
Tiếng pháo được coi là nét văn hóa đặc thù trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, việc mua bán, sử dụng pháo phải tuân thủ theo đúng luật, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của chính bản thân mình và người khác. Cụ thể, người dân chỉ được phép mua các loại pháo hoa không gây tiếng nổ mà chỉ tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc đẹp mắt, phù hợp với mục đích giải trí do Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất, bao gồm: Ống phun nước, cây hoa lửa, cánh hoa xoay, thác nước bạc, giàn phun viên, giàn nhấp nháy,... Ngoài ra, việc mua và sử dụng pháo hoa phải tuân thủ các quy định về độ tuổi, giấy tờ tùy thân và cách sử dụng an toàn theo quy định.
Để chấn chỉnh hành vi sử dụng pháo trái phép thì cần phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua – bán trái phép pháo nổ; mặt khác, người đứng đầu chính quyền, đơn vị các cấp… phải nêu cao trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng đốt pháo tại đơn vị, địa phương mình quản lý.
Một vấn đề quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép là phải cắt nguồn cung. Với những loại pháo có nguồn gốc từ nhập lậu, cần quản lý chặt chẽ biên giới, đồng thời kiểm soát tốt thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, bóc gỡ các đường dây buôn lậu pháo. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần phối hợp với các cơ quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng cường kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện những chợ “đen” buôn bán trái phép pháo nổ, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm, xóa bỏ các trang web buôn bán pháo trái phép trên mạng xã hội… Đồng thời, mỗi người dân cũng cần tự giác nêu cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, không mua bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp Tết.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Cần ban hành quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ trong hoạt động không gian mạng