/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ 08 cá thể hổ bị chết sau giải cứu: Ai chịu trách nhiệm cho việc làm tắc trách?

Vụ 08 cá thể hổ bị chết sau giải cứu: Ai chịu trách nhiệm cho việc làm tắc trách?

07/08/2021 07:52 |

(LSVN) - Nếu qua công tác điều tra của cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân chủ quan do cán bộ Công an, những người có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đã cẩu thả và tắc trách trong việc xử lý vật chứng là động hoang dã thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm các cán bộ này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Đến nay, đã có 08/17 con hổ ở Nghệ An đã chết.

Liên quan đến vụ đột kích, thu giữ 17 con hổ trưởng thành ở Nghệ An, sau quá trình gây mê và vận chuyển đưa đi gửi chăm sóc, 08 cá thể hổ đã chết. Hiện, vụ việc đang được Công an Nghệ An tiếp tục mở rộng điều tra.

Việc làm cẩu thả, tắc trách

Đánh giá về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để sự việc 08 cá thể hổ (trong tổng số 17 cá thể) sau khi được giải cứu bị chết là một việc làm cẩu thả và hết sức tắc trách, có lỗi nghiêm trọng của cơ quan chức năng.

“Tôi không thể tin được, khi vụ việc được phát hiện và xử lý bởi 02 đơn vị nghiệp vụ được xem là dày dạn chuyên môn là Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an tỉnh Nghệ An và Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, có mặt cả cán bộ thú ý được chỉ định, nhưng lại để tới gần 1/2 số cá thể hổ được xem là động vật quý hiếm bị chết sau khi giải cứu”, Luật sư Khuyên nói.

Theo Luật sư Khuyên, sau khi phát hiện vụ việc, 02 đơn vị nghiệp vụ trên chỉ cần đưa chủ nuôi nhốt hổ về đồn để đấu tranh khai thác thông tin phạm tội, còn đối với 17 cá thể hổ thì chỉ cần lập biên bản tại chỗ và giao ngay cho tổ chức, cá nhân trông coi chăm sóc cho đến khi có đầy đủ các chuyên gia có chuyên môn đến để tư vấn cách thức di chuyển về địa điểm nuôi nhốt thích hợp.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

“Tuy nhiên, 02 đơn vị nghiệp vụ này đã quá vội vàng khi di chuyển ngay mà không có sự kiểm tra - đánh giá sức khỏe các cá thể hổ và điều kiện di chuyển, rõ ràng đây là việc làm rất cẩu thả và tắc trách của 02 đơn vị này. Bởi vậy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo điều tra và xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm các cán bộ Công an, các cá nhân liên quan (nếu nguyên nhân do sự cẩu thả, tắc trách của cán bộ thực hiện nhiệm vụ) trong việc để 08 cá thể hổ chết sau khi bị giải cứu”, Luật sư Khuyên bày tỏ quan điểm.

Theo Luật sư Khuyên, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm động vật quý hiếm đang được bảo tồn là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và an toàn của động vật hoang dã. Vì vậy, cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý các đối tượng là chủ nuôi nhốt là có căn cứ pháp luật. 

Ai chịu trách nhiệm?

Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến 08 cá thể hổ chết vẫn chưa được xác định, theo nhận định bước đầu có thể do một số yếu tố ngoại cảnh tác động.

"Trường hợp nguyên nhân tử vong của các cá thể hổ này là do bệnh lý, việc chăm sóc, bảo quản đúng quy trình, quy định thì sẽ không truy trách nhiệm của đơn vị quản lý. Vấn đề này cần phải có cơ quan có chức năng chuyên môn phân tích, đánh giá trên cơ sở các chứng cứ pháp lý, bằng chứng khoa học để truy cứu trách nhiệm nếu có", Luật sư Khuyên nói.

Nếu qua công tác điều tra của cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân chủ quan do cán bộ Công an, những người có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công vụ đã cẩu thả và tắc trách trong việc xử lý vật chứng là động hoang dã không đúng trình tự theo quy định điểm d, khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự 2015 và Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm các cán bộ này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy chế ngành Công an và theo Điều 7, Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 04 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc; đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 05 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có 03 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc; đối với viên chức quản lý có 03 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Xử lý cá thể hổ bị chết

Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, hiện tại, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29/2019/TT-BNNPTNT quy định về “Xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyên giao nộp Nhà nước”.

Theo đó, Thông tư này quy định cụ thể về điều kiện: Nuôi dưỡng, bảo quản động vật rừng là tang vật, vật chứng trong quá trình tạm giữ; Nuôi dưỡng, bảo quản, tiếp nhận, xử lý động vật rừng là tang vật theo phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; vật chứng theo quyết định xử lý vật chứng; Tiếp nhận, nuôi dưỡng, bảo quản, xử lý động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước; Tiêu hủy động vật rừng trong một số trường hợp như thiêu, đốt, chôn, sử dụng hóa chất hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật để hủy động vật rừng, nhưng bảo đảm động vật rừng đó không còn tồn tại hoặc không còn giá trị sử dụng và không ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, căn cứ điểm d, khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về xử lý vật chứng là động vật hoang dã: “d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

“Vì vậy 08 cá thể hổ bị chết có thể được tiêu hủy hoặc bán lại cho tổ chức cá nhân sau khi xác định nguyên nhân chết và mức độ an toàn nếu có thể sử dụng được vào mục đích khác”, Luật sư Khuyên cho biết.

TRẦN MINH

Một số vấn đề pháp lý vụ Thượng uý Công an hy sinh khi truy đuổi thanh niên vi phạm quy định phòng chống dịch

Lê Minh Hoàng