Ảnh minh họa.
Vụ cháu bé tự kỷ bị thiêu xác có nhiều uẩn khúc
Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội đăng tải thông tin liên quan đến ông N.H.N. đã có đơn gửi Công an tỉnh Lâm Đồng về việc con trai ông là N.L.M.Q. (sinh năm 2019 có dấu hiệu chậm phát triển) ngày 06/01/2022 được gia đình ông đưa cháu vào thành phố Bảo Lộc thuê người tên L.M.Q. điều trị. Đến ngày 27/3/2022, ông L.M.Q. ra thành phố Huế gặp gia đình ông N.H.N. thông báo cháu N.L.M.Q. đã mất vì Covid-19 và trao cho gia đình một hũ đựng tro cốt của cháu.
Do không có thông tin kể từ khi trao con cho ông Q. cho đến khi nhận được tro cốt của cháu Q, gia đình ông N. nghi ngờ có uẩn khúc trong vụ việc trên và làm đơn tố giác tội phạm lên Công an tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan đến vấn đề này, theo Đại tá Đinh Xuân Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận thông tin và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, cơ quan chức năng không cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào điều trị bệnh, chăm nuôi trẻ tại số 54/39, đường Phan Châu Trinh, thành phố Bảo Lộc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc cũng cho biết thông tin cháu N.L.M.Q. tử vong tại địa phương do Covid-19 là không có cơ sở. Địa phương đã tiến hành xác minh, trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, không có ai tử vong do Covid-19. Mọi thông tin liên quan đến trường hợp cháu Q. tử vong, địa phương đều không nắm được.
Cần phải làm rõ hoạt động của các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết đây là một vụ việc khá hi hữu và nghiêm trọng vì cháu bé đã tử vong, thủ tục mai táng có dấu hiệu bất thường. Hiện nay, nếu điều trị trẻ tự kỷ bằng biện pháp can thiệp y tế thì phải tuân thủ các quy định của Luật Khám chữa bệnh. Nếu thực hiện theo hoạt động giáo dục thì phải tuân thủ quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật sư Cường phân tích rõ: Theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục, điều trị trẻ tự kỷ có sự quản lý của nhà nước. Trường hợp giáo dục trẻ tự kỉ mà có sử dụng thuốc hoặc các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh thì phải do tổ chức khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Đối với hoạt động giáo dục, nếu tổ chức giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỉ thì cũng phải có sự quản lý của nhà nước, người tổ chức hoạt động giáo dục phải có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp. Cơ sở giáo dục phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ năng lực của giáo viên và phải có giáo trình, tài liệu giảng dạy được cấp có thẩm quyền quản lý.
“Trường hợp có căn cứ cho thấy việc đào tạo, điều trị trẻ tự kỉ không có giấy phép, không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân điều trị trẻ tự kỉ đã đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền của phụ huynh rồi chiếm đoạt thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Xác định rõ trách nhiệm của cơ sở điều trị
Đối với vấn đề cháu bé tử vong do mắc Covid-19 và sau đó được hỏa táng bằng than tro, Luật sư cho rằng cần làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.
Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh Covid-19 có trách nhiệm phải thông báo cho cơ sở y tế ở địa phương. Trường hợp cháu bé đang trong cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà mắc bệnh và tử vong thì cũng phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đồng thời phải báo cho gia đình biết.
Vì vậy, nếu có căn cứ cho thấy những thông tin mà người quản lý bé đưa ra là không đúng sự thật, cháu bé tử vong không phải là do mắc bệnh thì cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
Nếu kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị hành hạ, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm phạm đến tính mạng của cháu bé, có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc này cho thấy công tác quản lý điều trị trẻ tự kỷ hiện nay ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo. Các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ tự phát nhiều, thiếu sự quản lý của nhà nước sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ em. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ hoạt động của các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ trên địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của trẻ em và bảo vệ tài sản, các quyền lợi hợp pháp của cha mẹ trẻ em có con bị tự kỷ”, Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
TIẾN HƯNG