Ảnh minh họa.
Các văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật
Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật ngày 22/11/2007 với việc cam kết các quốc gia thành viên bảo đảm và thúc đẩy việc biến các quyền và tự do cơ bản của con người thành hiện thực đối với mọi người khuyết tật mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở sự khuyết tật. Thông qua các biện pháp lập pháp, hành pháp hoặc các biện pháp khác để thi hành các quyền được thừa nhận trong Công ước này; tiến hành mọi biện pháp thích hợp, trong đó có lập pháp, để sửa đổi hoặc hủy bỏ các luật, quy định, tập quán và thông lệ hiện hành có tính chất phân biệt đối xử đối với người khuyết tật; cân nhắc việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của người khuyết tật trong tất cả các chính sách và chương trình. Quốc gia thành viên công nhận rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ, quyền được hưởng lợi ích của pháp luật một cách bình đẳng, không có sự phân biệt nào.
Hiện nay ở Việt Nam, các văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật bao gồm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, Luật Người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật…
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người khuyết tật.
Điều 20 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật tập trung vào các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật; chế độ, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật và các quy định khác của pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật được chú trọng thực hiện bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật.
Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội giúp UBND cùng cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức người khuyết tật các cấp, các cơ quan, tổ chức khác thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật.
Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với đối tượng đặc thù
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, cả nước hiện có 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Khoảng 87% xã dân tộc thiểu số phân bố ở khu vực nông thôn, thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã; thuộc 54/63 tỉnh, thành phố. Về dân số và các đặc trưng nhân khẩu học, tính đến ngày 01/4/2019, dân số 53 dân tộc thiểu số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước; quy mô tăng gần 1,9 triệu người trong 10 năm (2009-2019) với tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,42%.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng đặc thù quan trọng.
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật tại Điều 17 quy định, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống.
Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân. UBND các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; chủ trì phối hợp với bộ đội biên phòng, công an, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.
Đối tượng người dân thuộc khu vực dân tộc thiểu số được quan tâm chú trọng về công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Theo số liệu thống kê, từ năm 1997 đến tháng 6/2019, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp luật được 2.232.836 vụ việc cho 2.297.531 lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có 457.613 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 20% [1].
Đoàn Luật sư Hà Nội đã tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền pháp luật đến các tỉnh, huyện có người dân tộc thiểu số. Trong năm 2013, Đoàn Luật sư Hà Nội tổ chức buổi trợ giúp pháp lý miễn phí nhân ngày kỷ niệm truyền thống Luật sư Việt Nam 10.10 tại xã Ba Trại, xã Phú Thượng, Ba Vì, Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã huy động hàng nghìn lượt Luật sư tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó có các chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Từ năm 2015 đến năm 2019, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã cử 761 lượt Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương theo Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở.
Đối với vùng dân tộc thiểu số, người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới. Thực tế tại nhiều buổi tuyên truyền cho thấy người dân tộc thiểu số quan tâm đến những tranh chấp chia thừa kế khi phân chia đất đai, lấn chiếm ngõ đi chung, chia thừa kế khi không có di chúc. Do thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều trường hợp người dân để tồn tại nhiều năm đất không làm sổ đỏ hoặc không phân chia tài sản thừa kế…
Thực trạng công tác tuyên truyền pháp luật đến người khuyết tật, người dân tộc thiểu số
Công tác tuyên truyền pháp luật đến người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền pháp luật của Luật sư chưa đến được nhiều với một số hội người khuyết tật và người dân tộc thiểu số do thực tế các buổi tuyên truyền tại một số địa phương còn rất ít, một số nơi chỉ tổ chức 1 buổi tuyên truyền/1 năm. Đối tượng được đến nghe tuyên truyền còn hạn hẹp, chưa đến được với nhiều người dân không có điều kiện tiếp cận với pháp luật, hoặc người dân chưa chấp hành tốt pháp luật chưa được tham gia. Nội dung tuyên truyền chưa phong phú và cần thiết cho bộ phận người dân. Khi văn bản mới được ban hành đến thời điểm có hiệu lực chưa được tuyên truyền, triển khai đến người dân nên việc áp dụng pháp luật chưa tốt, còn có vi phạm pháp luật, điển hình như Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai cần được tuyên truyền sâu rộng đến với người dân để hạn chế các hành vi vi phạm.
Những đề xuất hoàn thiện công tác xã hội hóa phổ biến giáo dục cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số
Khi thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối với các tổ chức hành nghề Luật sư vẫn chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan nhà nước. Một số trường hợp để có một chương trình tuyên truyền pháp luật cần có trong kế hoạch hoạt động của UBND hoặc theo từng chương trình dự án của hội người khuyết tật.
Đối tượng tuyên truyền pháp luật chưa thật sự đến được với những nhóm người này. Nhiều buổi tuyên truyền người tham dự là các chi hội trưởng, chi hội phó, những người đã chấp hành pháp luật tốt, trong khi đó những người dễ có nguy cơ bị xâm hại, bị vi phạm nghĩa vụ chưa có cơ hội tiếp cận.
Một số nội dung tuyên truyền còn chưa thật sự sát với đối tượng. Những quan hệ xã hội hay phát sinh tranh chấp như quyền sử dụng đất, chia thừa kế, tranh chấp chia tài sản, khiếu nại, tố cáo, thu hồi, bồi thường đất chưa được tuyên truyền sâu rộng. Những nội dung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, người sống ở vùng sâu, vùng xa khi mở hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp; chính sách vay vốn đối với những đối tượng này cần được tăng cường hơn nữa.
Kinh phí tuyên truyền phổ biến pháp luật khi xã hội hóa chưa được quy định rõ nên đối với các tổ chức hành nghề Luật sư khi thực hiện tuyên truyền pháp luật vẫn trên tinh thần tự nguyện từ kinh phí của văn phòng, vì vậy việc tăng số lượng buổi tuyên truyền và hiệu quả chất lượng tuyên truyền pháp luật khó có thể như mong muốn.
Từ thực tế nói trên, tác giả có những đề xuất sau đây:
Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, triển khai nâng cao xã hội hóa công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật cần có sự ký kết phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư, các đoàn Luật sư và UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội của người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Nâng cao vai trò của Luật sư trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Hàng năm nên triển khai từ 3 buổi tuyên truyền pháp luật trở lên theo nhu cầu của từng địa phương, từng đối tượng.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật.
Đối với đội ngũ báo cáo viên là đội ngũ Luật sư thì với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm hành nghề là một lợi thế khi tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, vẫn cần những buổi tập huấn về cách thức tuyên truyền hiệu quả đến với đối tượng được tuyên truyền.
Ba là, để hoạt động xã hội hóa tuyên truyền pháp luật được thực hiện lâu dài cần có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước nhằmbảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt là kinh phí hỗ trợ báo cáo viên để họ nâng cao kiến thức chuyên môn, đầu tư vào việc tuyên truyền hiệu quả, thu hút người dân, để hoạt động tuyên truyền không khô cứng, các hình thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, dễ hiểu, gần gũi với người dân.
Bốn là, hoạt động tuyên truyền của Luật sư cần gắn với những vụ án, vụ việc, tình huống cụ thể để hoạt động tuyên truyền pháp luật không chỉ là giới thiệu các văn bản pháp luật mà còn là hướng dẫn áp dụng đúng quy định pháp luật.
Năm 2021 có rất nhiều đạo luật có hiệu lực áp dụng gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ luật Lao động… vì vậy công tác tuyên truyền cần phong phú với thời lượng nhiều hơn để các nội dung thiết thực đến với người dân nói chung và người khuyết tật, người dân tộc thiểu số nói riêng, trong số đó nhiều người đang kinh doanh, hoạt động doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động xã hội hóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật với vai trò của Luật sư sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền gắn với áp dụng pháp luật.
[1] http://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-dan |
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin về một công chức bị khởi tố, bắt tạm giam