(LSVN) - Xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như thế nào theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 là vấn đề được đặt ra với các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó đáng chú ý là đối với những vụ án hình sự mà bị cáo là pháp nhân thương mại (PNTM) thì hệ quả đối với các giao dịch thương mại mà pháp nhân ký kết trước đó sẽ xử lý ra sao cũng là vấn đề cần bàn đến.
Trách nhiệm cá nhân trong PNTM
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã quy định việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một loại pháp nhân đó là pháp nhân thương mại (PNTM). Hành vi phạm tội của PNTM thực hiện thông qua hành vi của cá nhân. Việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một vấn đề mới và khó khăn, đòi hỏi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán không chỉ có kiến thức pháp luật hình sự mà còn phải có kiến thức đầy đủ về quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức, bộ máy của các loại hình pháp nhân thương mại, mối quan hệ cơ hữu trong pháp nhân thương mại, giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, đầu tư, chứng khoán, tín dụng ngân hàng…
Vì mỗi loại hình pháp nhân này đều có cơ cấu tổ chức bộ máy khác nhau, pháp luật điều chỉnh việc hình thành, hoạt động, giải thể cũng khác nhau. Việc nắm rõ quy định của pháp luật về các loại hình PNTM sẽ giúp cho các cơ quan tố tụng xác định rõ trách nhiệm của pháp nhân, cá nhân trong vụ án, giúp cho việc xác định tội danh, cá thể hóa hình phạt được đầy đủ và đúng đắn, mặt khác giúp cho việc quyết định một hình phạt phù hợp đối với pháp nhân để giải quyết vụ án đúng đắn vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật hình sự, vừa đảm bảo môi trường kinh tế, đầu tư lành mạnh, phát triển.
Hành vi phạm tội của PNTM thực hiện thông qua hành vi của cá nhân nên phạm vi bài viết này đề cập đến loại hình PNTM là doanh nghiệp, các quy định của Luật Doanh nghiệp đối với người quản lý doanh nghiệp và hệ quả pháp lý của việc áp dụng hình phạt đối với PNTM.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp gồm: “người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty”.
Chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Những người này có thể là chủ sở hữu Công ty (người đại diện chủ sở hữu) hoặc người làm thuê.
Từ những quy định nêu trên cho thấy, đối với mỗi loại hình doanh nghiệp lại có những thành phần quản lý khác nhau và ngoài quy định của pháp luật thì còn một số người quản lý công ty theo quy định của Điều lệ công ty và thực sự là hết sức đa dạng.
Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể về người quản lý doanh nghiệp trong từng loại hình doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty TNHH một thành viên, Doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Tập đoàn kinh tế…
Trong đó, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con.
Như vậy, tùy theo mỗi loại hình công ty mà có thể có một hoặc một số người có chức năng quản lý công ty theo từng mô hình công ty cụ thể và họ có thể chính là chủ sở hữu hoặc người làm thuê. Việc xác định trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu hay người làm thuê trong vụ án cần trên cơ sở quy định của pháp luật về mô hình quản lý của từng loại hình doanh nghiệp mới đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự.
Một số điểm vướng mắc
Theo ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa – Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội: Việc áp dụng các quy tắc, thủ tục tố tụng hình sự đối với bị can, bị cáo là pháp nhân hiện nay đang có vướng mắc trong việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị can bị cáo là pháp nhân.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Bị can, bị cáo là pháp nhân thực hiện các quyền thông qua người đại diện theo pháp luật.
Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi phạm tội của PNTM thông qua hành vi của các cá nhân.
Vấn đề đặt ra là: Trong vụ án pháp nhân thương mại bị truy tố đồng thời người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng bị truy tố thì cơ quan tiến hành tố tụng có phải tiến hành riêng thủ tục đối với pháp nhân hay không? Lời khai của bị can, bị cáo là người đại diện theo pháp luật có mặc nhiên là lời khai của bị cáo là pháp nhân hay không cần có hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là doanh nghiệp có thể là chủ sở hữu nhưng cũng có thể chỉ là người làm thuê, do đó việc xác định thủ tục tố tụng cần đúng, đầy đủ mới đảm bảo quyền lợi cảu bị can, bị cáo.
Tại phiên tòa nếu người đại diện theo pháp luật của bị cáo là pháp nhân tham gia phiên tòa (họ không phải là bị cáo) thì họ có phải đứng cùng các bị cáo khác trong vụ án không? Thể thức tiến hành xét hỏi, tranh luận như thế nào? Cách xưng hô có gọi họ là bị cáo?
Việc xác định rõ các vấn đề này là rất cần thiết bởi lẽ khi người đại diện theo pháp luật của bị cáo là pháp nhân tham gia phiên tòa trong khi cá nhân họ không phải là bị cáo trong vụ án có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân họ hoặc có thể có sự hiểu lầm nếu họ đứng cùng các bị cáo khác trong vụ án.
Như vậy cần có hướng dẫn của các cơ quan tư pháp trung ương về thể thức tiến hành phiên tòa mà có bị cáo là pháp nhân thương mại.
Còn về hình phạt áp dụng đối với PNTM và hệ quả của áp dụng hình phạt; thi hành hình phạt đối với các giao dịch dân sự, thương mại của pháp nhân đó, Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Hình phạt chính: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.
Trong các loại hình phạt trên thì các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn là những loại hình phạt có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Trong quá trình hoạt động của mình một pháp nhân thương mại tham gia, ký kết nhiều hợp đồng thương mại nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và trong đó có những hợp đồng đã kết thúc, có hợp đồng đang thực hiện và có cả những hợp đồng đang có tranh chấp; tài sản đang trong tiến trình Tòa án giải quyết phá sản.
Khi pháp nhân bị áp dụng hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn đồng nghĩa với việc các giao dịch thương mại của pháp nhân đó bị tạm đình chỉ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của pháp nhân tham gia ký kết hợp đồng và những thiệt hại có thể có sẽ được xem xét góc độ lỗi thì xác định lỗi có thuộc về pháp nhân bị xét xử hay đó là tình huống bất khả kháng?
Ví dụ: Một pháp nhân sản xuất đệm vật liệu cao su gia công cho nước ngoài, quá trình thực hiện hợp đồng pháp nhân đó đã xả thải gây nguy hại môi trường và bị xét xử về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 và hình phạt là đình chỉ hoạt động có thời hạn là 02 năm trong lĩnh vực sản xuất liên quan đến cao su, composite. Trong hai năm đó các nguyên liệu sản xuất, gia công do đối tác cung cấp bị hư hỏng, hợp đồng không thể thực hiện… Hoặc trường hợp pháp nhân đó bị xử phạt đình chỉ vĩnh viễn lĩnh vực sản xuất gia công cao su, composite thì các tài sản máy móc do đối tác đã đầu tư, chuyển giao công nghệ… sẽ bị thiệt hại không nhỏ.
Trong trường hợp pháp nhân đang vướng trong các vụ kiện tại Tòa án về tranh chấp thương mại, hoặc trong tiến trình Tòa án xem xét theo thủ tục phá sản thì bị tuyên hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn thì vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại có phải tạm đình chỉ hay không? Nếu mức hình phạt là đình chỉ pháp nhân thì việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, phá sản sẽ được tiến hành như thế nào? Tòa án có đình chỉ vụ án vì pháp nhân đã chấm dứt hoạt động hay không? Các quyền về tài sản liên quan được giải quyết theo thủ tục phá sản, giải thể hay chấm dứt hoạt động theo Luật doanh nghiệp?
Khi pháp nhân bị xử phạt đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thì ai sẽ là người đại diện trong các vụ kiện dân sự? Thủ tục chỉ định người đại diện được thực hiện theo quy định nào?
"Đây là những vấn đề thực tế có thể xảy ra trong quá trình xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần được hướng dẫn đầy đủ để các cơ quan tố tụng có căn cứ áp dụng", ông Tiến đề nghị.
BÌNH NGUYÊN/CÔNG LÝ