/ Pháp luật - Đời sống
/ Xử lý thế nào với trường hợp làm giả, phát tán thông tin sai lệch trong mùa dịch bệnh Covid-19?

Xử lý thế nào với trường hợp làm giả, phát tán thông tin sai lệch trong mùa dịch bệnh Covid-19?

20/02/2021 16:18 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, trong trường hợp hành vi của đối tượng được xác định là nghiêm trọng, có dấu hiệu làm giả tài liệu cơ quan tổ chức thì sẽ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự và Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn đối với hành vi "Đưa tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội" thì sẽ bị xử phạt theo nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Ảnh minh họa. 

Những ngày vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được áp dụng nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát cũng như lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều văn bản giả mạo về việc các Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19.

Cụ thể, tối ngày 15/02, trên mạng xã hội đã lan truyền bức ảnh chụp văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành cùng ngày do ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh, ký về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Người ký quyết định là ông Vũ Hồng Bắc đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2020. Còn chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đương nhiệm là ông Trịnh Việt Hùng.

Trước thông tin trên, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên khẳng định bức ảnh về văn bản trên là giả mạo, đã được đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải phản ánh nội dung sai sự thật.

Hay như gần đây nhất, tại Lâm Đồng, ngày 20/02, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định được T.TH.H. (15 tuổi), học sinh lớp 09 ở huyện Lâm Hà làm giả văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19.

Theo đó, tại cơ quan chức năng, T.TH.H. khai nhận do B.V.N.H (15 tuổi), cũng là học sinh lớp 09 tại huyện Lâm Hà) thách thức T.TH.H.làm giả văn bản kéo dài thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19.

Cho nên, T.TH.H đã lên mạng internet tìm kiếm, tải về hình ảnh văn bản gốc số 781/UBND-VX1 ngày 02/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và dùng công cụ chỉnh sửa hình ảnh trên máy tính sửa lại 3 nội dung của văn bản gốc. Trong đó có nội dung “cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 19/02/2021 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới”.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm có trên 20 học sinh khác tại địa bàn huyện Lâm Hà và TP. Đà Lạt cũng liên quan trực tiếp đến vụ việc làm giả văn bản của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 nêu trên. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Được biết, tình trạng trên không chỉ xuất hiện riêng tại Lâm Đồng hay Thái Nguyên mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác. 

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho hay, trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp thì những thông tin chính thống, chính xác của cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng, cần thiết và người dân, doanh nghiệp rất cần những thông tin chính xác để thực hiện phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, việc cho học sinh nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến việc hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến đời sống, công việc của phụ huynh, học sinh và các giáo viên, các cán bộ giáo dục.

Theo đó, việc đưa ra những thông tin giả mạo bằng cách làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức trong thời điểm dịch bệnh sẽ tác động rất xấu đến xã hội, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch bệnh cũng như đến đời sống của nhiều người.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi "Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức" có để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Đồng thời, hành vi đưa tin sai sự thật về phòng chống dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tại Công văn số 45/TANDTC-PC năm 2020 có nội dung: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288”.

Theo Điều 288, người nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả xảy ra với xã hội để quyết định xử lý hình sự hay không. Trong trường hợp hành vi được xác định là nghiêm trọng, có dấu hiệu làm giả tài liệu cơ quan tổ chức thì sẽ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự và Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên.

Đối với hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức nhưng chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc chưa gây nguy hiểm cho xã hội" thì có thể bị xử phạt hành chính, với hành vi "Đưa tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội" cũng sẽ bị xử phạt theo nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng với tổ chức và 10.000.000 đồng đối với cá nhân.

Đối với trường hợp chính các học sinh là đối tượng làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức , cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Do đó, với những người đã từ đủ 16 tuổi thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội khi đưa tin sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức.

MỸ LINH - LÂM HOÀNG

Trường hợp cố ý làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý như thế nào?

 

 

 

 

 

Lê Minh Hoàng