/ Tin tức
/ 94/95 bộ ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức

94/95 bộ ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức

11/09/2023 15:14 |

(LSVN) - Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức.

Ảnh minh họa.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, trả lời báo chí về vấn đề bỏ thi thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: "Bỏ thi thăng hạng, bỏ thi nâng ngạch công chức đã được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua. Vấn đề này, chúng tôi xin trả lời 3 nội dung. Thứ nhất là cơ sở pháp lý của việc tổ chức thi nâng ngạch hoặc thi thăng hạng. Thứ hai là cơ sở thực tiễn và thứ ba là tác động của xã hội".

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Điều 44 đã quy định rất rõ, việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức là thi hoặc xét và cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 có quy định việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Về cơ sở thực tiễn, việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998 đến nay. Trong quá trình tổ chức thi, chúng tôi thấy có một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa ban hành thông tư. Mới có một vài bộ, còn một số bộ chưa ban hành thông tư. Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.

Thứ hai là việc chưa quy định được nội dung thi, thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Chính vì vậy, thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.

Thứ ba, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít. Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.

Ngoài ra, trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành, ví dụ phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy. Nếu chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình thi.

Bên cạnh đó, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, hướng đề xuất để giải quyết việc thi này, Bộ Nội vụ đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Kết quả đến nay có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập như trên, đồng thời giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức. 

PV

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu ở các trường đầu năm học mới

Bùi Thị Thanh Loan