Ảnh minh họa.
Từ Hiến pháp 1992, Điều 72 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và tiếp tục ghi nhận tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 như một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quy định tại Điều 9 cũng như các quy định liên quan trong Bộ luật này mang nặng màu sắc của nguyên tắc suy đoán có tội của hình thức tố tụng thẩm vấn.
Theo khoa học luật hình sự và thực tiễn áp dụng trên thế giới thì có hai hình thức tố tụng cơ bản: tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng.
Với mô hình tố tụng thẩm vấn, Kiểm sát viên, các thành viên Hội đồng xét xử giữ vai trò chủ yếu, tích cực trong việc chứng minh vụ án, Luật sư chỉ có vai trò thứ yếu. Các Thẩm phán chủ yếu tham gia thẩm vấn để củng cố các cáo buộc trong cáo trạng, đôi khi nhầm lẫn vai trò của một Kiểm sát viên. Quyền tranh tụng của Luật sư khá giới hạn, khi đại diện Kiểm sát không muốn tranh luận nữa hoặc tỏ ra đuối lý thì hay tuyên bố “bảo lưu quan điểm”, khiến các vụ án thiếu chứng cứ buộc tội vững chắc để lại tiếc nuối, hụt hẫng cũng như thất vọng cho nhiều người.
Nguyên tắc “suy đoán vô tội” như một thứ gì đó xa lạ và tạo cảm giác bất an, lo lắng cho những người tiến hành tố tụng, họ dùng chủ yếu bằng “niềm tin nội tâm” hoặc tin tưởng vào kết quả điều tra để ra phán quyết, giống như tin người trong nhà thì vẫn hơn người ngoài, các Luật sư là như người ngoài vậy, dẫn đến lời nói tại phiên tòa rất ít trọng lượng.
Mô hình tố tụng thẩm vấn trở nên lạc hậu so với trình độ phát triển xã hội, cũng như sự hòa nhập vào sự phát triển của pháp luật quốc tế, tạo nên sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, làm phát sinh nhiều án oan, án sai cũng như tiếp tục gây ra nguy cơ tiềm ẩn án oan, sai trong tương lai. Và thực tế ở Việt Nam đã xảy ra những vụ án oán gây chấn động dư luận như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén,…
Khắc phục những hạn chế này, đầy đủ nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Khoản 1 Điều 31 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Khác với quy định trong BLTTHS năm 2003, nguyên tắc này được cụ thể hoá rõ ràng hơn trong BLTTHS năm 2015.
Cụ thể, tại Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Việc chứng minh tội phạm theo đúng trình tự phải bảo đảm ở mọi giai đoạn của tố tụng, từ lúc mới là nghi can (chưa bị khởi tố) cho đến khi bị kết án bởi bản án có hiệu lực pháp luật, bất cứ một trình tự, thủ tục nào thực hiện không đúng, không đầy đủ thì xem như việc kết tội là chưa đúng đắn. Điều 13 của BLTTHS năm 2015 quy định rõ trong trường hợp, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, có nghĩa nếu không đủ chứng cứ buộc tội thì phải xem là vô tội.
Đáng chú ý, quyền của nghi can, bị can được chú trọng, mở rộng đáng kể, như nội hàm “quyền im lặng” đã đưa vào BLTTHS năm 2015, cụ thể cho phép người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ, bị bắt trong trường hợp khẩn cấp (nghi can), người bị khởi tố (bị can) được quyền mời Luật sư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Theo đó, quy định này được hiểu, trong trường hợp nghi can, bị can không tự bào chữa, bảo vệ cho mình được thì có quyền giữ im lặng cho đến khi có Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Thực tiễn, như vụ “hoa hậu Phương Nga” mà người viết có tham gia giai đoạn đầu, bị can này đã sử dụng “quyền im lặng” rất thành công.
Tuy vậy, thực tiễn những quy định mới này trên thực tế vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng hiệu quả, thực chất như mong muốn. Những cản trở khó khăn của Luật sư khi tiếp cận nghi can, bị can trong giai đoạn đăng ký thủ tục bào chữa còn nhiều. Nhiều nghi can, bị can đã không giữ được “quyền im lặng” bằng rất nhiều hình thức khó hiểu, như từ chối Luật sư, trong khi đó ai cũng hiểu trong hoàn cảnh đó, Luật sư là “cái phao” của họ. Còn tại phiên tòa thì kiểm sát viên, thẩm phán vẫn chưa thích nghi với tư duy tố tụng mới, vẫn ảnh hưởng đến mô hình tố tụng thẩm vấn cũ, thẩm vấn buộc tội và chiếm nhiều thời gian thẩm vấn của Luật sư. Quyền tố tụng của Luật sư chưa thực sự được cải thiện như mong muốn.
Án oan, án sai theo quy định tố tụng mới, có thể sẽ giảm đi so với quy định cũ, và thực tế, ngay cả những vụ án cũ kéo dài nhiều năm do chứng cứ buộc tội yếu từ kết quả điều tra, truy tố, xét xử theo mô hình tố tụng cũ cũng chưa tạo niềm tin cho các cơ quan tố tụng mạnh dạn, bản lĩnh áp dụng theo tư duy tố tụng mới. Thực tiễn có nhiều vụ án chứng cứ yếu, có nguy cơ gây hàm oan, những thiếu sót của quá trình điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ buộc tội hay quyền lợi của nghi can, bị can không bảo đảm sẽ rất khó để chứng minh tội phạm theo luật hiện hành. Vì lẽ đó, việc kết tội với những trường hợp này đòi hỏi sự bản lĩnh và chấp nhận loại bỏ “niềm tin nội tâm” để phán quyết theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, không đủ chứng cứ thì phải tuyên vô tội.
Tuy nội hàm của nguyên tắc “suy đoán vô tội” là vậy, nhưng thực tiễn còn tồn tại nhiều lý do để nguyên tắc này khó thực hiện, bởi quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng thì luôn quán triệt tuyệt đối là không được bỏ lọt tội phạm, còn trình độ, chuyên môn và cả phương tiện, thiết bị phục vụ công tác điều tra, khám nghiệm, thu thập chứng cứ còn thiếu và yếu, nên vẫn còn những bản kết luận điều tra và cáo trạng thiếu thuyết phục. Vì vậy, án oan, án sai sẽ khó tránh khỏi.
Để hạn chế án oan, án sai cần một thời gian nữa để các cơ quan tố tụng thích nghi với mô hình tố tụng thẩm vấn, và phải chấp nhận, thậm chí khuyến khích, động viên những “quan tòa” áp dụng triệt để nguyên tắc này, không đủ chứng cứ buộc tội thì phải tuyên vộ tội. Nếu không có nhiều vụ án được tuyên như vậy trong tương lai thì mọi nỗ lực cải cách tư pháp cũng chỉ là lý thuyết, khó đi vào thực tiễn. Trong lúc này, đội ngũ tư pháp cần những người bản lĩnh, có tâm, có tầm, mạnh dạn đưa nguyên tắc “suy đoán vô tội” vào thực tiễn, cũng như bảo đảm “quyền im lặng” của nghi can, bị can để hạn chế oan sai.
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG
Chủ tịch Hãng luật Giải Phóng