/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát quy định trong BLTTHS năm 2015

Bàn về rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát quy định trong BLTTHS năm 2015

05/01/2021 18:03 |

VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (TTHS). VKS có quyền quyết định truy tố bị can ra trước TAND để xét xử và cũng có quyền rút quyết định truy tố trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử hoặc tại phiên tòa. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi đề cập đến những quy định của BLTTHS năm 2015 về việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Kiểm sát viên công bố cáo trạng trong một phiên tòa tại TAND huyện Chợ Mới, An Giang – Ảnh: Nguyễn Lộc

1. Về quy định tại Điều 285 “Viện Kiểm sát rút quyết định truy tố”

“Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của BLHS thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.”

- Về Điều 157 BLTTHS “Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự”. Điều luật này quy định 8 trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự, nhưng không phải khi xét thấy có một trong các căn cứ này thì Thẩm phán đều ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi ra quyết định đình chỉ vụ án, Thẩm phán phải căn cứ vào Điều 282 BLTTHS và chỉ được ra quyết định đình chỉ vụ án khi có căn cứ tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 157 BLTTHS. Điều luật không cho phép Thẩm phán được ra quyết định đình chỉ theo quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 157. Nếu Viện kiểm sát căn cứ vào khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 157 để rút quyết định truy tố thì Tòa án vẫn phải mở phiên tòa xét xử.

Sở dĩ Điều 282 BLTTHS không cho phép Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 là do việc xác định “không có sự việc phạm tội” và “hành vi không cấu thành tội phạm” chỉ có thể được xem xét thông qua phiên tòa và quyền quyết định thuộc về hội đồng xét xử, vì thế Viện kiểm sát không thể căn cứ vào khoản 1 khoản 2 Điều 157 BLTTHS để rút quyết định truy tố và Thẩm phán không có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án.

- Về căn cứ quy định tại Điều 16 BLHS “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”

“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Như vậy theo quy định của điều luật thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tội phạm, nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện cấu thành một tội khác gì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện.

Miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn khác với đình chỉ vụ án vì hậu quả pháp lý khác nhau. Mặt khác Điều 16 còn quy định về trường hợp người đã thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó đã cấu thành một tội khác

Vì vậy quy định “có một trong các căn cứ quy định tại Điều 16 BLHS” là không chính xác.

- Về căn cứ Điều 29 BLHS. Điều 29 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là đình chỉ vụ án. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 29 thì Tòa án phải ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự vì đó là quy định đương nhiên. Khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 29 thì Tòa án có thể áp dụng hoặc không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự vì đó là quy định tùy nghi.

- Về khoản 2 Điều 91 BLHS, quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó khi một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 thì người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát giáo dục quy định tại Mục 2 Chương VII của BLHS

Thẩm phán cũng không thể ra quyết định đình chỉ vụ án vì những căn cứ này là căn cứ để có thể miễn trách nhiệm hình sự

- Về đình chỉ vụ án. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 282 BLTTHS thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi “Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa”.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can bị cáo chứ không phải là đình chỉ toàn bộ vụ án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 282 BLTTHS thì “Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của bộ luật này”.

Tòa án không không thể viện dẫn các lý do các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự về đình chỉ mà luật không quy định để đình chỉ vụ án

2. Quy định rút quyết định truy tố tại phiên tòa

Điều 319 BLTTHS quy định “Sau khi kết thúc việc xét hỏi Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn”.

Điều 325 BLTTHS quy định:

“1. Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

2.Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó”.

Khoản 4 điều 326 BLTTHS quy định:

“4. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.”

Trong trường hợp Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án thì phải căn cứ vào quy định nào của BLTTHS vì Điều 281 tạm đình chỉ vụ án không có quy định về trường hợp “Việc rút quyết định truy tố không có căn cứ”. Mặt khác, Luật cũng không quy định về việc kiến nghị của Hội đồng xét xử được Viện kiểm sát giải quyết như thế nào khi Viện kiểm sát chấp nhận hoặc không chấp nhận kiến nghị của Hội đồng xét xử.

- Điều 319, 321 và 325 chỉ quy định Kiểm sát viên có quyền kết luận về tội nhẹ hơn mà không quy định có quyền kết luận về tội bằng tội đã quyết định truy tố. Vậy tại phiên tòa Kiểm sát viên có quyền kết luận về tội bằng tội đã quyết định truy tố không?

Kiểm sát viên có quyền này nhưng phải viện dẫn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 BLTTHS “c. Luận tội, tranh luận, rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; kết luận về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa”.

Có lẽ đây cũng là lỗi khi các Điều luật nêu trên không quy định về việc Kiểm sát viên có quyền kết luận về tội khác bằng tội đã quyết định truy tố.

- Điều 320 trình tự phát biểu khi tranh luận ” 1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội. ”

Luận tội chỉ đúng trong trường hợp kiểm sát viên kết luận bị cáo có tội như quyết định truy tố, có tội bằng hoặc nhẹ hơn tội đã quyết định truy tố. Trường hợp không có căn cứ để kết tội thì không thể luận tội mà chỉ là kết luận về quan điểm của Viện kiểm sát là rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (chứ không phải là Tòa án) tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Một số vấn đề nêu trên là những suy nghĩ cá nhân rất mong nhận được trao đổi của bạn đọc.

NGUYỄN QUANG LỘC - NGUYÊN TP TANDTC
(Tạp chí Tòa án)

NGUYỄN QUANG LỘC (NGUYÊN THẨM PHÁN TANDTC)/TAPCHITOAAN

/tu-10-5-chi-tra-tien-ho-tro-lao-dong-tu-do-bi-anh-huong-covid-19.html