/ Luật sư - Bạn đọc
/ Báo chí trong mối quan hệ với hoạt động hành nghề Luật sư

Báo chí trong mối quan hệ với hoạt động hành nghề Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư và báo chí là mối quan hệ tác động tương hỗ trong việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Với sự phát triển của kinh tế và công nghệ thông tin, đứng trước những cơ hội và thách thức trong hội nhập quốc tế thì Luật sư và nhà báo là một trong những lực lượng quan trọng và phối hợp song hành cùng nhau để thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghề Luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, với sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Luật sư là cầu nối chuyển tải pháp luật vào đời sống, tạo thế ổn định và minh bạch trong sự phát triển của xã hội, bộ máy Nhà nước có được sự trợ giúp pháp lý để vận hành và quyết sách đúng đắn, tố tụng tư pháp có được sự đối trọng cần thiết tạo thành bản chất dân chủ và người dân có được chỗ dựa về mặt pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với hoạt động hành nghề, Luật sư có vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật; trong hoạt động tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, hoạt động tố tụng, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự, cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, bào chữa cho bị can, bị cáo. Chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng của Luật sư đối với những số phận đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, hiện nay, địa vị pháp lý của Luật sư đã được thừa nhận rộng rãi và Luật sư ngày càng có được chỗ đứng trong xã hội, từ đó ngày càng thực hiện tốt được chức năng xã hội của nghề nghiệp.

Trong khi đó, báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững…. Với khả năng tác động một cách rộng lớn, nhanh chóng và mạnh mẽ vào xã hội, hoạt động báo chí đã đảm bảo thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng này.

Trong quá trình thực hiện chức năng xã hội của Luật sư thì báo chí đóng vị trí quan trọng, có vai trò cộng hưởng để góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội. Khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển, dư luận xã hội có tác động đến tư tưởng pháp luật, ý thức pháp luật của mỗi cá nhân, đặc biệt là có tác động đến hành vi ứng xử của mỗi cá nhân thì công bằng pháp luật là vấn đề cốt lõi, thu hút sự chú ý, phản biện của nhiều người. Việc báo chí đồng hành cùng Luật sư và đương sự để phản ánh trung thực, khách quan những vụ việc, hay cùng thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những hoạt động phối hợp bảo vệ pháp luật của Luật sư và báo chí. 

Mối quan hệ hỗ trợ của Luật sư và báo chí có thể được thể hiện trên nhiều mặt khác nhau. Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của báo chí thì nhà báo không chỉ phải thu thập thông tin, nâng cao kỹ năng viết lách, sử dụng ngôn từ mà còn phải nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực đời sống, có trải nghiệm sâu sắc, vốn sống thực tế, và đặc biệt là phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên không phải nhà báo nào cũng am hiểu toàn diện về những quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Luật sư trở thành một kênh thông tin hữu ích để các nhà báo có thể khai thác về quy định pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những ý kiến, quan điểm của Luật sư về các vụ việc, vấn đề “nóng” đang diễn ra.

Thông qua ý kiến, quan điểm của Luật sư, nhà báo có thêm những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về các vụ việc và thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tích cực đấu tranh đối với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đối với những vụ việc là điểm “nóng” của xã hội, khi báo chí đưa ra những quan điểm pháp luật khách quan của các Luật sư sẽ giúp cho người đọc hiểu được các khía cạnh của vụ việc và có những nhận định đúng đắn về vấn đề. Ngoài ra, với những chức năng của một số tờ báo về việc giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật trên báo thì báo chí cũng cần sự hỗ trợ của các Luật sư.

Bên cạnh đó, việc báo chí cập nhật liên tục các diễn biến của cuộc sống, đặc biệt, với sự xuất hiện của loại hình báo điện tử, các thông tin được cập nhật gần như tức thì, đa dạng, khách quan, giúp Luật sư nhanh chóng có được thông tin cần thiết, đa dạng để tham khảo, đối chiếu, so sánh, kiểm chứng, phân tích, tổng hợp, phản biện xã hội và có những quan điểm cá nhân, cái nhìn nhiều chiều về các vụ án, tranh chấp xảy ra trong cuộc sống, nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Trong hoạt động nhận diện, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, Luật sư và báo chí bổ trợ rất tốt cho nhau. Hoạt động của báo chí là thông tin, nhanh nhạy, phản ánh kịp thời, cập nhật những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội, nhất là những vấn đề bất hợp lý, còn nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng về quy định pháp luật. Từ những thông tin đó của báo chí thì Luật sư có thể đánh giá, nhận định về những hạn chế, bất cập, chồng chéo, lỗi thời của quy định pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xétnghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Với những phản ánh của cơ quan báo chí và những quan điểm, ý kiến của Luật sư thì cơ quan nhà nước có thể xem xét để sửa đổi, bổ sung một số chính sách, quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, tình hình thực tế. Báo chí được xem là cầu quan trọng giữaLuật sư với cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, các Luật sư khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội thì cần lưu ý những vấn đề như: Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các Luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của Luật sư, nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Có thể nói, Luật sư và báo chí là mối quan hệ tác động tương hỗ trong việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Với sự phát triển của kinh tế và công nghệ thông tin, đứng trước những cơ hội và thách thức trong hội nhập quốc tế thì Luật sư và nhà báo là một trong những lực lượng quan trọng và phối hợp song hành cùng nhau để thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Xây dựng mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan báo chí

Lê Minh Hoàng