Những ngày gần đây, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra qua một đoạn clip đăng tải lên mạng xã hội với hình ảnh các bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhân đang “hỗn chiến” với nhau.
Theo đó, sự việc trên xảy ra vào ngày 09/3, tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, một ôtô 16 chỗ chở bệnh nhân và người nhà đi qua cổng số 1 vào bệnh viện. Khi đến giữa sân của khoa khám bệnh, một người bệnh nữ và hai thanh niên xuống xe đi vào cửa khoa khám, thì bị bảo vệ giữ lại nhắc nhở đeo khẩu trang chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai người nhà người bệnh không thực hiện và có phản ứng gay gắt, mâu thuẫn xô xát xảy ra giữa các nhân viên bảo vệ và người nhà bệnh nhân dẫn đến một vụ “hỗn chiến”.
Ngay sau đó, nhân viên y tế đã can ngăn và đưa người bệnh vào khám bệnh, đồng thời liên hệ với Công an phường Tân Hà để giải quyết vụ việc.
Đến tối 09/3, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết việc bảo vệ đánh người trong khuôn viên viện là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Cùng với đó, Bệnh viện chấm dứt hợp đồng với Công ty bảo vệ Phương Đông từ ngày 10/3.
Hiện, Công an phường Tân Hà đang phối hợp cùng Công an thành phố Tuyên Quang điều tra sự việc.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, đã không ít ý kiến cho rằng, việc bảo vệ bệnh viện dám “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người nhà bệnh nhân là phản cảm, gây mất trật tự an ninh công cộng, dẫn tới những hành động xấu trong xã hội và cần phải được xử lý mạnh tay, nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có những luồng ý kiến trái chiều về việc có hay không chỉ mỗi trách nhiệm là của riêng bảo vệ? Trong khi đó, cơ quan quản lý cũng cần phải kiểm điểm, xem xét kỹ càng và đưa ra lời giải thích hợp lý chứ không chỉ là việc hủy hợp đồng với Công ty bảo vệ trên. Nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về sự lỏng lẻo trong bộ máy quản lý của bệnh viện khi đã để xảy ra tình trạng đáng buồn trên.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: "Hành vi nêu trên của các bảo vệ bệnh viên đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người nhà bệnh nhân, cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại bệnh viện (nơi công cộng) nên có dấu hiệu của hành vi “Đánh nhau” hay “Cố ý gây thương tích” hoặc Gây rối trật tự công cộng”. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật".
Theo Luật sư Hùng, các tình tiết khách quan của vụ việc, cũng như lỗi và trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan như thế nào sẽ phải chờ kết quả điều tra và giải quyết của cơ quan Công an.
"Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung clip và những thông tin đã được báo chí phản ánh thì có thể thấy, lực lượng bảo vệ bệnh viện đã có những hành động sử dụng vũ lực rõ ràng là thái quá, không cần thiết để tấn công người nhà bệnh nhân", Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho hay.
Theo đó, những hành vi này đã vượt quá phạm vi nhiệm vụ “Phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp” của lực lượng bảo vệ được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 10, Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Ngay cả khi những người nhà bệnh nhân có những sự vi phạm, hoặc tấn công bảo vệ thì với lực lượng áp đảo và người nhà bệnh nhân cũng không có hung khí nguy hiểm, thì các bảo vệ bệnh viện hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác phù hợp hơn để ngăn chặn và xử lý. Việc sử dụng vũ lực của các bảo vệ như trong clip ghi lại có tính chất “trả đũa”, “ăn thua” với người nhà bệnh nhân nhiều hơn là nhằm “ngăn chặn” các hành vi vi phạm của họ, hoặc phòng vệ chính đáng.
Luật sư Hùng cũng cho biết, về chế tài xử lý hành chính, tại điểm b, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ đã quy định về "Vi phạm trật tự công cộng" đã nêu rõ hành vi "Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác" sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn đối với hành vi “Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” thì sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Ngoài ra, với diễn biến vụ việc được phản ánh trong clip, Luật sư Hùng cho rằng nhiều khả năng thương tích của những người nhà bệnh nhân (nếu có) cũng sẽ là thương tích nhẹ, không nghiêm trọng. Do đó, nếu các bảo vệ có bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích” thì cũng chỉ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với các loại và mức hình phạt là: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn trong trường hợp, các bảo vệ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng” tại Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến cao nhất là 07 năm.
Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Gây rối trật tự công cộng" cụ thể như sau: 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm. |
Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cũng có một phần lỗi không nhỏ, khi không đeo khẩu trang và có những phản ứng tiêu cực, chống đối khi được nhắc nhở, thậm chí là tấn công lực lượng bảo vệ. Do đó, tùy thuộc vào diễn biến chính xác của vụ việc thì người nhà bệnh nhân cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi đánh nhau hay cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng như đối với lực lượng bảo vệ nêu trên.
Bên cạnh đó, nếu những nhân viên bảo vệ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo kế hoạch và sự phân công của Cơ quan có thẩm quyền thì việc người nhà bệnh nhân có hành vi chống đối, cãi cọ, xô sát, “túm cổ áo, giằng co” với nhân viên bảo vệ khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang như báo chí đã đưa tin thì những hành vi này còn có dấu hiệu của tội "Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với loại và mức phạt là: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm.
Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội "Chống người thi hành công vụ" cụ thể như sau: 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm. |
Với hành vi không đeo khẩu trang tại bệnh viện thì những người nhà bệnh nhân này cũng có thể bị xử phạt về hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Không chỉ vậy, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc bồi thường thiệt hại không chỉ từ bảo vệ mà phía cơ quan quản lý cũng cần phải có trách nhiệm liên quan, theo đó, Luật sư Hùng cho biết, các nhân viên bảo vệ là người lao động của công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ, không phải là nhân viên của bệnh viện. Những người bảo vệ này đánh, gây thương tích cho người nhà bệnh nhân là trong khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ theo sự phân công của công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ, trên cơ sở hợp đồng đã giao kết với bệnh viện.
Do đó, theo quy định tại Điều 597, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ sẽ có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại về sức khỏe cho những người nhà bệnh nhân bị đánh gây thương tích. Cụ thể Điều luật này quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1, Điều 7, Nghị định 06/2013/NĐ-CPngày 09/01/2013 của Chính phủ cũng quy định, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị sẽ phải: “Chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tài sản của cơ quan, doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng, tổ chức, kiểm tra thực hiện kế hoạch, nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; chỉ đạo lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong việc triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ; xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh”.
Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ thì cũng cần phải xem xét và đánh giá đến trách nhiệm của bệnh viện trong việc thực hiện, cũng như kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ như thế nào? Có thiếu sót hoặc lỗ hổng nào không? Và tất nhiên, bệnh viện phải có trách nhiệm làm việc, phối hợp với công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ, người nhà bệnh nhân và các cơ quan chức năng, để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc giải quyết quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên cũng phải dựa trên cơ sở nội dung của Hợp đồng dịch vụ đã được ký kết giữa bệnh viện và công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ, cũng như các thỏa thuận giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ việc xô sát, bạo lực giữa bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân với bảo vệ hay nhân viên y tế tại các bệnh viện mà trước đây, đã có rất nhiều các vụ việc tương tự. Có thể nói, tình trạng mất an ninh, trật tự trong các bệnh viện vẫn đang là vấn đề “nóng” và bức xúc hiện nay.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ việc này là do văn hóa ứng xử, giao tiếp và kỹ năng xử lý tình huống, hiểu biết pháp luật của các bên còn hạn chế. Mặt khác, các bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân khi đến viện thì thường mang tâm lý lo lắng, căng thẳng, không hiểu biết thủ tục, quy trình làm việc tại bệnh viện, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ cần thiết với các nhân viên y tế hay lực lượng bảo vệ bệnh viện, cũng có nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng say rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác. Trong khi đó, cũng có không ít các nhân viên y tế, hoặc bảo vệ các bệnh viện do áp lực công việc, hoặc sự thiếu chuyên nghiệp nên đã có những lời nói hoặc lối ứng xử thiếu chuẩn mực, gây ức chế, bức xúc cho bệnh nhân và người nhà của họ. Như trong vụ việc này thì chúng ta thấy rõ ràng là cả hai bên đều cùng có lỗi, không bên nào là có sự kìm chế và cách hành xử đúng đắn.
"Chính vì vậy, để có thể ngăn chặn triệt để tình trạng này thì chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Bên cạnh việc tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các bệnh viện, thì cũng cần phải có những giải pháp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp thân thiện, kỹ năng xử lý tình huống cho các nhân viên y tế và bảo vệ tại các bệnh viện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, cũng như nâng cao nhận thức trong nhân dân về vấn bạo lực trong y tế", Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho hay.
LÂM HOÀNG