/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ trưởng Bộ Công an: 'Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phức tạp'

Bộ trưởng Bộ Công an: 'Tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phức tạp'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Giải trình vấn đề về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Theo đó, Bộ Công an sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù để bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng.

Ảnh minh họa.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TT&TT sáng nay (04/11), việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phổ biến hiện nay đang là nội dung được các đại biểu quan tâm, chất vấn. 

Cụ thể, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) đã đề cập đến tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, vẫn diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, gây phiền hà cho người dân… Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp hai lần đối với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay, vừa qua chúng ta đã tăng mức phạt đối với việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, lên gấp hai lần. Tuy nhiên, mức phạt mới chỉ dừng lại ở 60 triệu đồng đối với doanh nghiệp và cá nhân. Trong khi đó, ở một số nước thì phạt theo doanh thu, có nước phạt tới 6% doanh thu, có nước phạt 10% doanh thu - có nghĩa là mức phạt có thể lên đến một tỉ USD.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin; tiến tới thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm.

Về hành lang pháp lý, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ Công an cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để ra nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời dần tiến đến luật hóa để xử lý các hành vi liên quan để răn đe.

Giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân đang diễn ra rất phức tạp. Để phòng ngừa tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù để bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng.

Đồng thời Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Công an đã đề xuất với UBTV Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các ban, bộ, ngành, các địa phương cũng cần chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin. Đồng thời, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu…

Cùng liên quan đến vấn đề trên, một nội dung quan trọng khác cũng được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin tại phiên họp là về tài khoản định danh điện tử.

Theo Bộ trưởng, năm 2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh, xác thực điện tử và đưa vào hoạt động chính thức. Đây là bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức có định danh điện tử quốc gia.

Tính đến ngày 01/11/2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam.

Nói rõ về nhiều lợi ích của định danh điện tử, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh lợi ích mang lại là rất lớn, người dân có thể dễ dàng trao đổi thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức khi làm việc với cơ quan nhà nước; chỉ phải kê khai một lần; bảo đảm 04 “không” (không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt và không gặp gỡ)...

Ngoài ra, liên quan nội dung về xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp Nhà nước và 15 địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa thể kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

Theo Bộ trưởng, muốn kết nối phải có trung tâm dữ liệu và phải bảo đảm an toàn mới được kết nối và cho biết đây là điều kiện tiên quyết để kết nối đến dữ liệu quốc gia về dân cư song nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng.

Về vấn đề giải quyết vướng mắc khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa thể kết nối, trong khi đó tới ngày 31/12/2022 theo quy định của luật phải bỏ sổ hộ khẩu giấy mà đại biểu nêu, Bộ trưởng cho hay, hiện Bộ Công an đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi 19 Nghị định hiện hành có quy định liên quan tới hội khẩu.

Đồng thời cho hay, dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 15/12/2022.

TRẦN MINH

Chuẩn bị kỹ lưỡng dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Lê Minh Hoàng