/ Tin tức
/ Cả nước giảm 200 trường tiểu học trong năm học 2023-2024

Cả nước giảm 200 trường tiểu học trong năm học 2023-2024

19/08/2024 19:12 |8 tháng trước

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024. Theo đó, trong năm học này, cả nước giảm 200 trường tiểu học.

Ảnh minh hoạ. 

Theo Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT, ở cấp Tiểu học, số trường giảm từ 12.366 xuống 12.166.  Đối với cấp THCS, số trường giảm từ 10.761 xuống 10.753, giảm 8 trường. Riêng cấp THPT, năm học 2022-2023, cả nước có 2.949 trường học cấp THPT. Sang năm học 2023-2024, con số này tăng lên 2.981 trường. Đây cũng là cấp học duy nhất tăng số trường học trong năm học vừa qua.

Theo Bộ GD&ĐT, việc số trường tiểu học và THCS giảm có nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường học trên địa bàn. Trong khi đó, số lượng trường THPT tăng do việc tăng dân số ở các thành phố lớn nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 18,5 triệu học sinh, giảm hơn 300.000 so với năm học trước. Tuy nhiên mức giảm chủ yếu ở cấp tiểu học. Cấp THCS có hơn 6,5 triệu học sinh, tăng gần 500.000. Cấp THPT xấp xỉ 3 triệu học sinh, tăng hơn 100.000. Có thể thấy, việc tăng 32 trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi số trường cần có tương ứng cho số học sinh này vào khoảng gần 50 trường.

Về mặt hạn chế, tồn tại ở mảng giáo dục phổ thông trong năm học 2023-2024, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án hoàn thành chậm thời hạn, nguyên nhân chủ yếu là do văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng chịu tác động nhiều; tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền, còn khoảng cách lớn giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng thuận lợi; năng lực ngoại ngữ, tin học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế; nhiều giáo viên chưa thực sự coi trọng việc tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...

PV (t/h)

Người lao động có thể đóng khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ

Nguyễn Mỹ Linh