/ Kết nối
/ Cần cân nhắc kỹ quy định về thẩm quyền giải thích pháp luật của Tòa án

Cần cân nhắc kỹ quy định về thẩm quyền giải thích pháp luật của Tòa án

22/11/2023 18:33 |1 năm trước

(LSVN) - Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng, việc điểm d khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử sẽ làm phát sinh một số vấn đề.

Ảnh minh họa. 

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6 chiều ngày 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Đại biểu tỉnh Hải Dương) cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, đại biểu bày tỏ đồng tình với những quy định về trách nhiệm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án như trong dự thảo luật để thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 27 đã đề ra, xác định thẩm quyền của Tòa án là thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp, đồng thời cũng là để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, điểm d khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ làm phát sinh một số vấn đề. Theo đại biểu, cơ quan làm ra luật thì mới có thể giải thích đúng đắn tinh thần pháp luật. Quốc hội ban hành luật, thì chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được giải thích luật. Chính phủ, các bộ, ngành ban hành Nghị định, Thông tư chỉ để hướng dẫn thi hành, hoặc quy định chi tiết. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn đường lối xét xử. Đại biểu cho rằng hệ thống quy định như vậy đã đảm bảo hợp lý.

Đại biểu đặt vấn đề, kết quả giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử đó có là một trong những nguồn tham chiếu để giải quyết các vụ án, vụ việc khác hay không? Hay chỉ phục vụ xét xử vụ án cụ thể đó? Trong trường hợp là nguồn tham chiếu thì giá trị của việc giải thích đó như thế nào trong hệ thống pháp luật? Có mâu thuẫn, xung đột gì với chức năng giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan khác? Nếu có mâu thuẫn thì nên áp dụng theo nguồn nào?

Do đó, Đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo, hoặc quy định lại theo hướng “giải thích lý do áp dụng quy định pháp luật” để đảm bảo rõ ràng về nghĩ, nhất quán và đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Tranh luận với đại biểu Bùi Sỹ Hoàn về vấn đề giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa) cho biết, nhiều Luật sư tranh tụng cùng cá nhân đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử thực chất là công việc tòa án đã và đang làm từ trước tới nay, không phải là hoạt động mới khi xét xử các vụ án, nhưng chưa được ghi nhận bằng một điều khoản cụ thể trong luật về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án. Do đó, việc luật hóa hoạt động giải thích pháp luật trong xét xử là cần thiết.

Bên cạnh đó, chỉ có Tòa án mới có quyền ra bản án, tuyên một người là có tội hay không có tội, tử hình hay không tử hình, như vậy, phán quyết của tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của con người, do đó, tòa án giải thích rõ trong bản án là rất cần thiết, để tất cả những người tòa đã tuyên đều phải tâm phục, khẩu phục. 

Ngoài ra, việc bổ sung quy định này không trùng với thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nội dung quy định của luật, pháp lệnh, còn Tòa án giải thích việc áp dụng pháp luật trong từng vụ án cụ thể. Việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử có ý nghĩa trong phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về một vụ việc cụ thể, chỉ có tình bắt buộc đối với các vụ việc trong phạm vi xét xử, không được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

PV (t/h)

Thống nhất phương án cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ

Nguyễn Mỹ Linh