/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần thận trọng với quy định về cắt điện, cắt nước sinh hoạt

Cần thận trọng với quy định về cắt điện, cắt nước sinh hoạt

12/06/2024 16:45 |

(LSVN) - Theo Luật sư, việc được sử dụng điện nước là một trong những biểu hiện thể hiện quyền con người, quyền công dân, quyền được đối xử bình đẳng của các chủ thể trong xã hội. Bởi vậy, cần phải hết sức thận trọng với những quy định hạn chế những quyền cơ bản của công dân.

Ảnh minh họa. 

Chiều 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Một trong những điểm mới trong dự thảo luật là biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Theo dự thảo Luật, HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng. Mức phạt do UBND thành phố quy định trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự.

Dự thảo luật quy định trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép. Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế PCCC mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC cũng bị cắt điện nước, theo quy định của dự thảo luật.

Ngoài ra, việc cắt điện, nước còn được áp dụng với công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

Góp ý về quy định này, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, con người không thể sinh sống nếu thiếu nước, không thể văn minh nếu không có điện. Bởi vậy trong xã hội văn minh thì điện, nước là nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, tất yếu của công dân. Bên cạnh đó, việc được sử dụng điện nước là một trong những biểu hiện thể hiện quyền con người, quyền công dân, quyền được đối xử bình đẳng của các chủ thể trong xã hội. Bởi vậy, cần phải hết sức thận trọng với những quy định hạn chế những quyền cơ bản của công dân. 

Theo quy định của hiến pháp thì các quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Các quyền này chỉ được hạn chế bởi văn bản luật và phải phù hợp với hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.  Những văn bản luật do Quốc Hội ban hành phải phù hợp với hiến pháp và phù hợp với chính sách, chủ trương đường lối của đảng. Khi đưa ra những lệnh cấm, những quy định hạn chế các quyền cơ bản của công dân thì cần phải thận trọng, đánh giá mặt tích cực và hạn chế của những quy định đó. Trong thực tế thì những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về sử dụng đất đai, về nhà ở, vi phạm về phòng cháy chữa cháy diễn ra khá nhiều trong đời sống xã hội. Công tác quản lý còn những hạn chế bất cập dẫn đến nhiều công trình vi phạm tồn tại kéo dài và nguy cơ mất an toàn trong xã hội. Trước thực trạng đó thì việc đưa ra các giải pháp là rất cần thiết, trong đó các quy định pháp luật là cơ sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý, sử lý vi phạm.

Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, có sứ mệnh riêng của nó. Bởi vậy, Luật Thủ đô cũng có thể quy định những cơ chế đặc biệt, đặc thù cho Hà Nội để thành phố này có công cụ pháp lý phải có cơ chế chính sách để xây dựng phát triển thủ đô ngày càng văn minh giàu đẹp. Cơ chế chính sách đặc thù của luật thủ đô, huy động nguồn lực cho thủ đô để hướng đến một mục tiêu là phục vụ nhân dân thủ đô, đảm bảo cho thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước và là cơ sở để phát triển vùng thủ đô, kinh tế vùng. Bởi vậy, những nội dung của luật cần phải bàn thảo cân nhắc kỹ lưỡng, sao cho những quy định đặc thù, đặc biệt vẫn phải đảm bảo đúng đường lối chính sách của đảng phải phù hợp với hiến pháp và thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân.

Trước thực trạng tình trạng vi phạm về đất đai, vi phạm về xây dựng, vi phạm về nhà ở, vi phạm về phòng cháy chữa cháy diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua ở thủ đô thì việc một số đại biểu đề nghị sếp chặt công tác quản lý, đưa ra những chế tài mạnh mẽ để răn đe, xử lý đối với các trường hợp vi phạm là cần thiết, tuy nhiên đối với biển pháp là cắt điện, cấp nước sinh hoạt đối với người vi phạm hành chính hoặc với những trường hợp không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy thì phải cân nhắc rất kỹ về nội dung này không được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và có thể xâm phạm trực tiếp đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, đến những nhu cầu tối thiểu tất yếu của người dân.

Cắt điện, cắt nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng không phải là quy định mới, đây là biện pháp đã từng được quy định và áp dụng theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP từ năm 2007 đến năm 2015. Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị có quy định về việc phối hợp với các đơn vị cung cấp điện, nước để xử lý công trình vi phạm. Tuy nhiên, khi Luật xây dựng năm 2014 được ban hành và có hiệu lực kể từ 01/01/2015 thì quy định này đã bị bãi bỏ, theo đó pháp luật hiện nay không quy định cho phép cơ quan chức năng có quyền cắt điện, các nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. 

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không có quy định về biện pháp hành chính là các điện, cấp nước sinh hoạt đối với chủ thể vi phạm hành chính. Các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư thì lại càng không có và không được phép ban hành quy định này. Bởi vậy nếu quy định cho phép cắt điện, cắt nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng ở thủ đô mà được đưa vào Luật thủ đô thì chỉ có thể áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Biện pháp này có những ưu điểm nhất định như khiến cho việc xây dựng công trình đang vi phạm trật tự xây dựng gặp khó khăn hơn, khiến cho người vi phạm từ bỏ ý định tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên cũng có thể phát sinh những mặt trái của nó như: Người vi phạm sẽ câu điện, câu nước ở những nhà xung quanh để tiếp tục thi công dẫn đến có thể chập cháy, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đến đời sống của người dân. Hơn nữa không phải quyết định xử lý vi phạm hành chính nào cũng đúng, không ít quyết định khi bị khiếu nại, khởi kiện thì đã được cơ quan chức năng tuyên bố hủy bỏ vì ban hành trái pháp luật, không đúng thẩm quyền hoặc không đúng trình tự thủ tục luật định. 

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì đối với các công trình xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng thì có biện pháp xử phạt, buộc tháo dỡ công trình, thậm chí nếu tiếp tục vi phạm thì còn có thể xử lý hình sự. Đây là những chế tài đã có, rất cứng rắn và hoàn toàn có thể áp dụng trên thực tế để xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Người vi phạm bị đình chỉ thi công, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị tháo dỡ công trình, thậm chí còn có thể bị phạt tù. Người vi phạm hành chính về xây dựng, về nhà ở có thể bị mất tiền do phải nộp phạt, bị thiệt hại do bị tháo dỡ công trình và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng, về sử dụng đất đai theo quy định của bộ luật hình sự… nếu vận dụng đúng đắn, triệt để các quy định pháp luật này thì không cần thiết phải ban hành quy định về cắt điện, cắt nước đối với các công trình đang vi phạm trật tự xây dựng.

Đối với những công trình xây dựng đã xây dựng xong, đã đưa vào sử dụng mà không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, về nhà ở, về phòng cháy chữa cháy thì lại càng không nên áp dụng quy định về cắt điện, cắt nước sinh hoạt đối với các công trình này. Bởi trong một công trình vi phạm trật tự xây dựng thì có nhiều người cùng sinh sống, sinh hoạt, học tập, làm việc, vui chơi giải trí, việc cắt điện, cắt nước xảy ra đối với các công trình đang hoạt động như vậy là không hợp lý và có thể ảnh hưởng đối với những người không vi phạm. 

Về nguyên tắc là ai thực hiện hành vi vi phạm pháp luật người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm pháp lý không thể áp dụng đối với người không có hành vi vi phạm, nếu áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể này mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể khác thì việc áp dụng như vậy là không hợp lý. Mỗi lĩnh vực trong đời sống xã hội thì đều có văn bản quy phạm pháp luật, có chế tài để xử lý, trong đó có cả chế tài hành chính và hình sự.

Bởi vậy theo quan điểm Luật sư Đặng Văn Cường, không nên áp dụng các biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình đã đi vào sử dụng mà hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp khác để quản lý.

MINH TRANG

Bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Nguyễn Mỹ Linh