(LSO) - Trong trường hợp hành vi "găm hàng" của cây xăng có đầy đủ các yếu tố cấu thành Tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những ngày qua, dấu hiệu đầu cơ tích trữ xăng dầu càng lộ rõ khi rất nhiều cửa hàng đồng loạt đóng cửa sớm hơn thường lệ đến nhiều giờ, một số cây xăng đã đóng cửa không bán, số khác chỉ bán cầm chừng, nhiều cửa hàng dù còn xăng nhưng tích trữ không bán cho người dân, có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc xử phạt đối với hành vi này?
Có thể nói, hành vi "găm hàng" tại các cây xăng là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định chính xác mức xử phạt đối với hành vi này thì cần phải căn cứ cụ thể vào tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích,... Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính
Điều 30 Nghị định 67 của Chính phủ về xử phạt lĩnh vực xăng dầu, theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng;
- Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
- Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
- Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với hành vi găm hàng chờ tăng giá của các cây xăng trên có thể lên đến 40 triệu đồng.
Xử lý hình sự
Khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, trong trường hợp hành vi "găm hàng" của cây xăng có đầy đủ các yếu tố cấu thành Tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng các cây xăng "găm hàng" chờ tăng giá để bán hiện này diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần tằng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.
Liên quan vụ một cửa hàng xăng dầu còn 20 nghìn lít xăng RON 95 nhưng không bán cho người dân, khuya 27/5, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường quận Đống Đa vào cuộc kiểm tra, xác minh. Về kết quả kiểm tra, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt cửa hàng xăng dầu này, địa chỉ 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội (thuộc Hợp tác xã thương mại Láng Hạ) hành vi không bán hàng nhưng không có lý do chính đáng, mức xử phạt 30 triệu đồng theo điểm b, khoản 5, điều 30 Nghị định 67 của Chính phủ về xử phạt lĩnh vực xăng dầu. |
THANH LOAN