Đề xuất không phải dùng bản chính khi yêu cầu công chứng

29/02/2024 09:08 | 2 tháng trước

(LSVN) – Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trong đó, tại khoản 1 Điều 40 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đề xuất sửa hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, có thể sử dụng bản sao từ sổ gốc thay cho bản chính (nếu bản chính không còn) để thực hiện thủ tục công chứng.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 40 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

- Dự thảo giao dịch;

- Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;  

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Giấy tờ khác có liên quan đến giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Trong đó, các giấy tờ (trừ dự thảo giao dịch) là bản chính hoặc bản sao.

Trong khi đó,hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng số 53/2014/QH13, hồ sơ yêu cầu công chứng phải có thêm phiếu yêu cầu công chứng.

Theo dự thảo Luật Công chứng, bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

Ngoài ra, cũng tại dự thảo, sau khi kiểm tra giấy tờ, người yêu cầu công chứng kiểm tra và đọc lại dự thảo hợp đồng, đồng ý với các nội dung trong dự thảo, ký tên vào dự thảo thì công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng:

- Xuất trình bản chính các giấy tờ ở trên (trừ dự thảo giao dịch) để công chứng viên đối chiếu trước khi ký vào lời chứng và từng trang của văn bản công chứng.

- Nếu không còn bản chính thì xuất trình bản sao từ sổ gốc. Đây là đề xuất mới bởi theo quy định cũ, công chứng viên sẽ yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính giấy tờ để đối chiếu trước khi ghi vào lời chứng, ký vào từng trang hợp đồng.

Như vậy, theo dự thảo người dân có thể sử dụng bản sao từ sổ gốc thay cho bản chính (nếu bản chính không còn) để thực hiện thủ tục công chứng.

HÀ ANH

Bàn về việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi và bị hại đủ 70 tuổi trong vụ án hình sự