Tên thương mại là gì?
Theo quy định tại khoản 21 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật SHTT 2005): "Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng". Có thể hiểu đơn giản, TTM là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động tổ chức kinh doanh để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng một lĩnh vực.
Biện pháp bảo vệ quyền đối với tên thương mại
Dựa vào chủ thể thực hiện hành vi bảo vệ, có thể chia các biện pháp bảo vệ quyền đối với TTM thành hai loại: Chủ thể sở hữu TTM tự bảo vệ quyền đối với TTM của mình (biện pháp tự bảo vệ) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền đối với TTM (biện pháp bảo vệ TTM bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Các cơ quan nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền này như: Biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát biên giới về SHCN (trong đó có tên thương mại) về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Các biện pháp cụ thể được áp dụng đối với TTM có thể lựa chọn để áp dụng là:
Thứ nhất, biện pháp tự bảo vệ
Tự bảo vệ TTM là việc người có quyền đối với TTM tự mình tiến hành các biện pháp trong khuôn khổ của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Biện pháp này cho phép chủ thể bị xâm phạm quyền được áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền của mình. Được ghi nhận tại Điều 9 Luật SHTT 2005 "Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan". Và Điều 198 Luật SHTT biện pháp mà chủ thể bị xâm phạm quyền đối với TTM có thể lựa chọn để áp dụng là:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, biện pháp hành chính
Bao gồm các hình thức xử phạt hành chính (biện pháp xử lý hành vi vi phạm) và biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm) quy định tại Điều 214 Luật SHTT 2005. Biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm SHCN đối với TTM ngoài việc buộc chủ thể vi phạm chấm dứt buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
- Thẩm quyền: Theo chương III Nghị định 99/2013/NĐ-CP, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan hành chính có thẩm quyền “xử lý xâm phạm quyền” sở hữu trí tuệ khá đa dạng, nhưng chủ yếu thông qua: Thanh tra Bộ khoa học và Công nghệ, Công an kinh tế của Bộ Công an và QUản lý thị trường của Bộ Công thương.
- Trình tự, thủ tục: Gửi đơn yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền đơn yêu cầu xử lý vi phạm, kèo theo tài liệu chứng minh quyền yêu cầu xử lý vi phạm; tài liệu mô tả hoặc ảnh chụp hành vi hoặc hàng hoá, dịch vụ vi phạm; địa điểm nơi có hành vi hoặc hàng hoá, dịch vụ vi phạm;
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính (nếu thấy cần thiết) bao gồm: Tạm giữ người; Tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm (Điều 215 Luật SHTT).
Luật sư Đặng Hồng Dương, Công ty Luật TNHH Sao Sáng.
Thứ ba, biện pháp dân sự
- Quyền khởi kiện và điều kiện khởi kiện:
Theo Điều 198 Luật SHTT 2005 quyền yêu cầu bao gồm cả quyền yêu cầu và quyền khởi kiện với Toà án. Người khởi kiện phải có đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp. Đơn khởi kiện nộp trực tiếp tại Toà án hoặc qua đường bưu điện. Khi nhận được đơn, Toà án phải ghi vào sổ nhận đơn.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: Tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết, nếu vụ án đó không thuộc thẩm quyền của Toà án.
- Thẩm quyền giải quyết
Khi bị xâm phạm quyền đối với TTM, thì chủ sở hữu TTM có quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền của mình. Theo Điều 26, Điều 27, Điều 35, Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này được xác định như sau:
+ Nếu tranh chấp TTM thuần tuý là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện;
+ Nếu tranh chấp TTM thuần tuý là tranh chấp dân sự hoặc đối tượng sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh;
+ Nếu tranh chấp TTM giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Tên thương mại không chỉ đơn thuần là dấu hiệu phân biệt chủ thể kinh doanh mà quan trọng hơn nó là một tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần thiết phải bảo hộ quyền sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại một cách chặt chẽ và hiệu quả.
Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG
Công ty Luật TNHH Sao Sáng