/ Nghề Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2024

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2024

19/07/2024 06:29 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 07/2024 ra mắt bạn đọc với những bài viết chính dưới đây.

“Bình đẳng trong lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý: Nội dung và ý nghĩa” là một nghiên cứu của PGS.TS Đỗ Đức Minh (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội). Tác giả nhận định, bình đẳng là một trong những quyền thiêng liêng và giá trị tiến bộ của xã hội dân chủ, nguyên tắc bình đẳng được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong đời sống xã hội và đời sống pháp lý. Là một trong những khát vọng, mục tiêu lớn của nhất của con người và xã hội, vấn đề bình đẳng cũng được các nhà tư tưởng quan tâm luận giải trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng, in dấu ấn sâu đậm trong dòng tư tưởng pháp luật tự nhiên và được hiện thực hóa trong thực tiễn chính trị pháp lý và mô hình Nhà nước pháp quyền hiện đại. Bài viết cho độc giả nắm bắt được một số quan niệm về bình đẳng trong lịch sử tư tưởng phương Đông, phương Tây qua các thời kỳ; ý nghĩa của khái niệm bình đẳng được tiếp cận từ nhiều góc độ và quan niệm khác nhau.

Ở Việt Nam, từ Bộ luật Dân sự đầu tiên vào năm 1995 đến Bộ luật Dân sự năm 2005 và nay là Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành, các nhà lập pháp đã chưa giải quyết triệt để trong việc xác định “giấy tờ” nào là “giấy tờ có giá” và loại “giấy tờ” nào là tài sản. Những khoảng trống pháp lý này vô hình trung đã làm cho các chủ thể trong xã hội gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật trên thực tế. Bài “Hoàn thiện quy định về giấy tờ có giá trong pháp luật dân sự Việt Nam” của tác giả Phạm Hồng Sơn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) khái quát về các quy định về giấy tờ có giá của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những khoảng trống pháp lý và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định này.

Nhằm góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tác giả Nguyễn Minh Phú (Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ) có bài “Quy định về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Cần sửa đổi, bổ sung cho sát thực”. Bài viết đi sâu phân tích các quy định có liên quan đến thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Từ đó chỉ ra các bất cập còn đang tồn tại của chế định trên và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện hơn pháp luật về trọng tài thương mại tại Việt Nam.

“Chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn: Những bất hợp lý trong thực tiễn áp dụng pháp luật” là một nghiên cứu của hai tác giả LS.NCS Quách Minh Trí (Công ty Luật TNHH Passio Lawyers) và Huỳnh Thị Mai Trinh (Trường Kinh tế, luật và quản lý Nhà nước UEH). Theo nhóm tác giả, các quy định tại Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đang là cơ sở duy nhất để giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh khi ly hôn là: vốn góp, trái phiếu, cổ phần, quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, các quy phạm này hiện vẫn còn rất chung chung, chưa điều chỉnh hợp lý đối với trường hợp chia tài sản chung là cổ phiếu của vợ chồng khi ly hôn. Bài viết phân tích rõ những bất cập và từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật cho vấn đề này.

“Luận bàn về tội 'Môi giới mại dâm'" là bài viết của đồng tác giả TS Ngô Ngọc Diễm (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và TS Vũ Thị Phượng (Trường Đại học Công đoàn). Mại dâm và môi giới mại dâm đã tồn tại từ thời cổ đại và thường được liên kết với các hình thức nô lệ, được thúc đẩy bởi yêu cầu thị trường và bản chất xã hội của thời đại đó. Ngày nay, hành vi mại dâm, môi giới mại dâm có tính chất phức tạp và thay đổi theo văn hóa, pháp luật và quan điểm xã hội của từng quốc gia. Một số quốc gia đã chọn tiếp cận việc điều chỉnh môi giới mại dâm để bảo vệ các cá nhân liên quan, trong khi những quốc gia khác tiếp tục xem môi giới mại dâm là một tội phạm và đấu tranh chống lại nó, trong đó có Việt Nam. Bài viết bàn luận về những dấu hiệu định tội đối với hành vi môi giới mua bán dâm được quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong điều kiện quan hệ lao động phát sinh về số lượng và phức tạp về tính chất như hiện nay, quy mô doanh nghiệp mở rộng thì ảnh hưởng từ những tranh chấp lao động không còn bị giới hạn ở phạm vi khu vực mà tác động, hệ quả sẽ ngày một lớn dần. Điều này đặt vấn đề hình thành, xây dựng, củng cố các thiết chế giải quyết tranh chấp nhằm phòng ngừa, điều tiết, ổn định quan hệ lao động và trật tự xã hội, trong đó có quyền khởi kiện tập thể. Dưới góc độ pháp luật, bài viết “Khởi kiện tập thể tranh chấp lao động: Nhìn từ pháp luật Hoa Kỳ và những gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Bùi Sỹ Thành đề cập khái quát những vấn đề lý luận chung về khởi kiện tập thể tranh chấp lao động, kinh nghiệm của Hoa Kỳ, thực trạng pháp luật về khởi kiện tập thể tranh chấp lao động và hướng gợi mở cho Việt Nam về chế định này.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 07/2024.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2024

Nguyễn Hoàng Lâm