/ Tin nổi bật
/ Hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

Hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Sáng 20/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương chủ trì Tọa đàm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Ngô Tự Nam phát biểu.

Tham dự Tọa đàm có các Ủy viên đại diện cho Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, dự Tọa đàm còn có Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Thị Thanh Nhàn; Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson cùng các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết: Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã, cụ thể như việc hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thành lập các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cũng như thực thi các cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý, hiếm trong sách đỏ.

Tháng 11/2016, cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi lần đầu tiên Việt Nam tiêu hủy 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác. Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị 29, chỉ đạo Bộ Tài chính cung cấp thông tin số liệu ngà voi, sừng tê giác đã được tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản; chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đây là những hành động cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phòng chống việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, nhất là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Tuy nhiên, trước sự phức tạp của hình thức tội phạm này cùng với nhu cầu sử dụng vẫn đang có xu hướng gia tăng, vẫn còn đó nhiều thách thức trong công tác phòng chống và đấu tranh chống lại tội phạm về động thực vật hoang dã tại Việt Nam. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đã từng hoặc đang phải đối mặt với vấn nạn tương tự. Vì thế, việc nghiên cứu và phân tích những kinh nghiệm quốc tế để chọn lọc được những bài học phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ động thực vật hoang dã tại nước ta.

Tại Tọa đàm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Ngô Tự Nam bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng săn bắn, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà diễn ra ở cả các thành phố lớn. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng động vật hoang dã đã dẫn đến suy giảm loài động vật quý hiếm. Những hành động này cùng với việc tàn phá rừng đã ảnh hưởng, tác động rất lớn đến môi trường.

Mặc dù đã có những giải pháp để ngặn chặn nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra và cho thấy chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa quản lý tốt được việc săn lùng, giết mổ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Việt Nam còn yếu về nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế. Nhìn lại hệ thống pháp luật cho thấy, nhiều luật đã đề cập xử phạt nhưng thực sự chưa hiệu quả. Vì vậy, đến lúc các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần rà soát hệ thống pháp luật, tránh sự chồng chéo để sửa đổi, bổ sung chế tài, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Ngoài việc đồng thuận với quan điểm trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng cần xem lại quy định pháp luật xử lý vi phạm đối với các hành vi giết mổ, săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã đã đủ chưa. Nếu thấy chưa đủ thì cần bổ sung chỉnh lý; cần thiết nên xây dựng một luật chuyên ngành về bảo vệ động vật hoang dã với mức phạt cao hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đóng góp ý kiến.

Đề cập tới nguyên nhân của tình trạng động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa khẳng định: Thực tế việc tiêu thụ động vật hoang dã lại thuộc về những người giàu có, thậm chí người có chức vụ là chính. Nhiều người có nhận thức rằng, sử dụng một ít bộ phận của động vật hoang dã sẽ tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa bệnh. Về phương diện phong thủy thì sẽ đem lại may mắn, thậm chí có người nuôi động vật hoang dã như là trào lưu nuôi thú cưng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, thực tế cuộc sống phát triển thì việc tiêu thụ, săn bắn động vật hoang dã lại tăng cao. Chúng ta đã có nhiều luật nhưng việc xử lý hành vi tiêu thụ, sử dụng, tàng trữ động vật quý hiếm chưa hiệu quả. Ở các nhà hàng ăn uống còn công khai quảng cáo buôn bán, chế biến động vật hoang dã. Để xảy ra những tình trạng này là do các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt trong việc xử phạt các vụ tiêu thụ động vật hoang dã. Vì vậy, để giảm thiểu các hành vi săn bắn, tàng trữ, tiêu thụ động vật hoang dã thì cần phải có chế tài xử lý mạnh, cụ thể hơn. Đặc biệt, cần nghiêm khắc, cương quyết tiêu hủy những sản phẩm động vật hoang dã sau khi thu giữ được nhằm tránh tiêu thụ lại trên thị trường mặc dù giá trị kinh tế lớn. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại cũng như các biện pháp xử phạt tiêu diệt động vật hoang dã dưới mọi hình thức.

Cần có chế tài xử phạt nghiêm hơn và tăng cường tuyên truyền cấm tiêu thụ động vật quý hiếm dưới mọi hình thức

Góp ý thêm về vấn đề trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm: Cần tuyên truyền thay đổi nhận thức, nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, ban ngành trong việc cấm sử dụng động vật hoang dã. Song song với đó tuyên truyền cho người dân không nên tặng quà là các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã đến các lãnh đạo, bạn bè, người thân…

Góp ý về việc ngăn chặn tiêu thụ động vật hoang dã và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Thị Thanh Nhàn nêu ý kiến: Hiện nay, chúng ta có nhiều luật, văn bản đề cập đến việc xử phạt hành vi săn bắn, tiêu thụ, chế biến, tàng trữ động vật hoang dã nhưng chế tài thực thi còn chưa hiệu quả và chưa có báo cáo giám sát việc thực thi pháp luật. Nếu việc xử lý các hành vi vi phạm được đề cập, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ giảm được tình trạng săn bán động vật hoang dã. Ví dụ như việc đưa thông tin về một cán bộ, lãnh đạo bị hạ chức, khai trừ khỏi đảng hoặc thậm chí là biện pháp xử lý nặng hơn được tuyên truyền thì chắc chắn sẽ có tác động đến thay đổi nhận thức, hành vi tiêu thụ động vật hoang dã dưới mọi hình thức.

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Thị Thanh Nhàn.

Cũng tại Tọa đàm, Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson khẳng định: Việt Nam đã đạt được những thành tựu tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy, cấp, quý hiếm.

Theo Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson, năm nay, thế giới phải đối diện với đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề về môi trường, tác động của lũ lụt, sạt lở đất… Nếu tình trạng săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã diễn ra dưới mọi hình thức thì việc suy thoái môi trường sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của con người. Vì vậy, Việt Nam cần có thêm những giải pháp hữu hiệu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và biện pháp xử lý vi phạm mạnh hơn. Cần thiết Việt Nam nên có một luật riêng về bảo vệ động vật quý hiếm. Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong các luật, trong đó nhấn mạnh đến giảm nguồn cung-cầu động vật quý hiếm. Để làm được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là Chính phủ, các địa phương cần tạo thêm công ăn việc làm khác cho người dân, hỗ trợ người dân trong mưu sinh thay vì để họ có những nhận thức, hành vi sai lầm về săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã dưới mọi hình thức để duy trì cuộc sống và làm giàu.

Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson (ngoài cùng bên phải).

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương khẳng đinh: Từ năm 1994, nước ta đã ký kết và trở thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (Công ước CITES). Một số nội dung quan trọng của Công ước CITES đã được nội luật hóa như: Các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục I của Công ước (không phải loài thủy sinh) được đối xử như các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB; các loài động vật hoang dã (không phải loài thủy sinh) thuộc Phụ lục II của Công ước được đối xử như các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB.

Bộ luật Hình sự có quy định hai tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này. Điều này chứng tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan cũng đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư… để quy định về chế độ quản lý, bảo vệ, quy định xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm…”.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương phát biểu kết luận Tọa đàm.

Tại cuộc tọa đàm, có nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Vì vậy, đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử phối hợp cùng với tổ chức TRAFFIC ghi nhận, tổng hợp ý kiến phát biểu để đề xuất thêm trong các hoạt động liên quan, có thể lồng ghép trong các hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

BÍCH LOAN - BÙI HÙNG/quochoi.vn

/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-dau-tu-mua-sam-tai-san-hang-hoa-trong-cand.html