/ Góc nhìn
/ Mơ màng pháp lý

Mơ màng pháp lý

24/11/2021 15:30 |

(LSVN) - Là một người hành nghề Luật, tôi hay nghĩ về các "Mơ màng pháp lý".

Ảnh minh họa.

Tôi đang hỗ trợ pháp lý cho một người dân ở một quận của TP. Hồ Chí Minh. Vụ việc tôi tạm gọi là “cơm của mình mà không được ăn”.

Khách hàng tôi là một người đàn ông 58 tuổi, quê Nam Định, làm nghề bán phở. Ba mươi năm trước ông vào miền Nam và chọn một vùng ven Sài Gòn để an cư, lập nghiệp, vì phù hợp với gia đình lưu dân của ông.

Khi ấy, vùng này còn “đồng khô nước mặn”. Ông mua một một thửa đất 400m2 bằng giấy tay, rồi cất lên một căn nhà cấp 4, một mình vất vả làm nhiều việc để mưu sinh cho gia đình 4 người.

Mặc dù có tay nghề nấu phở gia truyền Nam Định, nhưng thời đó, vùng này vắng vẻ, dân cư thưa thớt, đa số lại là nông dân, nên ông không thể mở quán phở và kinh doanh.

Rồi đất nước đổi mới, mở cửa, tâm lý tư hữu bắt đầu hình thành và bắt rễ trong xã hội, các “cơn sốt” đất lan rộng cả nước, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, kéo theo tốc đô thị hóa chóng mặt.

Từ một vùng vắng vẻ đìu hiu, quá trình đô thị hóa lan đến, sau một thời gian ngắn, đã trở nên huyên náo và nhà cửa san sát. Tự nhiên, ông trở thành “tầng lớp trung lưu” của đất Sài Gòn, vì mảnh đất ông mua giấy tay nay đã được cấp “sổ đỏ” và có giá trị hàng chục tỉ đồng.

Ông bảo với tôi, khi đi miền Nam lập nghiệp, ông đi, vì một lý do “là phải đi” chứ không hình dung ra cuộc sống trong miền Nam, nhất là ở Sài Gòn nó ra sao? Lại không thể hình dung có ngày ông có trong tay hàng chục tỉ đồng. Số tiền này, ông nói cứ như từ trên trời rơi xuống.

Thời điểm này chắc ông chờ đợi cũng đã quá lâu. Ông mở quán phở, sở trường nghề nghiệp mà ông đã vất vả theo đuổi để có được. Quán phở của ông bán rất đông khách, từ đó cuộc sống của gia đình ông sang một trang mới. Vợ chồng ông đỡ vất vả, con cái cũng được đầu tư học hành và như ông nói “may mắn chúng nó cũng phần nào trưởng thành và ngoan”.

Rồi ông nhíu mày nhìn xa xăm.

Tôi hiểu, qua ánh mắt xa xăm đó sự trưởng thành và ngoan của con ông có lẽ được ông định nghĩa theo cách của một người cha bán phở, một lưu dân miền Bắc chưa bao giờ ngừng cố gắng để có cuộc sống ở mảnh đất Sài Gòn nhiều thử thách này.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Năm 2012, UBND quận ra quyết định thu hồi đất toàn bộ diện tích đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng của quận. Ông đã chuẩn bị tinh thần để chấp hành các quyết định của Nhà nước, và lên kịch bản cho một cuộc sống mới hậu thu hồi đất.

Thế nhưng 3 năm sau UBND quận lại ra quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định thu hồi đất của ông.

Lý do của việc thu hồi hủy bỏ quyết định thu hồi đất: Diện tích và số thửa đất thu hồi không thuộc ranh Dự án.

Gia đình ông rất mừng, nhưng một lần nữa ngày vui ngắn chẳng tày gang.

Chặng đường dài đi đòi quyền sử dụng tài sản của mình của ông cũng bắt đầu từ đây, và không biết bao giờ mới kết thúc?

Do các con ông đã lớn và lập gia đình, nhu cầu về chỗ ở cho các con, ông đã liên hệ quận xin tách thửa phần diện tích đất của mình để cho các con. Nhưng không được quận chấp nhận. Trong khi đó, quyền sử dụng đất của ông theo quy định phải được tách thửa và bảo đảm các quyền khác của người có Quyền sử dụng đất trên thực tế.

Lại lý do phải có ý kiến của các Sở liên quan là Sở Y tế và Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố. Trong văn bản trả lời quận về trường hợp của gia đình ông của Sở Y tế, theo đó Sở Y tế ‘‘đề nghị giữ nguyên Dự án cho tương lai’’. Trong khi ai cũng biết Sở Y tế không phải là một Cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT; hơn thế nữa công văn trả lời của Sở Y tế cũng không phải là môt văn bản quy phạm pháp luật và nội dung cũng chỉ là ý kiến đề nghị của một Sở chuyên về chữa bệnh cho người dân. Cái đề nghị giữ nguyên Dự án cho tương lai của Sở Y tế không biết nên hiểu như thế nào? Trong khi cuộc sống gia đình ông phải kéo dài sự lo lắng, phiền phức và thậm chí là bất công gần 10 năm nay chỉ vì vướng quy hoạch và sự không thống nhất của các Cơ quan quản lý Nhà nước.

Các năm sau đó ông đã gửi hàng chục đơn thư cho các sở ngành của thành phố để đòi lại quyền sử dụng đất của mình, nhưng các văn bản của các cơ quan hữu quan trả lời ông đến nay cũng chỉ dừng lại ở mức độ ‘‘đang xem xét ’’ hoặc cơ quan này lại lý do ‘‘ý kiến’’ của cơ quan kia để không xem xét quyền lợi chính đáng cho gia đình ông.

Tôi đang tư vấn để ông khởi kiện một trong các Cơ quan kia ra Tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Đồng nghiệp và là bạn tôi, một Luật sư cũng đang gặp phải một vấn đề mà theo anh chưa biết phải làm sao. Khi thực hiện thủ tục cho một người dân ở TP. Hồ Chí Minh nhận chuyển nhượng một bất động sản, mọi việc không có gì để nói nếu Phó Chủ tịch phường nơi bất động sản tọa lạc không xác nhận sai rằng “nhà, đất đang có khiếu nại”, dẫn đến Văn phòng đăng ký đất đai quận cho rằng bất động sản đó đang có tranh chấp nên thủ tục đăng bộ ách lại gần ba năm nay.

Sự việc cụ thể là vì bên bán trước đó có vay tiền của bên thứ ba từ năm 2012 và đã trả, nhưng hai bên không lập chứng từ trả nợ và không hủy chứng từ vay nợ. Và từ năm gần 10 năm nay, bên bán cứ đinh ninh món nợ đó đã được trả.

Nhưng khi bên cho vay biết bên vay bán nhà, họ đã đem tờ giấy mượn nợ khiếu nại việc bán nhà của bên bán lên UBND phường và Phó Chủ tịch phường khi tiếp nhận đơn khiếu nại cùng hồ sơ kèm theo của bên vay nợ đã lập và ký xác nhận vào văn bản về nguồn gốc nhà đất, gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận với nội dung như trên, mà không biết bản chất của tranh chấp nếu có ở đây là tranh chấp vay và cho vay, không phải tranh chấp về sở hữu nhà, đất.

Đây là hai quan hệ pháp luật dân sự độc lập. Trong quan hệ vay nợ, nếu bên vay không trả thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc bên vay phải trả nợ. Cơ quan hành chính, cụ thể ở đây là UBND phường, không phải là cơ quan tài phán giải quyết vụ việc này theo quy định của luật. Trong quan hệ về sở hữu nhà đất (do các bên xác lập bằng các hình thức chuyển nhượng/tặng cho/mua bán/thế chấp/cầm cố...) thì khi có tranh chấp, cơ quan hành chính chỉ là bên tổ chức hòa giải tranh chấp theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, cơ quan hành chính không có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp này.

Việc nhận chuyển nhượng chưa thành, dẫn đến bao nhiêu phiền phức cho cả bên mua và bên bán. Bên mua thì không được thanh toán hết tiền chuyển nhượng do bên bán chưa “sang tên” được nhà đất; tệ hơn, bên bán có thể phải đối diện với sự đổ bể của giao dịch; có khả năng phải gặp bên mua ở Tòa án trong một phiên tòa không mong đợi. Bên mua thì như ngồi trên đống lửa, vì họ không thể xác lập sở hữu Quyền sử dụng đất khi chưa được sang tên.

Chi phí xã hội vì sự tắc trách này không hề nhỏ.

Đáng lẽ khi nhận khiếu nại này, công chức phường phải hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa để đòi nợ (nếu có) chứ không phải việc nợ kéo theo việc cắt đứt quyền định đoạt tài sản của người dân như trong trường hợp này.

Các quy định về xác lập quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam còn nhiều bất cập, các diễn dịch luật mỗi nơi một khác nên dẫn đến thực trạng việc xác lập quyền sở hữu, nhất là sở hữu bất động sản đã khó, mà bảo vệ quyền sở hữu đó nhiều khi còn khó hơn bội phần.

Tôi tạm gọi các tình huống trên là “mơ màng pháp lý”. Các “mơ màng” để giấu đi cảm giác “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” của mình. Vì làm trong lĩnh vực luật pháp, tôi biết, các sự việc như thế gặm nhấm công lý và công bằng.

Vụ con dâu ra phường khai tử bố mẹ chồng đang sống do công chức một phường ở Hà Nội tiếp tay mới gây ra cũng là một kiểu “mơ màng” như vậy. Vụ việc đã được Công an quận Tây Hồ khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các vụ việc điển hình trên cho thấy sự đứt gãy dòng chảy pháp lý, ít nhất là ở cấp chính quyền gần dân nhất là hiện hữu và có nguồn gốc từ sự chủ quan, lạm quyền và thiếu trách nhiệm. Đó là chưa nói đến sự thấu hiểu cuộc sống của người dân khi họ có việc phải đến “cửa quan”. Mặc dù câu khẩu hiệu “nói dân hiểu, làm dân tin” vẫn treo trước trước cổng các cơ quan công quyền.

Bắt bẻ một tiểu tiết, giải thích một quy định pháp luật theo ý chủ quan của mình trên ý thức mình có quyền đã làm suy yếu hệ thống pháp luật, đẩy ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng xa các điều luật đang nằm trên màn hình máy tính trước mặt công chức, người thực thi công vụ. Nó gián tiếp gây ra nạn quan liêu, tham nhũng của cải và tham nhũng quyền lực.

Các điều luật khô khan đang nằm trong tủ sách phổ biến pháp luật có trong bất cứ Ủy ban cấp phường xã nào trong cả nước chỉ là những ký hiệu, nhưng trang giấy úa vàng nếu công chức còn tư duy pháp lý dựa trên sự lạm quyền. Nếu công chức không nhìn thấy “đời sống” của những hành vi phục vụ người dân của mình nó dài và có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi công dân nói riêng, xã hội và sự phát triển đất nước nói chung. Khi đóng cửa văn phòng ra về, nhiều khẩu hiệu dăng đầy trong cơ quan và đường phố mà mỗi công chức hàng ngày, hàng giờ đều nhận thấy? Tôi tự hỏi, có khi nào họ dành vài phút suy tư để thấu hiểu cái gì sau những con chữ khô khan của các khẩu hiệu dăng đầy trên phố?

Trong quá trình hơn 10 năm hành nghề Luật sư, tôi đã hàng trăm lần hỗ trợ pháp lý và thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của họ. Tôi nhận thấy, vấn đề phát sinh và gây nhiều bức xúc cho người dân chính là công chức, nhất là công chức phường xã, địa phương, nơi gần dân nhất. Nhiều cán bộ áp dụng luật pháp rất mập mờ, chủ quan, thậm chí không phân biệt được các khái niệm, các quyền về hành chính, tài sản và các quyền nhân thân, quyền chính trị của người dân.

Họ thường lấy các “nghĩa vụ phái sinh” là các “quy định” trong các văn bản nội bộ, các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là các cách diễn giải luật chủ quan, mơ hồ do chính họ đặt ra để thực thi công vụ mà phớt lờ các quy định pháp luật sừng sững trong hệ thống luật quốc gia. Đơn cử như việc lạm thu, người dân phải đóng các khoản phí vô tội vạ để sửa đường, tu bổ đê kè….khi chứng thực giấy tờ cá nhân ở cấp xã; việc đòi hỏi các giấy tờ tùy thân một cách quá đáng khi người dân thực hiện các quyền về nhân thân, tài sản của mình…Mà đáng ra, đây là quyền lợi hợp pháp của người dân. Hoặc ngộ nhận quyền lực hành chính của họ tới mức quá lớn và do đó, họ hành xử như người có quyền áp đặt, ban phát.

Đó là chưa bàn đến việc ông Chủ tịch xã có vô tư khi nhận xét sơ yếu lý lịch cho công dân trong xã như nhiều nơi đang làm không? Khi xác nhận nguồn gốc bất động sản của dân chúng, công chức thi hành công vụ có thấu hiểu quyền sở hữu, một trong những quyền thiêng liêng nhất được pháp luật bảo vệ và hành trình để xác lập quyền đó nhất là quyền sở hữu bất động sản, một cách chính đáng của người dân vất vả, lâu dài và gian khó như thế nào không?

Chính quyền, xét cho cùng chỉ là một đơn vị được ủy thác và thực thi quyền lực của Nhà nước do nhân dân giao phó. Trong các trường hợp này, chính quyền thật ra chỉ có bổn phận phục vụ chứ không phải có quyền hạn ban phát, cho phép hay không.

Họ chỉ “đúng” khi các hành vi công vụ được thực thi theo “một lẽ phải” dựa vào sự đồng thuận của luật và sự hài lòng của người dân. Lẽ phải sẽ được tôn vinh khi xã hội phát triển và pháp luật, trong bất kỳ tình huống nào luôn tự diễn đạt được mình.

Để giải quyết vấn đề trên phải tạo ra một môi trường để luật luôn diễn đạt được mình, và người dân khi gặp các vấn đề liên quan đến pháp lý thì họ có ý thức thúc đẩy sự diễn đạt của luật bằng các hành động hợp pháp để tự bảo vệ mình. Muốn vậy, cơ chế tiếp nhận, giải quyết các vấn đề pháp lý của người dân phải được kiện toàn, nhất là về thời gian giải quyết, sao cho họ cảm thấy lựa chọn cách giải quyết đó là hữu dụng nhất.

Tất nhiên, không ở đâu có một chính quyền “hữu toàn”, nhưng những hành xử của họ có thể giảm bớt sự “bất toàn” cho dân.

TRẦN PHÚC HÀO

Động cơ gây án

Admin