/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số hạn chế, bất cập về tội 'Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác'

Một số hạn chế, bất cập về tội 'Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác'

20/04/2023 06:38 |

(LSVN) - Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” tại Điều 134 đã chặt chẽ hơn, tháo gỡ được nhiều vấn đề so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng trên thực tế vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, một số hạn chế, bất cập về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” như sau:

Một là, chưa có quy định cụ thể về thời điểm giám định tỷ lệ thương tật, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. 

Trong vụ án xét xử về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là căn cứ quan trọng để xác định có tội hay không có tội, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự vẫn chưa có rõ ràng, cụ thể dẫn đến sự áp dụng không thống nhất trong thực tiễn xét xử hiện nay. Kết quả giám định tỷ lệ thương tích một người ở các thời điểm khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Hoặc khi bị hại muốn giám định tỷ lệ thương tật lại thì trong trường hợp này kết quả giám định lại có được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án không. 

Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn, mất tính công bằng, khách quan khi xét xử tội phạm, dẫn đến hình phạt không phù hợp với tính chất cả tội phạm. Việc xác định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể chính xác làm căn cứ để giải quyết vụ án chính xác thì cần phải xác định rõ thời điểm giám định thương tích và kết quả nào sẽ được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.

Hai là, trong một vụ án mà có nhiều bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể được quy định ở các khoản khác nhau. 

Ví dụ: H. gây thương tích cho T. và Q. với tỷ lệ tổn thương cơ thể sau khi giám định lần lượt là 40% và 20%. Như vậy việc xác định điểm, khoản nào Điều 134 Bộ luật Hình sự để xử lý hình sự đối với H. trên thực tế cũng có nhiều quan điểm khác nhau. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của H. có thể bị áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Việc áp dụng như vậy là theo tinh thần áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội (lấy tỷ lệ tổn thương cơ thể 20% của bị hại Q. và khi xét xử cần xem xét xử lý hành vi H. gây thương tích cho T. với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 40%.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của T. bị áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Việc áp dụng này là lấy tỷ lệ tổn thương cơ thể cao nhất là của T. 40% để xử lý hình sự và khi xét xử cần xem xét xử lý hành vi của H. gây thương tích cho Q. với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 20%.

Qua ví dụ trên cho thấy sự không thống nhất trong việc xử lý hình sự trong cùng một vụ án dẫn đến việc áp dụng pháp luật trên thực tế không thống nhất.

Từ những vướng mắc, hạn chế trên tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật  để việc áp dụng trên thực tế được thống nhất. Cụ thể:

Một là, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Trong đó, quy định cụ thể về thời điểm giám định tỷ lệ thương tích để đảm bảo công bằng trong việc giải quyết vụ án. Quy định rõ trường hợp có nhiều kết luận giám định thương tích thì kết luận nào được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Hai là, về trường hợp vụ án có từ hai bị hại trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của hai bị hại này ở hai khoản khác nhau. Tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết về trường hợp này thì hiện nay, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự khó có thể xác định được đúng điểm khoản khung hình phạt để xử lý trách nhiệm hình sự. 

Theo tác giả nên quy định như sau: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” thì sẽ phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật để dễ dàng xử lý trách nhiệm hình sự hơn.

LÊ VĂN THANH

Tòa án quân sự Khu vực, Quân khu 1

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

Bùi Thị Thanh Loan