/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Tranh tụng là một từ được nhắc đến từ lâu trong tố tụng nhiều nước trên thế giới và ngày càng được dùng phổ biến trong tố tụng của Việt Nam, đặc biệt trong tố tụng hình sự và được quy định tại nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015.

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, kế thừa và phát triển những quy định về tố tụng hình sự trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (Bộ luật Tố tụng hình sự) có nhiều quy định mới về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hình sự; người tham gia tố tụng hình sự; bào chữa, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị hại, đương sự; biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế…

Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự ghi nhận rất cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; nội dung nguyên tắc hàm ý tranh tụng từ khi bắt đầu vụ án hình sự và thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Chương V quy định về bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự. Hoạt động công tố được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng hình sự nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người không có tội. Sự tham gia của viện kiểm sát đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực thi đúng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư với vai trò tư vấn, bào chữa cho bị can, bị cáo để đưa ra những lý lẽ chứng minh bị can, bị cáo không phạm tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo. Trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư có quyền cung cấp chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng; có quyền có mặt khi cơ quan chức năng lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì luật sư có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; được nghiên cứu hồ sơ vụ án, đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu có liên quan đến bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình…

Tòa án có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và bảo đảm sự bình đẳng và các điều kiện khác để các bên tiến hành tranh tụng một cách khách quan, toàn diện và công bằng về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án, làm cơ sở cho tòa án ra phán quyết để kết thúc quá trình tranh tụng của các bên.

Có thể nói, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên tòa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Luật sư còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, tránh oan sai, góp phần tích cực vào tiến trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên trên thực tế, quá trình hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là thực tiễn thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động xét xử các vụ án hình sự ở nước ta.

Để tham gia bào chữa trong vụ án hình sự, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rằng, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.

Trong trường hợp giấy tờ hợp lệ thì cơ quan tiến hành tố tụng vào sổ đăng ký và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký trong thời hạn 24 giờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng thường vi phạm về thời hạn 24 giờ và ít khi thực hiện theo luật định. Cá biệt, có nơi còn yêu cầu xác minh nhân thân luật sư rồi mới thông báo đăng ký bào chữa, điều này rất gây phản cảm trong đội ngũ luật sư.

Trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam nên việc yêu cầu người bào chữa thường thông qua người thân thích của họ thực hiện nên việc xác định lại ý chí của bị can, bị cáo trong trại tạm giam là ít khả thi và cực kỳ khó khăn khi cơ quan quản lý trại giam không hợp tác.

Văn bản Thông báo tham gia tố tụng của luật sư được sử dụng trong cả quá trình tố tụng, nhưng hiện nay mỗi nơi thực hiện một khác, thậm chí mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng lại yêu cầu đăng ký lại việc bào chữa, gây rất phiền hà, vướng mắc cho luật sư tham gia tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng, nhất là trường hợp khách hàng đang bị tạm giam hoặc thuộc các tỉnh vùng sâu, xa, đi lại khó khăn, vất vả.

Về thủ tục đăng ký bào chữa ban đầu, luật sư đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tiếp tục thực hiện việc bào chữa, tranh tụng, luật sư phải gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những căn cứ giúp luật sư có cái nhìn toàn diện, khách quan, đầy đủ, triệt để và có căn cứ giải quyết vụ án nhằm giúp khách hàng của mình một cách tốt nhất. Nhưng khi gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam, luật sư thường bị vướng ở khâu xuất trình văn bản thông báo người bào chữa. Luật sư nhận được thông báo người bào chữa ở giai đoạn điều tra thì khi sang giai đoạn truy tố và xét xử, trại tạm giam thường yêu cầu phải đăng ký và có thông báo người bào chữa ở giai đoạn tương ứng; điều này là trái quy định của luật tố tụng hình sự cũng như rất mất thời gian và phiền hà cho luật sư khi bào chữa cho khách hàng của mình, không bảo đảm tính kịp thời và hiệu quả.

Một vấn đề nữa mà luật sư hay gặp phải là bị hạn chế thời gian gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam. Pháp luật không quy định hạn chế thời gian làm việc của luật sư bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam để tạo điều kiện cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam hiểu rõ những nội dung chứng cứ buộc tội mình và có thể sử dụng các chứng cứ này tranh tụng tại phiên tòa xét xử, cũng như làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tuy nhiên trên thực tế, giám thị trại tạm giam thường hạn chế thời gian làm việc của luật sư bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, chỉ cho phép dài nhất là 60 phút, thông thường chỉ được 30-45 phút trong mỗi lần gặp. Luật sư muốn kéo dài thời gian làm việc với bị can, bị cáo thì phải chuyển sang ngày làm việc khác và phải làm lại thủ tục xin phép trình giám thị trại tạm giam để được gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Điều này gây hạn chế nhất định khi luật sư muốn làm rõ những vấn đề chứng cứ cũng như thảo luận các phương án tranh tụng với bị can, bị cáo đang bị tạm giam để kịp thời phục vụ việc bào chữa.

Thời gian gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam đã eo hẹp. Khi luật sư gặp bị can, bị cáo đều có điều tra viên hoặc cán bộ điều tra ngồi cạnh để giám sát (các cơ quan thường không muốn người bào chữa có mặt trong hoạt động điều tra vì sợ rằng sẽ gây cản trở khó khăn). Trường hợp này xảy ra ngay cả trong trường hợp đã kết thúc điều tra và có cáo trạng truy tố của viện kiểm sát.

Việc bị can, bị cáo tiếp cận những tài liệu, hồ sơ vụ án khi luật sư bào chữa sao chụp được mang vào trại tạm giam cũng gặp khó khăn (do bị cán bộ trại tạm giam ngăn cản, không cho bị can, bị cáo tiếp xúc những tài liệu mà luật sư mang vào). Hạn chế, vướng mắc này làm cho luật sư cũng như bị can, bị cáo không thể thuận lợi trong việc bào chữa cũng như phối hợp gỡ tội tại phiên tòa, đỉnh cao của hoạt động tranh tụng.

Nghị quyết 08-NQ/TW, 48-NQ/TW và 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đã chỉ rõ là phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tranh tụng của luật sư. Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Thể chế đường lối, chính sách của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp, các nguyên tắc trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó Điều 26 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Đây được coi là nội dung cơ bản định hướng cho toàn bộ hoạt động tố tụng kể từ khi phát sinh vụ án hình sự, trong đó hoạt động xét xử tại phiên tòa là trung tâm, đỉnh cao nhất, thể hiện bản chất nền tố tụng hình sự theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội và đất nước trong tình hình mới là phải xây dựng cho được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; đáp ứng cho được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhìn chung trong giai đoạn xét xử, chất lượng bào chữa của luật sư tại phiên tòa có rất nhiều cải thiện tốt, luật sư đã đưa ra những tài liệu, chứng cứ có tính thuyết phục để bào chữa cho khách hàng của mình. Người bào chữa được quyền trình bày lập luận, đưa ra các chứng cứ, tài liệu để đối đáp với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh luận và yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp, tranh luận với ý kiến của người bào chữa. Hội đồng xét xử phải ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa... Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ: kiểm sát viên thường không tranh luận hoặc đối đáp đến cùng với ý kiến của luật sư nêu ra hoặc tranh luận không đầy đủ, do đó vụ án không được giải quyết một cách sáng tỏ, triệt để.

Hội đồng xét xử thường nhắc luật sư khi họ trình bày quan điểm khi chưa hiểu rõ họ định trình bày như thế nào, nội dung ra sao, dài hay ngắn, cá biệt còn hạn chế thời gian tranh luận gây bức xúc, ức chế cho người bào chữa. Khi bào chữa tại phiên tòa, do thói quen hoặc không điều tiết được cảm xúc, nhiều trường hợp luật sư dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt thái quá đã bị hội đồng xét xử nhắc nhở và không giữ được bình tĩnh đã phản ứng tiêu cực tại phiên tòa, dẫn đến tâm lý ức chế cho cả hội đồng xét xử và luật sư.

Nội dung trong bản án, quyết định của tòa án ít khi nêu hoặc không nêu ý kiến trình bày, tranh luận của luật sư hoặc phần tranh luận của luật sư thường bị cắt xén hoặc nêu rất chung chung, chưa thể hiện rõ quan điểm của luật sư khi tranh tụng tại phiên tòa. Điều này khiến các cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận vị trí, vai trò của luật sư rất phiến diện và hạn chế, dẫn tới đánh giá không đúng về đội ngũ luật sư Việt Nam.

Khó khăn, vướng mắc của luật sư trong hoạt động hành nghề nói chung và những vướng mắc của luật sư trong thực tiễn thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự nói riêng là một chủ đề rất trọng tâm nhưng mới là một khía cạnh nhỏ mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm, tìm cách tháo gỡ.

Qua phân tích thấy rằng, những khó khăn, vướng mắc này đến bởi nhiều nguyên nhân khác nhau cũng như từ nhiều phía, nhiều chủ thể liên quan. Để hoạt động luật sư và hành nghề luật sư ngày càng tốt hơn, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong tình hình mới; tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; để hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng hình sự, đặc biệt là thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, chúng ta cần có quy chế phối hợp chung giữa ba cơ quan trọng tâm trong hoạt động xét xử là tòa án, viện kiểm sát và luật sư.

Theo quy định của pháp luật cũng như thực tiễn xét xử, qua tham khảo một số nước phát triển mô hình tranh tụng hình sự như Mỹ, Nhật Bản… thì hàng năm, các cơ quan này cần họp chung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tố tụng hình sự, bảo đảm cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện tốt đồng thời tránh được oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Thứ nhất, Nhà nước thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức và hiểu rõ pháp luật cho mỗi người dân để họ thực hiện tốt; sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trong mỗi cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần giáo dục cho cán bộ, nhân viên cũng như thành viên của mình nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tạo điều kiện cho nhau thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhằm hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân và vì lợi ích quốc gia, dân tộc;

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, phù hợp; bảo đảm cho mọi người dễ hiểu, hiểu đúng và đủ để thực hiện pháp luật một cách có hiệu lực, hiệu quả. Những vấn đề quan trọng, tác động đến nhiều chủ thể, quyền lợi của nhân dân cần lấy ý kiến rộng rãi cũng như tôn trọng nhân dân và thận trọng trước khi quyết định hoặc thông qua;

Thứ ba, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên và thành viên của mình không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận cũng như ý thức văn hóa, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với công việc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, có sự giao lưu, phối hợp giữa các cơ quan với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau;

Thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cho mỗi chuyên đề hoặc công việc theo định kỳ hoặc kế hoạch nhằm rút ra những bất cập, hạn chế trong thực tiễn và phát huy những điểm phù hợp để sửa đổi, hoàn thiện về lý luận đồng thời thường xuyên trau dồi, hoàn thiện lý luận để soi đường cho thực tiễn phát triển phù hợp với điều kiện và tình hình mới của đất nước, đang phát triển ngang tầm khu vực và trên thế giới.

ThS. LS. LÊ ĐĂNG TÙNG

/nhung-bat-cap-tu-quy-dinh-ve-xu-ly-tai-san-gan-lien-voi-dat-khi-cuong-che-chuyen-giao-quyen-su-dung-dat.html