Ảnh minh họa.
Tôi bị bài viết cuốn hút và đồng tình với một số luận điểm của hai tác giả này, nhưng có cảm giác họ còn né tránh hay chưa thực sự xem xét vấn đề một cách thấu đáo. Xin được nêu ý kiến phản biện của một người chuyên sâu về hoạt động tư vấn pháp luật như dưới đây, với mong muốn nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp ở những góc nhìn khác nhau cho thêm phần sáng tỏ.
Đặc điểm của nghề Luật sư không chỉ là tuân thủ pháp luật. Bởi lẽ, Luật sư là người suốt đời phấn đấu cho sự thượng tôn pháp luật - đấu tranh với chính thân chủ của mình, với những người tham gia tố tụng, với cả cơ quan hành pháp, tư pháp - đòi hỏi họ phải thượng tôn pháp luật. Cho nên, đặc điểm nổi bật của nghề Luật sư là phấn đấu không mệt mỏi đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng.
Tư duy chưa đặt trong bối cảnh đổi mới thể chế đang là yêu cầu cấp bách hiện nay
Đổi mới thể chế là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập hiện nay. Vấn đề đổi mới thể chế trở thành yêu cầu cấp bách, bức xúc đối với cả hệ thống, đòi hỏi mọi tổ chức, tầng lớp trong xã hội đồng lòng tham gia một cách tích cực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tầng lớp mình.
Đến nay, các nhà hoạch định chính sách còn đang tranh luận về thời gian và tốc độ cải cách, và nền kinh tế tiếp tục đi chậm hơn xu hướng. Trong đó, vấn đề nghiêm trọng nhất là chậm cải cách doanh nghiệp nhà nước, khi các doanh nghiệp này chiếm 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp 37,38% GDP. Rõ ràng, điều cần nhanh chóng tháo gỡ là, để đẩy nhanh tốc độ cải cách thì cần kiên quyết để các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả phá sản - vì điều này sẽ giúp chúng ta tận dụng hết tiềm năng của mình và đạt được tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm tới. Bởi lẽ, thông qua các cải cách để thúc đẩy việc hình thành một hệ thống tài chính có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tăng trưởng. Tình hình cho thấy, chậm đổi mới thể chế kinh tế thì khó khăn tăng gấp bội phần do nội lực vốn đã yếu lại không thể huy động tối đa cho sự tăng trưởng và pháp triển kinh tế. Trước những thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn nội tại như nêu trên, kinh tế vĩ mô của nước ta sẽ tiếp tục chậm phục hồi nếu chúng ta chậm khắc phục những khó khăn nội tại và không có bước đổi mới mang tính đột phá.
Việc nâng cao vai trò của đội ngũ Luật sư trong đổi mới thể chế có ý nghĩa thiết thực đối với chính sự nghiệp của các Luật sư. Bởi lẽ, với thể chế hiện hành thì hành pháp luôn mạnh hơn và tư pháp ở thế yếu hơn, nên ngay cả tòa án chưa thực sự bảo đảm công lý cho mọi người được, thì các Luật sư không thể có điều kiện hành nghề một cách thực sự đúng với kỳ vọng của xã hội - là một thành tố bảo đảm công lý cho người dân. Chỉ xin nêu một khía cạnh, thể chế hiện hành không bảo đảm thực sự sự có mặt của Luật sư ngay từ đầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên dẫn đến tình trạng oan sai khá phổ biến và nguy hiểm như hiện nay.
Đã có lần, trong buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã nhấn mạnh: Bảo vệ công lý là bảo vệ uy tín chế độ. Luật sư là một thiết chế độc đáo của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Luật sư là một trong ba thành phần của hệ thống tư pháp, trong đó vai trò của công tố là buộc tội, Luật sư giữ vai trò gỡ tội, và để trên cơ sở đó quan tòa mới phán xét được công bằng, khách quan. Vì thế, nâng cao vai trò của đội ngũ Luật sư trong đổi mới thể chế có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm công lý, trong việc phòng ngừa và hạn chế các vi phạm, sai sót của quá trình điều tra, xét xử các loại vụ án. Đó cũng là một mặt của việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp được thực hiện thực sự trong đời sống.
Trong đổi mới thể chế, đổi mới thể chế kinh tế là nội dung quan trọng trong giai đoan hiện nay, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trước những thách thức của thời cuộc. Đội ngũ Luật sư có vị thế đặc biệt trong vấn đề này do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên tiếp cận với những bất cập, xung đột trong đời sống kinh tế.
Trong xã hội, ít tầng lớp xã hội nào khác có điều kiện và cơ hội tiếp cận, đụng chạm đến các gay cấn, bức xúc trong các quan hệ kinh tế và dân sự như các Luật sư. Bởi lẽ, thông qua bốn loại hình hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định tại Chương III của Luật Luật sư, các Luật sư dường như hàng ngày đều bắt gặp các tình huống có xung đột trong các quan hệ về tài sản, kinh doanh, thương mại, lao động.
Khi tham gia hoạt động tố tụng, với tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hay người đại diện trong các vụ án hình sự hay tranh chấp dân sự hoặc các yêu cầu dân sự, hôn nhân - gia đình, các Luật sư đều ít nhiều đụng chạm đến vấn đề tài sản, kinh doanh, thương mại nên đương nhiên họ đụng chạm đến các xung đột, gay cấn về kinh tế trong vụ việc cụ thể. Khi làm tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý hay đại diện ngoài tố tụng thì các Luật sư đụng chạm trực tiếp và trên diện rộng hơn nhiều vấn đề áp dụng pháp luật, trực tiếp đụng chạm đến nhiều vấn đề hoạt động hành pháp của cơ quan nhà nước có liên quan trong suốt thời gian thực hiện một hợp đồng tư vấn hay hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Trong bối cảnh đó, nếu nhìn nhận thấu đáo thì phải dứt khoát coi nhiệm vụ phát triển các dịch vụ pháp lý như một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng để quản lý sự phát triển của nó - chứ không thể coi rằng chỉ là “bán kinh doanh”. Đòi hỏi khách quan này trước hết phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ công chức nhà nước có liên quan và các tổ chức nghề nghiệp của Luật sư, cả về tổ chức và thể thức hoạt động.
Chưa tương xứng với tiềm năng đội ngũ Luật sư
Trên thực tế, đội ngũ Luật sư Việt Nam gần đây đã tăng trưởng về số lượng và chất lượng, đã đóng góp vai trò đáng kể trong việc kiến nghị khắc phục các sai lệch trong áp dụng pháp luật tại các phiên tòa hay trong các kiến nghị gửi các cơ quan nhà nước có liên quan trong các quan hệ kinh tế - dân sự khi thực hiện các hợp đồng tư vấn pháp luật, hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, vai trò này còn hạn chế do tính chất đơn lẻ của từng kiến nghị về từng vấn đề cụ thể và chủ yếu nhằm khắc phục các vướng mắc trong áp dụng pháp luật cụ thể về hành chính, dân sự, lao động, thương mại, đầu tư,… Các kiến nghị đó cũng chưa được tổng hợp, đánh giá để thành sáng kiến pháp luật hay tờ trình để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp tiếp thu, nghiên cứu nhằm tạo được bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng. Thời gian qua có một số kiến nghị của Luật sư gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc bảo đảm nguyên tắc pháp chế đối với việc xét xử hay áp dụng pháp luật trong một số vụ án cụ thể, như vụ Bầu Kiên, vụ Huyền Như. Song, các kiến nghị này vẫn mang tính đơn lẻ mà chưa thể hiện được vai trò của đội ngũ luật sự trong đổi mới thể chế kinh tế. Ngoài một số kiến nghị trong một số trường hợp cụ thể như đề cập ở trên, các Luật sư chưa hề có những sáng kiến lập quy theo kịp những đòi hỏi của đời sống. Các Luật sư thường chỉ vận dụng các quy định pháp luật hiện tại, chứ không mấy khi đặt vấn đề xem lại quy định ấy có hợp lý không, có thực sự phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống để tạo cơ chế thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Và trước quy định bất cập của pháp luật, không mấy người Luật sư quan tâm đấu tranh để loại bỏ quy định bất cập ấy. Thực tế cho thấy, vai trò của đội ngũ Luật sư trong đổi mới thế chế chưa xứng tầm với đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội.
Đến nay, cả nước có 63 Đoàn Luật sư ở các tỉnh với hơn 15.000 Luật sư đang hành nghề trên nhiều lĩnh vực. Với đội ngũ hùng hậu như hiện nay, các Luật sư hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn hơn nhiều trong hoàn thiện thể chế kinh tế, xét cả trên 3 phương diện: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật hoàn toàn có thể kết nối thường xuyên với Đoàn Luật sư các tỉnh để làm cho các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội đã ghi nhận ý kiến đóng góp của giới Luật sư. Các cơ quan nhà nước trước khi ban hành các văn bản pháp quy cũng làm tương tự thì về mặt hành pháp sẽ tốt hơn rất nhiều. Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể chủ động trong việc huy động đội ngũ Luật sư tham gia tích cực hơn theo các chương trình làm luật của Quốc hôi, đóng góp các sáng kiến lập quy đối với các cơ quan hành pháp trong giai đoạn hướng dẫn thi hành luật và giai đoạn điều chỉnh, sửa đổi các quy phạm để làm cho thể chế phù hợp hơn với đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội. Mặt khác, có thể hình thành cơ chế kết nối thường kỳ giữa tổ chức Luật sư với tòa án các cấp, các cơ quan tư pháp nhằm bảo đảm công lý cho mọi người, ngay từ khởi đầu đối với các vụ việc kinh tế - dân sự, hay hình sự.
Có thể không phải là mong muốn của họ, nhưng khi cơ quan nhà nước đưa nghề Luật sư vào nhóm bổ trợ tư pháp thì vô hình trung đã hạ thấp vị thế của Luật sư, nên không thể khai thác tiềm năng của đội ngũ này cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó, họ “nhốt chung vào một chuồng”: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp… Đó là cách “nhà nước hóa” nhiều lĩnh vực của xã hội, trái ngược với chủ trương “xã hội hóa” đã được ghi nhận trong các chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay - khi chúng ta đã khẳng định nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Cho nên, nhu cầu phát triển xã hội đòi hỏi phải đưa dịch vụ pháp lý đúng tầm của nó để phát huy, khai thác mọi nội lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà công nghiệp 4.0 ập đến, khi mà cơ hội và thách thức dồn dập như vũ bão đến và đại dịch Covid-19 lan tràn khắp nơi khiến thị trường chao đảo, giảm sút và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu, khi đang qua năm 21 của thế kỷ 21.
Về nhận thức, không xem nhẹ chức năng xã hội của Luật sư - như ý kiến Bảo vệ công lý là bảo vệ uy tín chế độ nêu trên đây - nhưng cần làm sao để cộng đồng và nhất là các công chức nhà nước thấy rõ thuộc tính căn bản của nghề Luật sư là một nghề “lao tâm khổ tứ”. Từ đó mà có sự nhìn nhận và lập chương trình khai thác tiềm năng của đội ngũ Luật sư cho xứng tầm một lực lượng phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường và một thành tố quan trọng trong xây dựng và vận hành hiệu quả nhà nước pháp quyền như ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu trên đây.
Pháp luật hiện hành đã quy định hoạt động pháp luật là ngành kinh doanh
Qua mấy chục năm thực thi chức trách của một tư vấn viên pháp luật, chúng tôi thấy rõ mình đã luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để đưa pháp luật vào đời sống của họ, hỗ trợ họ xử lý, giải quyết bao chuyện éo le, phức tạp, mắc mứu họ đã gặp phải để cùng họ hướng tới và đạt được một phương án tốt nhất có thể. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chỉ là một phần, vai trò trọng yếu của tư vấn viên pháp luật chính là ở chỗ hỗ trợ - đưa ra lời khuyên - giúp họ giải quyết và tổ chức cuộc sống sao cho “thấu tình, đạt lý” hoặc hoạt động kinh doanh đạt cả hai yêu cầu hiệu quả và an toàn, dựa trên cơ sở pháp luật. Các Luật sư thì chắc chắn phải ở tầm cao hơn thế rất nhiều.
Theo quy định, nghề Luật sư là ngành nghề có điều kiện theo phụ lục đính kèm Luật Đầu tư, được điều chỉnh bởi Luật Luật sư. Trong khi đó, nghề hoạt động pháp luật nằm trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, mã ngành 6910, được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Luật Luật sư chỉ điều chỉnh nghề Luật sư, không điều chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật và đại diện. Hoạt động tư vấn pháp luật được điều chỉnh bởi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, còn hoạt động đại diện được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Do đó, không chỉ có Luật sư mới được làm hoạt động pháp luật. Có rất nhiều cá nhân, pháp nhân thường xuyên tư vấn pháp luật, như ở các trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm tư vấn pháp luật - đó đích thực là hoạt động pháp luật rộng khắp ở nhiều vùng lãnh thổ, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa và trên nhiều lĩnh vực: dân sự, hành chính, thương mại,...
Bởi vậy, pháp luật hiện hành quy định mã ngành của hoạt động pháp luật khá rộng, từ mã ngành 69101 đến các số mã ngành khác nữa. Trong đó, mã ngành 69101 quy định nhóm hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật và bao gồm đại diện pháp lý cho quyền lợi của một bên đối với bên kia, dù có trước tòa hoặc hội đồng xét xử khác hay không, hoặc có sự giám sát của những người là thành viên của tòa về tư vấn và đại diện trong vấn đề dân sự; tư vấn và đại diện tội phạm hình sự; tư vấn và đại diện có liên quan đến các vụ tranh chấp về lao động; thống nhất các điều khoản, thỏa thuận hợp tác hoặc các tài liệu tương tự liên quan đến thành lập doanh nghiệp.
Mã ngành 69102 quy định nhóm việc hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý và bao gồm: thống nhất các điều khoản, thỏa thuận hợp tác hoặc các tài liệu tương tự liên quan đến thành lập công ty; hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý liên quan đến bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, quyền tác giả; các hoạt động liên quan đến các thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, các văn bản thừa kế, di chúc,… và chuẩn bị tài liệu pháp lý liên quan đến các thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản (trừ chữ ký người dịch).
Pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng như thế thì sao lại gọi Luật sư là nghề bán kinh doanh!? Trong nhận thức còn ngập ngừng hay lưỡng lự thì làm sao có thể đưa hoạt động Luật sư lên đúng tầm của nó.
Giải pháp nào để đáp ứng đòi hỏi thực tế
Kinh tế thị trường ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai nên khối lượng và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế đòi hỏi tập hợp trí tuệ của đội ngũ Luật sư góp sức vào công cuộc cải cách thể chế kinh tế. Phải chăng, đó là một nội dung quan trọng cần quan tâm trong chiến lược phát triển Luật sư, cũng như chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. Song đó là một việc đầy gian khó và không thể sớm đến như mong đợi.
Về phần mình, tin rằng Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoạch định chiến lược để đưa ra lộ trình phù hợp; còn bản thân cá nhân mỗi Luật sư có thể hình thành chương trình hành động riêng. Xin được gợi mấy thiển ý như sau:
Thông qua bốn loại hình hoạt động theo quy định của Luật Luật sư, các Luật sư cần chủ động ghi chép, tổng hợp thành sổ tay cá nhân về những bất cập của hệ thống pháp luật và qua trình thi hành pháp luật mà Luật sư đã tiếp cận được trong từng giai đoạn hành nghề để đề xuất theo từng chủ đề về đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thiết thực và sát hợp.
Cần hình thành chương trình sao cho Đoàn Luật sư các tỉnh kết nối được thường xuyên với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mình để đóng “vai trò tư vấn” theo chuyên đề phù hợp với kế hoạch làm luật của Quốc hội, nhằm đưa trực tiếp các ý kiến đóng góp của các Luật sư vào các dự thảo luật theo kết quả từ các sổ tay cá nhân của Luật sư về các bất cập, xung đột pháp luật họ đã tập hợp trong quá trình hành nghề.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể lập chương trình để hàng năm tổ chức một số cuộc hội thảo phù hợp với chương trình làm luật của Quốc hội của năm đó, nhằm tập hợp, phản ánh các đề xuất, như một phần sáng kiến lập quy, góp phần chuyển tải trí tuệ của đồi ngũ Luật sư làm sáng tỏ cơ sở thực tiễn của các nội dung dự thảo các đạo luật trước khi đưa ra thông qua tại kỳ họp Quốc hội.
Thông qua tổ chức hành nghề của mình, mỗi Luật sư có thể tự giải phóng mình khỏi các lo toan thường nhật để giành công sức, thời gian thỏa đáng cho công việc góp sức đổi mới thể chế hiện hành với hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thượng tôn pháp luật trong đời sống.
Nên chăng, Tạp chí Luật sư Việt Nam nên mở thường xuyên trang chuyên đề “Luật sư với đổi mới thể chế” nhằm tập hợp trí tuệ của đội ngũ Luật sư tham gia lĩnh vực trọng yếu này và tổ chức tổng kết chuyên đề hàng năm nhằm đánh giá đầy đủ vai trò của Luật sư trong đổi mới thể chế và đúc kết các vấn đề có tính đột phá về học thuyết nhà nước pháp quyền ở Việt Nam để làm cho Tạp chí xứng tầm là cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Tin rằng, nếu thực sự nâng cao vai trò trong đổi mới, hoàn thiện thể chế thì đội ngũ Luật sư sẽ góp phần làm cho công lý ngày càng sáng tỏ, quyền và nghĩa vụ của công dân không chỉ được xác lập trong chủ trương, chính sách hay trên văn bản mà ngay trong thực tiễn cuộc sống. Và chính đội ngũ Luật sư thực sự là một lực lượng phát triển kinh tế dịch vụ với sự tăng trưởng doanh thu của mỗi tổ chức hành nghề Luật sư, cũng như đóng góp vào GDP với tỷ lệ ngày một cao hơn.
Luật gia PHAN VĂN TÂN
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật