Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.
Về vấn đề này, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, ngược đãi người lao động là một hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ lao động. Vấn đề xem xét, xác định cũng như xử lý hiệu quả những hành vi đó sẽ góp phần xây dựng một quan hệ lao động ổn định, bền vững giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ngược đãi là hành vi làm hại hay kiểm soát người khác, ngược đãi có thể là ngược đãi về cơ thể, lời nói hoặc cảm xúc. Tất cả các hình thức ngược đãi đều có thể gây ra tổn thương và những sang chấn tâm lý cho nạn nhân.
Trong quan hệ lao động, người lao động thường là người yếu thế và có thể là đối tượng của ngược đãi lao động. Do đó, khi nghiên cứu và xây dựng các quy định về ngược đãi lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 xác định đây là hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động, tức là những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Bộ luật Lao động 2019 không quy định rõ về các hành vi ngược đãi người lao động nhưng theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật này thì ngược đãi người lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Điều 164 Bộ luật lao động 2019 cũng quy định người giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.
Mức xử phạt hành vi ngược đãi người lao động
Tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần.
Bên cạnh đó, hành vi ngược đãi người lao động đến một mức độ nhất định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội "Cưỡng bức lao động", người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động tùy vào từng trường hợp có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, phạt tù đến 7 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
LINH NHI
Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình những bất hợp lý từ thực tiễn và kiến nghị