Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về quyến sử dụng đất

10/11/2020 21:51 | 3 năm trước

(LSVN) - Bài viết dưới đây xin phân tích và nhấn mạnh một số vấn đề mà Thẩm phán cần lưu ý phải đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi giải quyết vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất vào tham gia tố tụng.

Ảnh minh họa.

Một trong những lý do bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất thường hay bị Tòa án cấp có thẩm quyền hủy là do Tòa án không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án. Vậy theo quy định của pháp luật, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng trong trường hợp nào. Và khi giải quyết vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, Thẩm phán cần lưu ý phải đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án trong những trường hợp cụ thể nào.

1. Quy định của pháp luật về đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là “Người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Cũng theo quy định này thì “Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự nói chung, vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất nói riêng được tham gia tố tụng trong các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do đương sự đề nghị. Nghĩa là, khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn ghi tên của họ vào trong đơn khởi kiện tại mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hoặc trong quá trình giải quyết, đương sự trong vụ án đề nghị Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp đương sự đề nghị thì phải được Tòa án chấp nhận.

Ví dụ: Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cho rằng phần đất tranh chấp mà bị đơn đang trực tiếp sử dụng là được ông X chuyển nhượng nhưng chỉ làm giấy tay. Do đó, bị đơn đề nghị Tòa án đưa ông X vào tham gia tố tụng để làm rõ phần đất tranh chấp là của ai, việc ông X chuyển nhượng đất cho bị đơn có đúng không..

Trường hợp thứ hai, tự người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị với Tòa án. Nghĩa là, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, họ biết việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ nhưng không có được sự đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng hoặc Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án thì họ có quyền đề nghị Tòa án xem xét đưa họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này cũng phải được Tòa án chấp nhận.

Ví dụ: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà X có nghe nguyên đơn và bị đơn đang tranh chấp quyền sử dụng đất và đang được Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, phần đất tranh chấp bị đơn trước đó đã đem cầm cố cho bà X một số tiền. Vì vậy, nguyên đơn đòi lại đất này là ảnh hưởng tới quyền lợi của bà nên bà X làm đơn gửi Tòa án đề nghị đưa bà tham gia tố tụng trong vụ án để đảm bảo quyền lợi của bà X.

Trường hợp thứ ba, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do Tòa án đưa vào tham gia tố tụng. Đây là trường hợp khi giải quyết vụ án không đương sự nào đề nghị đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng hoặc không có ai đề nghị Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ đất tranh chấp thì được biết trên đất tranh chấp có một căn nhà do ông Y đang ở. Phần đất này theo ông Y là do bị đơn cho ông. Vì vậy, Tòa án phải đưa ông Y vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Một số trường hợp cụ thể Tòa án phải đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng

Thực tiễn cho thấy, bản án bị hủy do không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất thường rơi vào trường hợp thứ ba như đã trình bày ở trên. Đây là sai sót của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Do đó, khi giải quyết vụ án, Thẩm phán cần lưu ý đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một số trường hợp cụ thể sau:

Thứ nhất, đất tranh chấp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và do hộ gia đình canh tác, sử dụng. Như vậy, khi thuộc trường hợp này, Thẩm phán cần phải đưa tất cả thành viên trong hộ gia đình của bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bên đang trực tiếp canh tác, sử dụng đất đang tranh chấp vào tham gia tố tụng. Thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất thì Tòa án thường đưa người từ đủ 15 tuổi trở lên vào tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải trường hợp nào các thành viên trong hộ cũng có chung sổ hộ khẩu mà có thể họ có gia đình và tách riêng hộ khẩu. Do đó, ngoài việc kiểm tra tại thời điểm giải quyết, Thẩm phán cần phải xác minh làm rõ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm những ai, để đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án mặc dù họ đã tách riêng hộ khẩu. Một lưu ý nữa là, có trường hợp tại thời điểm thụ lý có thành viên trong hộ chưa đủ 15 tuổi nên Thẩm phán không đưa họ vào tham gia tố tụng nhưng do việc giải quyết vụ án cần xác minh thu thập chứng cứ kéo dài thời gian giải quyết nên khi đưa vụ án ra xét xử họ đã trên 15 tuổi thì Thẩm phán phải đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án.

Thứ hai, đất tranh chấp do bên thứ ba đang trực tiếp canh tác, sử dụng. Việc canh tác, sử dụng đất của bên thứ ba là do được cho mượn hoặc cho thuê, chuyển nhượng hoặc là hộ có đất giáp ranh đất tranh chấp. Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán cần làm rõ đất tranh chấp hiện do ai đang trực tiếp canh tác sử dụng, nếu không phải là thành viên trong hộ của nguyên đơn, bị đơn thì phải đưa họ vào tham gia tố tụng. Sai sót này thường xảy ra trong trường hợp, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, đương sự cho người thứ ba mượn, thuê hoặc chuyển nhượng chỉ viết giấy tay mà không thông báo cho Thẩm phán biết hoặc khi xem xét thẩm định tại chỗ đất tranh chấp thể hiện một phần đất tranh chấp do hộ khác có đất giáp ranh đang sử dụng. Khi xét xử, Thẩm phán không phát hiện và không hỏi làm rõ vấn đề này tại phiên tòa.

Thứ ba, đất tranh chấp thế chấp tại ngân hàng. Đất tranh chấp mà đương sự đã thế chấp cho ngân hàng từ trước. Một số trường hợp, Thẩm phán chủ quan chỉ dựa vào bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đương sự giao nộp mà không yêu cầu họ nộp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định nên không phát hiện đất đang thế chấp tại ngân hàng. Hoặc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, bằng cách nào đó, đương sự vẫn thế chấp để vay vốn tại ngân hàng mà đương sự không thông báo cho Thẩm phán biết. Do đó, khi giải quyết vụ án (trong thời gian chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa), Thẩm phán cần làm rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thế chấp ngân hàng không để đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cần lưu ý là không đưa phòng giao dịch hoặc chi nhánh của ngân hàng vào tham gia tố tụng. Vì các cơ quan này không phải là pháp nhân.

Thứ tư, trên đất tranh chấp có tài sản của người thứ ba. Xem xét, thẩm định tại chỗ là thủ tục tố tụng và yêu cầu bắt buộc Thẩm phán phải thực hiện khi giải quyết vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất. Một số trường hợp, trên đất tranh chấp ngoài tài sản của nguyên đơn hoặc bị đơn còn cò tài sản của người thứ ba như: nhà, giếng, cây…nên phải đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tài sản này có thể hình thành trước khi các bên tranh chấp hoặc trong quá trình Tòa án giải quyết. Do đó, Thẩm phán cần lưu ý hỏi đương sự để làm rõ tài sản trên đất tranh chấp là của ai trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa.

Thứ năm, đất tranh chấp có một phần diện tích nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên thứ ba ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn. Một số trường hợp, khi xem xét thẩm định tại chỗ thì phần đất nguyên đơn yêu cầu ngoài diện tích nằm trong diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn còn có diện tích đất nằm trong chứng nhận quyền sử dụng đã cấp cho bên thứ ba mà không phải là nguyên đơn hoặc bị đơn. Trong trường hợp này, Thẩm phán cũng phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghịa vụ liên quan. Nếu đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ho hộ gia đình thì đưa thành viên trong hộ như trường hợp thứ nhất.

Thứ sáu, đất tranh chấp cấp chứng nhận quyền sử dụng đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn nhưng theo tư liệu địa chính trước đó thì do người khác kê khai, đăng ký trên sổ mục kê hoặc là sổ bộ địa chính… Trường hợp này, Thẩm phán cần đưa họ vào tham gia tố tụng để làm rõ ý kiến của họ có tranh chấp hay yêu cầu không đối với phần đất mà nguyên đơn và bị đơn đang tranh chấp.

Thứ bảy, có đương sự yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn. Khi giải quyết vụ án, Thẩm phán cần lưu ý và thực hiện đúng quy định tại khoản 1, 3 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết;…;3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Thứ tám, nguyên đơn hoặc bị đơn đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đất tranh chấp đang “cầm cố” cho bên thứ ba. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có ngân hàng mới được quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp, người dân đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà mình được cấp “cầm cố” cho người khác một số tiền trong một thời gian nhất định. Do đó, khi giải quyết vụ án, Thẩm phán cũng cần lưu lý hỏi đương sự bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phần đất tranh chấp hiện do ai đang giữ. Nếu họ khai là đã đem “cầm cố” cho người khác thì Thầm phán cần đưa người đang “cầm cố” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Kết luận: Đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đầy đủ trong vụ án không chỉ là việc Thẩm phán đã thực hiện đúng thủ tục tố tụng do pháp luật quy định mà còn đảm bảo quyền và lợi ích của họ khi Tòa án giải quyết vụ án. Cũng như là hạn chế được việc bản án bị Tòa án cấp trên hủy khi có kháng cáo, kháng nghị.

Bài viết trên đây chỉ nhằm chia sẽ kinh nghiệm cá nhân rút ra từ thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất. Vậy nên, tác giả rất mong bạn đọc, đồng nghiệp chia sẽ thêm kinh nghiệm để việc giải quyết vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án.

DƯƠNG TẤN THANH
TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
/du-am-dac-biet-ve-khoa-boi-duong-chuyen-mon-nghiep-vu-luat-su-tai-thanh-hoa.html