Nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của ngày Tết Nguyên Đán

09/02/2024 16:48 | 7 tháng trước

(LSVN) - Đã có nhiều nghiên cứu về Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả) được công bố để giải mã về nguồn gốc, ý nghĩa của dịp lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Ấy thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về thì vấn đề nguồn gốc của Tết, ý nghĩa và những biến đổi của Tết lại luôn là chủ đề nóng trên các diễn đàn. Bài viết này của tôi sẽ cung cấp thêm cho độc giả một số cách nhìn về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên đán - Tết Cả của các học giả tiền nhân.

Ảnh minh họa.

Cho đến nay, vẫn còn có nhiều nguồn thông tin, quan điểm khác nhau về nguồn gốc của Tết Cả hay còn gọi là Tết Nguyên đán. Nguyễn Văn Huyên trong tác phẩm “Hội hè lễ tết của người Việt” cho rằng: “Tết hay ngày đầu năm của vùng châu Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa là một ngày lễ mà mọi người Việt Nam đều cử hành vô cùng trọng thể, với một sự nhất trí đáng cảm động” (1). Ông lý giải nguyên nhân này là bởi vì: “Ta biết rằng, ở nước ta, cũng như ở nước Trung Quốc láng giềng, việc phân chia thời gian dựa trên sự vận hành của mặt trăng. Mỗi tháng bắt đầu vào một ngày của tuần trăng mới. Và năm cũng khởi đầu vào tuần trăng mới đầu tiên tiếp theo lúc mặt trời ra khỏi chí tuyến Nam, dấu hiệu sau cùng của ba dấu hiệu mùa đông. Như vậy, Tết vừa theo sự vận hành của cả mặt trời lẫn mặt trăng. Nó mở đầu mùa xuân và, như vậy, bao giờ nó cũng rơi vào giữa hạ tuần tháng Giêng dương lịch và trung tuần tháng Hai dương lịch” (2). 

Bùi Xuân Đính trong Bách khoa thư làng Việt cổ truyền đã viết về Tết rằng: “Là tết lớn nhất trong năm, nên còn gọi là Tết Cả” (3). Ông không giải thích về nguồn gốc của Tết mà chỉ ra vài ý nghĩa, giá trị của Tết như: Tết là sự mới lại (Trần Quốc Vượng - tức là chữ mà Bùi Xuân Đính dùng của Trần Quốc Vượng - PMT) và mới hơn; Tết là đoàn viên, đoàn tụ; Tết thể hiện cho sự no đủ và mong muốn được no đủ; Tết là dịp tri ân; Tết là giữ gìn và cuối cùng thì Tết là hóa giải, khoan dung (4). 

Còn Toan Ánh thì triết giải rằng: “Tết Nguyên Đán là tết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mở đón xuất sang. Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến và bao nhiêu những điều đen tối, không may của năm cũ đều theo năm cũ mà hết. Theo sử Trung Quốc, âm lịch có từ đời nhà Hạ và lấy tên mười hai chi đặt cho mười hai tháng. Tháng Dần là tháng Giêng được chọn làm tháng đầu năm và người ta ăn Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần. Về sau đến đời nhà Ân, có thay đổi, lấy tháng Sửu làm tháng đầu năm, rồi đến đời nhà Chu sửa lại lấy tháng Tý. Sang đến đời nhà Tân, Tần Thủy Hoàng lại sửa nữa, lấy tháng Hợi, nhưng đến đời Hán Vũ Đế, đầu năm lại bắt đầu từ tháng Dần như đời nhà Hạ, và từ đó không có sự thay đổi nữa. Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua  tươi, khiến cho con người cũng hầu như biến đổi và tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả” (5). Như vậy, với cách diễn giải về lịch này thì Toan Ánh cũng đã chỉ ra rằng nhiều tục lệ của Tết Nguyên Đán có ảnh hưởng, nguồn gốc từ Trung Hoa, dù ông đã không gọi thẳng ra điều đó.

Cũng tương tự như Toan Ánh, Phan Kế Bính cũng khá ý nhị khi không nói thẳng ra ngay từ đầu, rằng, Tết có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng trong phần diễn giải về Tết, ông đã chỉ ra sự du nhập, tiếp biến văn hóa Trung Hoa trong các tục lệ của Tết rằng: “Nhiều nhà trước cửa có dán tranh quan tướng, hoặc dán bốn chữ “Thần trà Uất Lũy”. Điển này do ở trong Phong tục thông có nói rằng: Ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai ông thần, gọi là Thần trà Uất Lũy, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỷ sợ mà không dám vào cửa” (6). Hay: “Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác. Hoặc: “Trong mấy hôm Tết, ngày nào cũng đốt pháo. Điển đốt pháo do ở Kinh sở tuế thời ký có nói rằng: Sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì người sinh đau ốm, nó chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó không dám đến. Nhưng tục ta thì cho tiếng Pháo là tiếng vui mừng chớ không có ý để trừ quỷ” (7). 

Như thế, có thể thấy rằng, Tết Nguyên Đán - Tết Cả, có nhiều nét mang màu sắc văn hóa Trung Hoa. Chúng ta không thể phủ nhận điều này, bởi trải qua hằng nghìn năm bang giao thì sự du nhập, tiếp biến những nét văn hóa của nhau là điều đương nhiên. Nhưng không phải là nếu không có sự du nhập từ văn hóa Trung Hoa thì người Việt sẽ không có Tết. Người Việt có Tết của mình. GS Trần Quốc Vượng viết: “Hệ sinh thái nông nghiệp RVAC (ruộng - vườn - ao - chuồng - trại) với trung tâm là nghề nông trồng lúa nước: Đó là nền tảng kinh tế của lễ hội dân gian Việt Nam. Không gian lễ hội: Trời - Đất - Nước. Thời gian lễ hội: Theo nhịp điệu mùa. Chuỗi chu kỳ nông vụ - nông nhàn. Các “nút” của chuỗi chu kỳ đó: Lễ hội - Hội mùa. Từ đó mà cắt nghĩa và sắp xếp: Lễ hội đầu vụ Mùa (tháng 4) đầu mùa mưa (xuống đồng) - Lễ hội cuối vụ Mùa (tháng 10) đầu mùa khô (lên đồng) Tết cơm mới và sau đó là mùa săn. Giữa tháng 4 và tháng 10, giữa đầu vụ và cuối vụ, cày cấy xong chưa gặt: Tương đối nông nhàn, trung nguyên, trung thu, hội trống quân, ví đúm. Lễ hội mùa Thu, sau khi cày cấy xong vụ chiêm: Tết cả (nguyên đán) - nông nhàn tháng Hai tháng Ba: Lễ hội mùa Xuân” (8). Như vậy, theo ông, thì cách tính thời gian của người Việt (Việt Nam) là cách tính theo thời vụ/mùa vụ của sản xuất nông nghiệp. Nên Tết Cả cũng mang ý nghĩa của một dịp lễ hội cầu mùa - tức là cầu cho sự sanh sôi, nảy nở,  của sự âm - dương (giời - đất) giao hòa, của sự đực - cái phối ngẫu, để được mùa, để phát đạt và/ hay phát triển. Cho nên, ông nói: “Xuân là cái đẹp của thuở ban đầu, như mùa xuân là buổi khởi sinh của một chu kỳ năm tháng! Con người ngày trước, trong nền văn minh nông nghiệp, trong tổ chức xã hội xóm làng, sống về điều khiển nhịp điệu sống sát hợp với chu kỳ sinh trưởng của thế giới cỏ cây. Mà cỏ cây thì “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng”. Mùa xuân, cây cỏ nảy lá, đâm chồi, vì “tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc”, rồi sang hè thì nở hoa, sang thu lại ngậm đông, kết trái, để cho con người bước vào mùa hái lượm, và qua cái Tết cơm mới tháng mười mà vào đông với bồ bịch dự phòng. Đến đây, “tháng một, tháng chạp đã nên công hoàn toàn”… Nói chung chung là thế. Thực ra, ở một xứ nhiệt đới - gió mùa - ẩm ướt như nước ta, rừng cây, nương vườn, đồng ruộng có khả năng tươi xanh quanh năm, do kết quả của tự nhiên phong phú và đa dạng, kết hợp với đức tính cần cù lao động, “hai sương một nắng” của con người. Dù dao, mỗi loại cậy đề có chu kỳ sinh trưởng, và những chủ nhân của một nền văn minh nông nghiệp phải bố trí một cơ cấu trồng trọt theo một chu kỳ nhất định, với những bước, những chặng, những thời vụ liên tiếp nhau, có khi gối lên nhau, những tựu trung, vẫn trải ra theo một thứ tự nhất định trên vòng quay của “trời đất”. Cho nên thời gian, theo quan niệm của nông dân, có thể gọi là “thời gian nông thôn” - một thời gian chu kỳ (temps cycilque), gồm nhiều thời đoạn trải tra trên chu kỳ đó” (9). Và rằng: “Hội xuân, hội thủ - có nhiều cách gọi: tết, lễ, hội, lễ hội, hội hè, đình đám, hay, chung rộng hơn, hội hè - đình đám, là một cách sử dụng thời gian nông nhàn theo mùa, theo vụ. Nhịp sống xóm làng xưa, điệu sống canh nông cổ truyền thiết yếu dựa trên một chu kỳ bao gồm lao động và lễ hội, hai hiện tượng xã hội luân phiên nhau trong không gian và thời gian của thôn xóm. Mùa này sang mùa khác, khi công việc nhà nông đã tương đối “nên công hoàn toàn”, ta tạm nghỉ một vài hôm, làm cỗ cúng tổ tiên - thờ cúng tổ tiên vốn là tín ngưỡng sâu thẳm nhất của tâm thức nông dân. Để ăn (có khi ăn uống quá độ) và để chơi (có khi chơi bời thái quá). “Ăn chơi” trong một khoảng thời gian, ngắn ngủi thôi, nhưng cũng dễ cực đoan, rồi lại làm lụng “hai sương một nắng”, “dãi gió dầm mưa”… Ăn lối xưa, có nhiều cách: ăn tết, ăn giỗ, ăn cưới, ăn đám… và tháng hoặc, còn có cả “ăn nằm” (10). Như thế, Tết Cả là sự kiện đánh dấu ““Kết thúc một chu kỳ nông nghiệp cũ để mở màn cho một chu kỳ mới” (11), “lùi về thời điểm bình minh trước tạo thiên lập địa” (12), để từ đó mà chuyển đổi, mà hồi sinh, mà trẻ lại, mà đổi mới… “trên dòng chảy không dứt của cuộc sống” (13). Đó là ý nghĩa, có thể nói là một khía cạnh của “triết lý” tết Cả thời xưa” (14). 

Các huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ dân gian cũng đã phản ánh cái nguồn gốc của Tết Cả mang tính thuần Việt như Truyện Lang Liêu (hay còn gọi là Truyện bánh chưng), sự tích Táo Quân, hay sự tích ngày Tết,… chẳng hạn. Truyện Lang Liêu (Bánh chưng) chép: “Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị Công tử lại mà bảo rằng: - Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân nam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho” (15). Lang Liêu là công tử thứ 9 trong số 22 vị công tử ấy có điều kiện sinh sống khó khăn nhất nên đã được thần nhân giúp sức. Trong giấc mộng của Lang Liêu, vị thần ấy đã mách ông rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được: nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được” (16). Lang Liêu đã làm theo lời của vị thần minh trong giấc mộng ấy và được truyền ngôi. “Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của lang Liêu để gọi là Tiết Liệu” (17). Như thế có thể thấy rằng, Tết Cả vốn đã có từ trước khi văn hóa Trung Hoa được lan truyền sang/vào cộng đồng cư dân Việt. Dù rằng, trong truyện này cũng đã không ít chi tiết có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Đó là lý do để đến thời kỳ quân chủ độc lập, các vương triều quân chủ đều khẳng định rằng: 

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

(Sông núi nước Nam, Nam đế ở,

Rõ ràng phân định tại sách trời.

Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?

Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!)” (18).

của nhà Lý. Hoặc như tuyên bố của Trần Minh Tông rằng: “Nước ra đã có phép tắc nhất định: Vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau” (19). Để rồi đến thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã tuyên bố hùng hồn trong Cáo Bình Ngô rằng: 

“Xét như nước Đại Việt ta,

Thực là một nước văn hiến.

Cõi bờ sông núi đã riêng,

Phong tục Bắc, Nam cũng khác.

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương…” (20).

Cũng có thể lắm, Tết Nguyên Đán nói riêng và các Tết/Tiết khác nói chung có/đều chịu sự ảnh hưởng từ Trung Hoa. Và các truyền thuyết, huyền tích về Tết đã được các sử gia, các nhà Nho thời kỳ quân chủ độc lập Việt hóa, cho nó những yếu tố thuần Việt để xây dựng một biểu tượng Việt. Nhưng dù gì đi chăng nữa, Tết đã trở thành một hợp phần không thể thiếu của văn hóa Việt, bất kể nguồn gốc, và được cộng đồng các cư dân Việt Nam thừa nhận, duy trì, bảo tồn và phát huy.

Vả lại, trong cái bối cảnh sinh tồn luôn bị đe dọa bởi xu thế xâm lấn từ phương Bắc xuống đã hình thành “một ý thức hệ” về sự riêng biệt, độc lập và đối chọi. Nhưng, như Trần Quốc Vượng đã chỉ ra, thì: “Trong cái vùng trời nhỏ bé này, cộng cảm là một nhu cầu bức thiết. Và lễ hội đã góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ” (21). “Đám hội” ngày xưa là một “cộng đồng” thân mật, đoàn kết, chứ không phải là một “đám đông”, một tập hợp xã hội có tính cách nhất thời, trong đó từng con người gần như vô danh, nghĩa là xa lạ đối với nhau, hầu không có ảnh hưởng qua lại với nhau, với hội lễ, con người không chỉ cảm thông lẫn nhau, mà, hơn thế nữa, còn cảm thông và hội nhập với “đất - trời”, với cảnh vật bao quanh: người dân làng tự đồng hóa với bầu trời, với mặt đất quê hương, trong hội lễ của hài hòa vũ trụ (harmonie universelle)” (22).

Văn hóa sinh ra là để phục vụ sự sinh tồn như Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (23). Cho nên, bối cảnh sinh tồn nào thì văn hóa ấy, và khi bối cảnh sinh tồn thay đổi thì văn hóa, phong tục, lễ tết sẽ có sự thay đổi theo để phục vụ, đáp ứng của nhu cầu sinh tồn mới. Và do đó mà Tết Nguyên Đán - Tết Cả, cũng tùy thời mà có sự thay đổi các nghi lễ, tục lệ. Song, như Trần Quốc Vượng đã chỉ ra: “Vòng tròn khép kín của thời gian, mà tết Cả ngày xưa là điểm xuất phát đều kỳ được lặp lại dưới dạng cũ, không còn ứng với một cuộc sống đòi hỏi luôn được mở rộng và đổi nhịp. Tuy nhiên, cái vẫn tươi xanh ở tết Cả, mà chưa một cuốn sách, bộ phim, hay vở kịch nào có thể thay thế ngay, là niềm vui lâng lâng (và, do đó, sâu thấm), trước đổi mới là lòng tin mãnh liệt (vì đã được cắm chặt vào tiềm thức) ở sức sống bất diệt của thiên nhiên và của con người” (24).

Hòa đồng, tiếp nhận cái mới, cái lạ, tốt, để làm giàu đẹp thêm nền tảng văn hóa phục vụ cho sự sinh tồn là một đặc trưng, một truyền thống của cộng đồng các tộc người Việt Nam. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã chỉ ra rằng: “giá trị đạo đức hằng xuyên của người Việt Nam vẫn là “rộng nhà không bằng rộng bụng”, “ăn hết nhiều chứ ở hết mấy” và cái chính là “đường ăn nết ở”, cái thế ứng xử về ăn và về ở, với ta và với mọi người” (25). Trần Quốc Vượng cũng đã chỉ ra rằng, trong/trên cái nền tảng của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước cũng đã sản sinh ra những yếu tố văn hóa nước đặc thù, thành triết lý sống trên, sống cùng, sống với nước và đối chọi với những nguy cơ tiềm ẩn từ nước. Nước dạy cho người ta nhiều điều. “Nước, qua quá trình nghiệm sinh và nội tâm hóa (intériorisé) của người Việt Nam, có lòng đại lượng khoan dung (générosité). Nó thu nhận tất cả vào lòng nhưng đầu vì vậy mà nó trở thành “vô nguyên tắc”!. Tự mình, nước biết “gạn đục khơi trong” như là người Việt Nam vậy. Tiến sĩ H. R. Ferraye cho rằng nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách “không chối từ” (non refus) của nó. Thực ra, nó chỉ có một chối từ: sự đồng hóa cưỡng bức. Còn lại, nó tìm cách dung hòa và hội nhập mọi sở đắc của văn hóa, của Hoa, của Ấn, của Nam đảo, của Ây-Tây… cả ngôn từ và kĩ thuật, cả tôn giáo và nghệ thuật…” (26). Và giống như nước, cộng đồng các cư dân Việt đã biết gạn đục, khơi trong để tiếp nhận cho mình những yếu tố ngoại sinh tốt đẹp mà bồi bổ cho sức mạnh, nền tảng nội sinh. 

Cho nên, theo Trần Quốc Vượng thì: “Hiện nay, chúng ra đang tổ chức lại sản xuất nông nghiệp … bắt đầu và ngày càng đẩy mạnh chuyên vùng, chuyên canh. Cơ cấu trồng trọt được bố trí lại. Chắc chắn nhịp điệu trồng trọt phải thay đổi. Thực ra, nó đang thay đổi, để tiến tới ổn định. Trên nền tảng đó, lịch lễ hội cũng phải thay đổi. Nhưng, trong cái biến dịch, có cái trường tồn. Khi hậu nước ta xưa nay cơ bản vẫn là nhiệt - ẩm, nhịp điệu mùa thiên nhiên vẫn là như vậy. Mùa vụ sản xuất, dẫu có biến đổi nhiều, vẫn phải nương theo nhịp điệu mùa tự nhiên. Cho dẫu ta có ước mơ dần dần biến lao động nông nghiệp thành một dạng của lao động công nghiệp, thì nông nghiệp vẫn chưa sao thoát được tính chất thời vụ (lao động nông nghiệp khác lao động công nghiệp chủ yếu ở chữ “thì”: “nhất thì, nhì thục”. Cho nên nhịp điệu canh nông mới vẫn cần tham chiếu nhịp điệu canh nông cổ truyền. Và, bởi vậy, lịch lễ hội mới vẫn cần tham bác lịch nghỉ lễ cũ. Cần duy trì lễ hội tết Nguyên đán, lễ hội đứng đầu về niên lịch và về tầm quan trọng (tết Cả) cho toàn bộ chuỗi dây chuyền lễ hội xưa. Với biết bao điều bất tiện (cho sản xuất, cho đời sống), kèm theo là biết bao âu lo (của Nhà nước, của từng chủ gia đình…), tết vẫn chưa (và có lẽ không) thể bị xóa bỏ, ở thời đoạn cuối đông - đầu xuân ấy, đã lắng hồn “đất nước ngàn năm”” (27).

Và do đó, “Trong lễ hội dân tộc xưa, không thiếu những cái hay, nhưng cũng còn khối cái dở. Bỏ cái dở, giữ cái hay. Phê phán và chọn lọc. Duy trì một số hình thức lễ hội xưa. Và nhất là duy trì cái tinh túy, cái tinh thần, cái “hồn” của lễ hội xưa. Đó là tình cảm cộng đồng, là tinh thần tập thể. Ở phương Tây, cái “hồn” ấy đã suy vi với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tư bản chủ nghĩa. Ở Việt Nam, cùng với quá trình hợp tác hóa, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tinh thần cộng đồng ấy cần, nên và có đủ điều kiện để được duy trì, sau khi đã trải qua thành lọc, để, từ đà đó, được người nông dân mới phát huy lên, với một chất lượng mới, cao hơn, đẹp hơn trong nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (28). Cái chất lượng mới, cao hơn, đẹp hơn mà GS Trần Quốc Vượng đã nghĩ đến, ngày nay đã và đang hình thành ở nông thôn Việt Nam, với xu hướng mới, giản tiện hơn, ngắn ngày hơn, song cũng hình như là đang trở về với cái ý nghĩa gốc là “nghỉ ngơi” sau những “mùa vụ” bận rộn, vất vả mưu sinh.

Do đó, đã nhiều gia đình trẻ có, già cũng có lựa chọn Tết để đi du lịch. Song dù thế thì Tết cũng vẫn đượm giá trị của truyền thống: “Tết là sum họp, Tết là đoàn viên”, nên người ta có đi thì cũng là đi cùng gia đình, người thân. Để không sum vầy ở quê thì sum vầy ở một nơi khác, không vui, sum vầy, cộng cảm với cộng đồng này thì vui và sum vầy, cộng cảm với một cộng đồng khác. Đó chính là tính bền vững của tinh thần cộng cảm, đoàn kết và hòa đồng, tươi mới.

  1.   Nguyễn Văn Huyên (2017): Hội hè lễ tết của người Việt, bản dịch của Đỗ Trọng Quang, Trần Đỉnh, Nxb. Thế giới và Công ty sách Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr. 7.
  2.   Nguyễn Văn Huyên (2017): Hội hè lễ tết của người Việt, bản dịch của Đỗ Trọng Quang, Trần Đỉnh, Nxb. Thế giới và Công ty sách Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr. 7.
  3.   Bùi Xuân Đính (2021): Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 789.
  4.   Bùi Xuân Đính (2021): Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 790-792.
  5.   Toan Ánh (2012): Nếp cũ - Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình và lễ - tết - hội hè, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 91-92.
  6.   Phan Kế Bính (2014): Việt Nam phong tục, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr. 33.
  7.   Phan Kế Bính (2014): Việt Nam phong tục, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, tr. 35.
  8.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 208.
  9.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 211-212.
  10.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 213.
  11.   Trần Từ: Làng xã Hương Sơn, Tạp chí “Nghiên cứu lịch sử” số 165, Hà Nội, tháng 11 và 12 - 1975, tr. 34-48, tr. 40. Chú thích của Trần Quốc Vượng (Xem Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 221).
  12.   M. Eliade: Mystèré et Régé nération spirituelle, trong tuyển tập Mythes, rêves ét mysteres. Paris, Gallimard, 1957, tr. 247-253. Chú thích của Trần Quốc Vượng (Xem Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 221).
  13.   M. Eliade: La Terre - Mère ét les hiérogamies cosmiques, trong tuyển tập Mythes, rêves ét mysteres. Paris, Gallimard, 1957, tr. 299-300. Chú thích của Trần Quốc Vượng (Xem Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 221).
  14.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 221.
  15.   Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Lê Hữu Mục, in lần thứ nhất, Nhà sách Khai trí xuất bản, Sài Gòn, tr. 58.
  16.   Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Lê Hữu Mục, in lần thứ nhất, Nhà sách Khai trí xuất bản, Sài Gòn, tr. 58.
  17.   Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Lê Hữu Mục, in lần thứ nhất, Nhà sách Khai trí xuất bản, Sài Gòn, tr. 59.
  18.   Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), bản dịch, Nxb. Khoa học Xã hội và Công ty Văn hóa Đông Á, Hà Nội, tr. 172.
  19.   Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), bản dịch, Nxb. Khoa học Xã hội và Công ty Văn hóa Đông Á, Hà Nội, tr. 292.
  20.   Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), bản dịch, Nxb. Khoa học Xã hội và Công ty Văn hóa Đông Á, Hà Nội, tr. 375.
  21.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 217.
  22.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 218.
  23.   Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 458.
  24.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 221-222.
  25.   Dẫn theo Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 44.
  26.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 44.
  27.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 230-231.
  28.   Trần Quốc Vượng (2000): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 233.

Tiến sĩ PHẠM MINH THẾ

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

Một số sự kiện Văn hóa- xã hội nổi bật năm 2023