Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư

20/05/2024 16:30 | 1 giây trước

(LSVN) - Quyền riêng tư là quyền con người, gắn với mỗi cá nhân con người, được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam xác định rõ, rất nhấn mạnh, thậm chí coi quyền riêng tư là “thiêng liêng”, là “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, với nhận thức xã hội còn hạn chế, sự lạm quyền của bộ máy quyền lực, sự phức tạp và xung đột lợi ích xã hội, sự bất ổn trong an sinh xã hội và an ninh cá nhân, những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và công nghệ mới…, quyền riêng tư đã và đang bị vi phạm ngày càng nghiêm trọng trong tất cả các lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế, dân sự, đời sống cộng đồng và sinh hoạt gia đình. Việc nâng cao nhận thức pháp lý và hoàn thiện pháp luật về quyền riêng tư đang trở nên cấp bách có tính thời sự cao.

Ảnh minh họa.

Pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư

Quyền riêng tư (the right to privacy) hay “quyền về sự riêng tư”, “quyền về đời tư”  được các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ quan nhân quyền và các học giả trên thế giới xác định là quyền cơ bản, thiết yếu đối với sự tự chủ, tự tôn của cá nhân, bảo vệ nhân phẩm của con người, là nhân quyền cơ bản. Nhà luật học Ruth Gavison cho rằng quyền riêng tư chứa đựng ba yếu tố: bí mật (secrecy), vô danh (anonimity) và yên tĩnh (solitude). Không phải chờ đến Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948, mà có thể khẳng định, quyền riêng tư mang tính sơ khai xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, sự phát triển của phân công lao động xã hội, sự phân hóa giàu nghèo và phân hóa xã hội. Quyền riêng tư không chỉ là vấn đề của luật học mà là vấn đề đạo đức và lịch sử, xã hội rộng lớn. Lời thề Hippocrate trong ngành y là việc các thầy thuốc phải tuyên thệ nghề nghiệp về việc giữ bí mật với hồ sơ bệnh án và tôn trọng tính riêng tư của nhân thân người bệnh…

Năm 1361, các thẩm phán của Đạo luật Hòa bình ở Anh thảo luận để đưa ra cơ sở cho việc bắt giữ Peeping Toms mà không xâm hại về tính riêng tư, Nghị sĩ William Pitt đã cho rằng: Phải làm sao để những người nghèo nhất có thể thách thức để buộc tất cả các quan chức phải tôn trọng họ; mặc dù căn nhà của họ có thể là xập xệ, mái của nó có thể lắc, gió có thể thổi, các cơn bão có thể vào, mưa có thể xâm nhập nhưng ngay cả vua nước Anh không thể tùy tiện vào nhà họ được. Nhiều quốc gia khác lần lượt ghi nhận và phát triển quyền riêng tư trong các đạo luật ở các thế kỷ tiếp sau đó. Năm 1776, Quốc hội Thụy Điển đã ban hành luật “Access to Public Records” yêu cầu tất cả các thông tin của công dân mà chính phủ có chỉ được sử dụng cho mục đích hợp pháp. Năm 1792, Tuyên bố về Quyền con người của Thụy Điển ghi nhận rằng: Tài sản tư nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Năm 1890, hai học giả người Mỹ là Samuel.D.Warren và Louis.D.Brandies cho ra đời tác phẩm “Right to privacy” được đánh giá là một trong những tác phẩm có tầm quan trọng, là nền tảng phát triển của những quy định pháp luật về quyền riêng tư tại Hoa Kỳ. Nội dung tác phẩm cho rằng bảo vệ quyền riêng tư là bảo vệ cá nhân khỏi những tổn thương về mặt cảm xúc và tinh thần do những hành vi xâm hại quyền riêng tư gây ra. Cùng thời lỳ đó, William Prosser (1898-1972) đưa ra nội dung cụ thể hệ thống 4 hành vi được coi là xâm phạm quyền riêng tư:

(1) Xâm phạm không gian riêng tư, đời sống riêng tư của người khác;

(2) Công khai những thông tin cá nhân làm người khác tổn thương;

(3) Công khai thông tin cá nhân đặt người khác vào tình huống bị hiểu lầm;

(4) Sử dụng hình ảnh, tên tuổi người khác để vụ lợi.

Ngày nay, bảo vệ quyền riêng tư thường xuyên được xem như là một cách để hướng dẫn xã hội, nhà nước, cộng đồng và cá nhân khác hạn chế can thiệp vào công việc và đời sống của cá nhân. Trong Lời mở đầu của Chương Bảo mật Hiến pháp Úc quy định: Một xã hội tự do và dân chủ đòi hỏi phải tôn trọng quyền tự chủ của các cá nhân và giới hạn quyền lực của các cơ quan (cả nhà nước và tư nhân) trong việc xâm phạm vào quyền tự chủ của cá nhân…

Tổ chức Quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử đã đưa ra báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền”. Báo cáo này cho thấy quyền riêng tư được quan tâm bao gồm một số nội dung cơ bản sau: Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân, bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó, nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”; Hai là, sự riêng tư về cơ thể, liên quan đến việc bảo vệ thân thể (thể chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể; Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư tín, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác; Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú, liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.

Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và Bộ luật Nhân quyền quốc tế đánh dấu sự phát triển và thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ quyền riêng tư trong hệ thống quyền con người cơ bản. Các văn kiện cơ bản trên khẳng định mạnh mẽ quyền riêng tư là thuộc về quyền và tự do cá nhân và phải được pháp luật bảo vệ. Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (UDHR) ghi nhận: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín cũng như bị xúc phạm về nhân phẩm hoặc uy tín của cá nhân. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại sự xúc phạm và can thiệp như vậy”. Quyền riêng tư sau đó được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), rằng: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín; (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”. Một số văn kiện quốc tế đề cập về quyền riêng tư cần được tiếp cận đến như: Điều 14 Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990: “Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác, hoặc công kích bất hợp pháp danh dự và uy tín của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ. Mỗi người lao động di trú và thành viên gia đình họ đều có quyền được pháp luật bảo vệ không bị ảnh hưởng bởi những hành vi can thiệp hoặc công kích như vậy”. Điều 17 ICCPR quy định rất cụ thể về bảo vệ quyền riêng tư: tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Thư từ phải được giao tận tay người nhận mà không bị chặn lại, mở ra hay xem trước. Việc theo dõi, bất kể bằng biện pháp điện tử hay các biện pháp khác như nghe trộm, xem trộm điện thoại, điện tín... đều bị nghiêm cấm. Việc lục soát nhà cửa phải bị giới hạn, chỉ được sử dụng trong trường hợp để tìm chứng cứ cần thiết và không được phép gây phiền nhiễu cho chủ nhà. Việc khám xét thân thể phải theo cách thức phù hợp để bảo đảm nhân phẩm của người bị khám xét; người khám xét phải cùng giới tính với người bị khám xét (đoạn 8). Việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các quan chức nhà nước hay các thể nhân, pháp nhân khác, đều phải được quy định trong pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước. Để bảo đảm bảo vệ đời tư một cách hiệu quả, mỗi cá nhân cần có quyền được biết liệu thông tin cá nhân của mình có bị thu thập, lưu giữ bởi chủ thể nào không và nếu có, thì ở đâu, nhằm mục đích gì, chủ thể quản lý thông tin cá nhân của mình là ai? Thêm vào đó, mỗi cá nhân cũng cần có quyền yêu cầu sửa chữa hoặc xóa bỏ thông tin cá nhân của mình nếu thông tin đang được lưu trữ không chính xác, hoặc bị thu thập hay lưu trữ một cách trái pháp luật (đoạn 10). Việc điều tra về gia đình của một người phải bị giới hạn, chỉ được thực hiện khi cần có chứng cứ cần thiết và không được gây ra nhiều phiền hà. Việc điều tra về đời tư và khám xét về thân thể phải được thực hiện bằng những cách thức phù hợp với phẩm giá của người bị điều tra. Việc khám xét cơ thể bởi các nhân viên nhà nước hay nhân viên y tế chỉ được tiến hành khi nhân viên đó hành động theo yêu cầu của nhà nước, và chỉ được thực hiện bởi người có cùng giới tính.

Điều 22 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007 (CRPD) ghi nhận, người khuyết tật dù sống ở bất cứ đâu, cư trú ở khu vực nào cũng không bị can thiệp vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở, hoặc thư tín, hoặc bất kỳ hình thức giao tiếp nào, không bị xâm phạm trái pháp luật vào danh dự và uy tín của mình một cách tùy tiện hoặc trái pháp luật. Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 cũng dành Điều 16 để quy định riêng quyền riêng tư của trẻ em.

Tháng 4/1988, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua một văn kiện có tên gọi: “Quyền được tôn trọng về đời tư, gia đình, nơi ở, thư tín và được bảo vệ danh dự và uy tín”. Đây được coi là cột mốc mới trong phát triển của pháp luật quốc tế về quyền riêng tư. Việc bảo vệ khỏi sự can thiệp bất hợp pháp và tùy tiện có nghĩa là trước hết các quốc gia cần có những quy định pháp luật phù hợp để bảo vệ quyền riêng tư. Theo Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc, việc thu thập và lưu giữ những thông tin cá nhân trên máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi cơ quan nhà nước, các nhân viên nhà nước, các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân đều phải do pháp luật quy định. Các nhà nước phải áp dụng những cách thức hiệu quả để bảo đảm rằng, những thông tin về đời tư của một người không lọt vào tay những người không được pháp luật cho phép xử lý và sử dụng… Về vấn đề theo dõi, giám sát thông tin liên lạc của cá nhân, Ủy ban Nhân quyền cho rằng: Việc theo dõi, giám sát, dù là bằng thiết bị điện tử hay cách khác, cùng với việc chặn điện thoại, điện tín và các dạng thức truyền thông khác, nghe lén và ghi âm các cuộc hội thoại, đều bị nghiêm cấm. Ủy ban Thông tin và Truyền thông của UNESCO cũng đã thông qua nghị quyết về “Các vấn đề liên quan đến internet, bao gồm: tiếp cận thông tin và tri thức, tự do biểu đạt, quyền riêng tư và các chiều hướng đạo đức trong xã hội thông tin. Tháng 11/2013, Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên rà soát các thủ tục, thực hành luật pháp về việc theo dõi, giám sát thông tin truyền thông, việc ngăn chặn và thu thập dữ liệu cá nhân, bao gồm việc theo dõi đồng loạt số đông (mass surveillance), bảo đảm quyền về đời tư thông qua việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ liên quan theo luật nhân quyền quốc tế.

Bảo vệ quyền riêng tư theo pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, quyền riêng tư được ghi nhận tại văn bản luật có tính pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Hiến pháp 2013 xác định quyền riêng tư tại Chương 2 và tập trung tại rất nhiều điều: các Điều 14, 16, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25… và được thể chế hóa tại Bộ luật Dân sự và nhiều bộ luật khác. Theo Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác...”. Như vậy, quyền riêng tư là quyền nhân thân, gắn liền với một cá nhân cụ thể. Bất kỳ cá nhân nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền riêng tư. Mỗi người sinh ra đều có cuộc sống, tình cảm, quan hệ xã hội của riêng mình và pháp luật phải luôn tôn trọng điều đó. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định tại Điều 32 thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Quyền riêng tư của cá nhân vẫn được bảo vệ ngay khi một người có cái chết bất thường. Điều 33 Bộ luật Dân sự quy định việc khám nghiệm tử thi chỉ được thực hiện trong ba trường hợp: Một là, có sự đồng ý của người đó trước khi chết; Hai là, có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó; Ba là, theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định. Luật Khám chữa bệnh năm 2009 có nhiều điều khoản quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân cũng như trách nhiệm của người hành nghề y tế trong việc giữ bí mật cá nhân của người bệnh, cụ thể là: giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án là một nguyên tắc trong hành nghề khám, chữa bệnh được quy định tại khoản 2 Điều 3. Tại Điều 8 quy định quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh, người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án; chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án không chỉ là nguyên tắc mà tiếp tục được nhắn mạnh tầm quan trọng và cần thiết khi đó còn là nghĩa vụ nghề nghiệp của người hành nghề y (khoản 5 Điều 37). Ngoài ra, để bảo sự riêng tư của bệnh nhân, hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (điểm a khoản 3 Điều 59) và khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (khoản 5 Điều 59).

Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm sau đây: a) Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; b) Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; c) Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập và chính chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ (Điều 17).

Luật Báo chí năm 2016, Luật Buất bản năm 2012 nghiêm cấm việc đăng, phát thông tin tiết lộ đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều điều khoản quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm của luật (khoản 11 Điều 6). Luật Trẻ em dành trọn vẹn Điều 21 về “Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em” để nói riêng về nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, theo đó: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Đồng thời, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được đặt ra: cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Điểm đ khoản 1 Điều 58 quy định việc giữ bí mật thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Quyền riêng tư là một quyền con người đặc biệt quan trọng nhưng không phải là quyền tuyệt đối. Quyền riêng tư cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp tùy tiện hoặc trái pháp luật của mọi thể nhân, pháp nhân trong đó bao gồm các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước cùng người sử dụng lao động, các nhà quản lý, các tổ chức, các cơ quan truyền thông, báo chí và các cá nhân khác… Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhà nước có thể thu thập hoặc yêu cầu công dân cung cấp các thông tin về đời tư nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia, cộng đồng và của người khác. Quyền riêng tư cũng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định như liên quan đến việc bảo vệ thuần phong mỹ tục và các điều cấm của pháp luật. Mặc dù là “thiêng liêng” và “bất khả xâm phạm” nhưng trong sinh hoạt cộng đồng, quyền riêng tư có thể bị hạn chế trong những quan hệ xác định. Việc giới hạn quyền riêng tư có thể hiểu là trong điều kiện bình thường thì mọi cá nhân đều có quyền riêng tư nhưng trong một số trường hợp vì lợi ích xã hội, cộng đồng và quốc gia thì quyền riêng tư bị hạn chế. Việc hạn chế quyền riêng tư chỉ được thực hiện trong một số trường hợp được quy định rõ ràng, đối với một số đối tượng cụ thể, trong đó pháp luật có thể can thiệp vào quyền riêng tư. Chẳng hạn Điều 34 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định các đối tượng buộc phải kê khai tài sản gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân. Cần lưu ý rằng quyền riêng tư là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, vì vậy việc hạn chế quyền riêng tư phải được xác định rất rõ ràng trong các văn bản luật, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để chống lạm quyền hoặc lợi dụng quyền lực để vi phạm quyền riêng tư.

Những diễn biến gần đây cho thấy, các công nghệ theo dõi hiện đại cho phép nhiều chủ thể xâm phạm nghiêm trọng đối với các quyền riêng tư. Do đó, các hướng dẫn chung của pháp luật quốc tế và Liên hợp quốc về quyền riêng tư đến các quốc gia cho thấy các quy định bảo vệ quyền riêng tư cần phải được tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện, trong đó nhấn mạnh hai nội dung sau đây:

Một là, việc giám sát, kiểm soát và quản lý hàng loạt, tràn lan các thông tin cá nhân là trái với Điều 17 ICCPR vì đó là sự can thiệp vào đời tư; việc thu thập lưu trữ số lượng lớn các dữ liệu cá nhân là vi phạm Điều 17 ICCPR bởi vì đó là một biện pháp quản lý tùy tiện hoặc không cân xứng với việc bảo vệ nó.

Hai là, bất kỳ sự can thiệp nào với quyền riêng tư phải chịu sự giám sát tư pháp độc lập và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Ruth Gavison, Privacy and Limit of law, The Yale Law Journal, 1980.

2. David Banisar, Simon Davies, Privacy and human righgts An International Survey of Privacy Laws and Practice, Privacy International, http://www.gilc.org/privacy/survey/intro.htm/, ngày 02/8/2022.

3. Phùng Trung Tập (1996),  Bí mật đời tư bất khả xâm phạm, Tạp chí Luật học số 6/1996.

4. Ủy ban Nhân quyền, Quyền con người - tập hợp những bình luận chung/Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc, NXB Công an nhân dân, 2010.

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Giảng viên cao cấp, Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội