Quảng cáo ngày nay không còn là hoạt động xa lạ đối với hầu hết người dân, nhờ sự toàn cầu hóa của Internet, hoạt động này ngày càng đa dạng hóa dưới nhiều loại hình, sản phẩm quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau để thỏa mãn nhu cầu của người quảng cáo và người tiếp nhận nó.
Ta không phủ nhận vai trò quan trọng của quảng cáo trong việc giới thiệu tới công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng như nâng cao độ phủ sóng của công ty cung cấp. Tuy nhiên, trước sự phát triển chóng mặt như hiện nay, quảng cáo ngày càng trở thành vấn đề làm “đau đầu” không chỉ người dân mà còn các cơ quan quản lý.
Tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 đã quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo như sau:
Điều 7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo 1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2. Thuốc lá. 3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. 4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo. 5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc. 6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. 7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực. 8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế. |
Hiện nay, không khó để bắt gặp các đoạn quảng cáo thuộc đối tượng bị cấm như đánh bạc online trái phép (188BET, dafabet,...) hay các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực,… trên hầu hết các nền tảng của Internet. Điều này không chỉ phổ biến đối với những hàng hóa, dịch vụ nguy hại tới an toàn xã hội mà còn để lại tác động xấu đối với người tiếp nhận quảng cáo, đặc biệt là đối tượng không phù hợp như trẻ dưới 18 tuổi.
Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ vụ “sảy chân” đi vào huyền thoại của nhãn hàng xa xỉ Dolce & Gabbana tại thị trường Trung Quốc - thị trường hàng hóa xa xỉ, màu mỡ nhất thế giới chỉ với video quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc, hậu quả không chỉ là sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc mà còn là sự bốc hơi của trăm triệu USD hàng năm của hãng này.
Hay như việc quảng cáo của nhãn hàng Sắc Ngọc Khang thuộc Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú đã sử dụng hình ảnh của Hoa hậu Diễm Hương mà không có sự đồng ý của cô. Hành vi này xâm phạm tới quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 - 30 triệu đồng theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo về mức phạt tiền đối với những vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
Bên cạnh đó, việc truyền tải thông tin chính xác trong quảng cáo cũng là một vấn đề cần quan tâm, xem xét. Gần đây rầm rộ lên một trào lưu “chốt đơn” mà mở màn là lĩnh vực bán kem “trộn” với lời mời gọi “trắng tự nhiên sau một lần bôi”, “trắng, trắng nữa, trắng mãi” hay “bảo hành trắng trọn đời” nghe thật bùi tai không chỉ đối với các chị em mà còn với cả đấng mày râu. Nhưng thực tế, có tồn tại chất làm trắng “bạch tạng” sau một lần sử dụng như thế này không thì không ai dám đảm bảo nhưng hoạt động quảng cáo này chắc chắn đã vi phạm quy định về quảng cáo mỹ phẩm theo Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo do không đáp ứng điều kiện về nội dung quảng cáo như tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường,…
Không biết là do quá nhiều vụ việc hay các cơ quan có thẩm quyền chưa đáp ứng được việc kiểm duyệt mà trên thực tế các quảng cáo như vậy vẫn ngày ngày tràn lan trên các trang mạng làm hoang mang tâm lý người tiêu dùng. Và biết đâu trong số đó, có nhiều người tin vào các lời chào mời phản khoa học như vậy sẽ dẫn đến hậu quả về sức khỏe khôn lường.
Để hạn chế hậu quả tương tự và bảo vệ quyền lợi của các đối tượng trong quan hệ quảng cáo, pháp luật Việt Nam đã quy định các hành vi cấm trong quảng cáo tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng như cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật liên quan.
Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này. 2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng. 3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. 5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật. 7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. ... |
Ngoài ra, các vấn đề an toàn, bảo mật đối với người sử dụng không gian mạng mỗi khi nhấp vào các quảng cáo cũng được đề ra.
Mọi người, đặc biệt là các bạn xem phim, tin tức, video chắc đã không ít lần cảm thấy phiền với quá nhiều quảng cáo xen giữa làm gián đoạn, đặc biệt đến khi tắt đi thì lại tự động dẫn sang các trang web đen hay nguy hiểm hơn là vô tình kết nối với link độc dẫn tới mất thông tin cá nhân, dữ liệu và ngay chính thiết bị truy cập cũng bị nhiễm virus độc hại.
Như vậy, bên cạnh lợi ích to lớn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường lao động thì quảng cáo là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm không chỉ với mỗi cá nhân mà còn cả xã hội. Với mức độ ảnh hưởng trải rộng trên nhiều lĩnh vực khiến việc quản lý, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới quảng cáo cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với bộ máy hoạt động còn có nhiều chồng chéo về thẩm quyền như hiện nay thì rất cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành để giải quyết triệt để tỉnh trạng này.
NGUYỄN ĐỨC HOÀN
Giám đốc Công ty Luật HOK
Một số bất cập, vướng mắc nội dung miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015