Ảnh minh họa.
Có phẩm chất đạo đức tốt
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tiêu chuẩn Đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015, cụ thể: Đại biểu Hội đồng nhân dân phải là người trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Trách nhiệm nêu gương
Người ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Có trình độ đào tạo đại học trở lên (đối với cấp tỉnh và cấp huyện); Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Tỉnh ủy viên trở lên (trong đó phải có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ), đang giữ chức vụ từ Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành ở cấp tỉnh trở lên.
Bãi nhiệm khi không được nhân dân tín nhiệm
Về quy trình xử lý Đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm pháp luật, theo Luật sư căn cứ vào quy định tại Điều 102, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân: Đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Đại biểu Hội đồng nhân dân, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm; Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Theo đó, Luật sư cho rằng, nếu xét thấy Đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Đại biểu Hội đồng nhân dân, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 84, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định về từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thì Hội đồng nhân dân còn có thể từ chức Hội đồng nhân dân: Người được Hội đồng nhân dân bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức; Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó trình Hội đồng nhân dân miễn nhiệm người có đơn xin từ chức tại kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất. Như vậy, Đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn toàn có quyền xin được từ chức nếu có một trong các lý do trên là chính đáng và được Hội đồng nhân dân chấp thuận.
HUY HOÀNG
Vụ đại biểu HĐND Quảng Nam bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ golf: Hành vi có dấu hiệu