/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi - Những bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi - Những bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) đã có những quy định về “Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi” theo hướng phù hợp hơn so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập, hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp theo hướng tăng cường tranh tụng, tăng cường việc đảm bảo quyền bào chữa trong tiến hành tố tụng.

Phiên tòa thân thiện, xét xử người dưới 18 tuổi. Ảnh: Hoàng Giang/PLO.

1. Quy định của BLTTHS năm 2015 về quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

“1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.”

Đây là những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tiến hành tố tụng có sự tham gia của người dưới 18 tuổi, mà các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tuân thủ để bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi. Việc ghi nhận, quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng này thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc.

Các nguyên tắc này được luật tố tụng hình sự đề ra, có tính chất bắt buộc thực hiện, do đó, cơ quan, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan người dưới 18 tuổi, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm hoặc thực thi không đầy đủ gây ảnh hưởng hạn chế đến việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự. Một trong những nguyên tắc quan trọng tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đó là bảo đảm quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi. Tại khoản 5 Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi”.

Về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 422 BLTTHS năm 2015 quy định như sau: “1.Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; 2..Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội”.

Đây là một quy định nhân văn, phù hợp đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý và sự phát triển về thể chất của người dưới 18 tuổi. BLTTHS năm 2015 đã trực tiếp thể hiện, thực hiện quyền này. Ngoài các quyền năng riêng biệt, người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cũng được hưởng các quyền giống như người thành niên để có thể tự bào chữa cho mình một cách tốt nhất, như quyền được nghe, được biết lý do mình bị bắt, được biết lý do mình bị khởi tố…

Về quyền được bào chữa chỉ định.

Tại Điều 76 BLTTHS năm 2015 quy định: “1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: … b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:…b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý…”.

Điều 76 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện người bào chữa gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, đây là quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay khi đa phần trợ giúp pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội.

BLTTHS năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi; phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại điện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt.

BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Quy định này giúp cho việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội nói chung và người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi nói riêng được sớm hơn.

2. Một số bất cập, hạn chế trong việc thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

Hạn chế về ý thức trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Hiện tại chưa có cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách để giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện, nên trong suốt quá trình tố tụng, từ khi bắt đầu khởi tố, điều tra, truy tố đến khi xét xử, cũng như giai đoạn thi hành án, thực tế cho thấy, không có sự phân biệt giữa việc giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện với những vụ án do người thành niên thực hiện. Thành phần Hội đồng xét xử đôi lúc còn chưa đảm bảo hoặc ghi không đúng thành phần theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự phải là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đôi khi về ý thức trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn chưa tích cực giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Chưa giải thích cho họ biết mình có quyền bào chữa, nhờ người khác bào chữa và được bào chữa chỉ định theo quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.

Hạn chế từ phía người bào chữa.

Người bào chữa thường không được đào tạo để có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục về tội phạm người dưới 18 tuổi hoặc không có kiến thức và phương cách làm việc hiệu quả với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chưa thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định, chưa kịp thời có những đề nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc chưa thực hiện triệt để việc tham gia lấy lời khai của người dưới 18 tuổi phạm tội, tiến hành thu thập các tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án… để xuất trình đến các cơ quan tiến hành tố tụng và làm căn cứ chuẩn bị cho việc bào chữa của mình hoặc có một số trường hợp người bào chữa chưa tuân thủ các nghĩa vụ được BLTTHS quy định.

Với Luật sự chỉ định, thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sự tham gia bào chữa, nhưng nhiều Luật sư lại chưa đề cao trách nhiệm khi tham gia tố tụng, miễn cưỡng tham gia cho có lệ. Vẫn còn xảy ra tình trạng do nhận thức việc bào chữa là theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nên không có thái độ tích cực, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án…

Khi bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, người bào chữa đôi khi còn hình thức, qua loa. Chưa coi trọng việc bào chữa chỉ định và còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc bào chữa, làm theo kiểu nghĩa vụ, phát biểu chung chung, không đi sâu vào việc đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ án có lợi cho người bị buộc tội một cách cụ thể. Hoặc có trường hợp người bào chữa chỉ định vô trách nhiệm lấy lý do quá bận việc mà chỉ gửi bản bào chữa chứ không tham dự phiên tòa hoặc có trường hợp có mặt tại phiên tòa nhưng chỉ đơn thuần là thay mặt bị cáo dưới 18 tuổi xin giảm nhẹ án chứ chưa thực sự bảo vệ quyền lợi cho các em…

Còn có trường hợp, các Đoàn Luật sư khi nhận được yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa chưa có thái độ tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, còn có tình trạng chậm trễ trong việc cử người bào chữa, gây không ít khó khăn cho công tác giải quyết vụ án của các cơ qua chức năng.

Hạn chế, bất cập về cơ sở vật chất, trình tự thủ tục phiên tòa xét xử người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.

BLTTHS năm 2015 đã quy định một chương riêng về thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi nhưng các phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi hiện nay cũng giống như xét xử đối với người thành niên. Việc xét xử được tiến hành ở phòng xử án chính thức dành chung cho cả người thành niên và người dưới 18 tuổi. Không khí trang nghiêm của Tòa án, các thủ tục phiên tòa, cũng như cách trang trí, các vật dụng bố trí tại phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi không có sự khác biệt. Với tâm lý chưa ổn định, nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, từ thái độ của người lớn tuổi, người dưới 18 tuổi cần có môi trường xét xử phù hợp, thân thiện hơn.

Hạn chế từ ý thức của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ.

Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại điện hợp pháp của họ không hiểu biết về quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa và quyền được bào chữa chỉ định nên không thực hiện được quyền bào chữa của mình. Thậm chí do thiếu hiểu biết và sợ mất tiền mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ còn từ chối luật sư bào chữa gây khó khăn cho việc xét xử.

3. Đề xuất hướng hoàn thiện

Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về “Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi”, qua đó có những chỉnh sửa, bổ sung đối với BLTTHS hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan theo hướng sau:

– Thứ nhất, khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế với người dưới 18 tuổi, người tiến hành tố tụng phải thông báo rõ quyền được mời Luật sư của người bị buộc tội, giải thích rõ “quyền im lặng” của người bị buộc tội. Nếu người bị buộc tội không yêu cầu Luật sư hoặc chưa mời Luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Luật sư cho họ. Trong trường hợp họ chủ động mời Luật sư, chỉ cần người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ ký giấy mời Luật sư thì đương nhiên Luật sư đó được tham dự ngay lập tức các buổi làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng với thân chủ, không cần phải làm thủ tục đăng ký bào chữa.

Thực hiện nội dung này sẽ giải quyết được vướng mắc trong thủ tục tố tụng, tại khoản 1 Điều 114 của BLTTHS năm 2015 quy định “1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 421 BLTTHS năm 2015 quy định “1. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ”.

Với thời gian để bào chữa làm thủ tục đăng ký bào chữa mất thời gian tối thiểu là 24 giờ theo quy định tại Điều 78 BLTTHS năm 2015 thì để thực hiện đúng các quy định trên của pháp luật thì sẽ rất khó khăn cho cơ quan điều tra hoặc là phải chờ đợi sự có mặt của người bào chữa mới lấy lời khai người bị buộc tội dưới 18 tuổi hoặc vi phạm thủ tục tố tụng.

– Thứ hai, trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tạm giam thì cần bổ sung quy định người bào chữa được gặp bị cáo là người dưới 18 tuổi sau phiên tòa sơ thẩm. Mặc dù tại khoản 6 Điều 78 BLTTHS năm 2015 quy định “6. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp: a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa” và tại điểm o khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định quyền của người bào chữa “o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này”.

Việc quy định như vậy nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thì việc người bào chữa gặp bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm để trao đổi, thống nhất thực hiện một số công việc… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi sẽ khó khăn và không được gặp như thực tế đã diễn ra trong thời gian qua.

– Thứ ba, cần ban hành văn bản quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn luật sư các tỉnh thành về hình thức có chế “Luật sự trực ban”. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì người đại diện hoặc người bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền và nghĩa vụ tham gia, chứng kiến khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, lấy lời khai người dưới 18 tuổi, trong trường hợp người dưới 18 tuổi không có người đại diện hoặc khi cơ quan tiến hành tố tụng chưa liên hệ, không tìm được người đại diện của người bị buộc tội, chưa tìm được luật sư bảo vệ, bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời luật sư trực ban tham gia ngay các hoạt động tố tụng này để đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

– Thứ tư, cần phải có chế tài những người tiến hành tố tụng cản trở quyền bào chữa của người bị buộc tội, quyền hành nghề của luật sư. Hiện nay, BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế định nào xử lý những hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Tóm lại, việc chỉnh sửa, bổ sung đối với BLTTHS hiện hành và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với “Quyền bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi” là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, là nỗ lực lớn trong tiến trình cải cách tư pháp và có ý nghĩa trong việc bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, hạn chế oan, sai trong tố tụng hình sự và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

ĐINH MINH LƯỢNG
Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5
(Tạp chí Tòa án)
/vu-tai-nan-lien-hoan-tai-son-tay-trach-nhiem-phap-ly-khi-nguoi-khong-co-bang-lai-xe-gay-tai-nan.html