/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận hồ sơ bệnh án của bị hại

Quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận hồ sơ bệnh án của bị hại

06/09/2024 06:28 |3 tháng trước

(LSVN) – Trong giải quyết vụ án hình sự, chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc chứng minh tội phạm. Chủ thể thực hiện việc thu thập chứng cứ thường là các cơ quan tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) thì việc thu thập chứng cứ còn được thực hiện bởi người bào chữa.

Ảnh minh hoạ.

Đặt vấn đề

Hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa mang ý nghĩa quan trọng nhằm tìm ra và thu giữ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội, từ đó khai thác những tài liệu, chứng cứ này làm cơ sở cho việc bào chữa, bảo vệ thân chủ, góp phần vào việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Hồ sơ bệnh án là tập hợp dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, kết quả cận lâm sàng, kết quả thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác có liên quan trong quá trình chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh[1]. Hồ sơ bệnh án của bị hại là chứng cứ rất quan trọng dùng để giám định thương tật và đánh giá hành vi, hậu quả cũng như mối quan hệ nhân quả của hành vi phạm tội. Do hồ sơ bệnh án gắn liền với mỗi bệnh nhân và liên quan đến quyền nhân thân nên không phải ai cũng được quyền tiếp cận, thu thập.

Bài viết phân tích quy định pháp luật về chứng cứ là hồ sơ bệnh án và quyền thu thập hồ sơ bệnh án bị hại của người bào chữa và đánh giá những khó khăn mà người bào chữa gặp phải khi thu thập chứng là hồ sơ bệnh án của bị hại.

Quy định pháp luật về quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận, thu thập hồ sơ bệnh án của bị hại

Theo quy định của BLTTHS thì người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ bằng cách gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa[2]. Như vậy, pháp luật minh thị rất rõ quyền của người bào chữa trong việc đề nghị các cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ liên quan đến việc bào chữa và hồ sơ bệnh án không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành lại có những quy định khác. Điều 69 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định về Hồ sơ bệnh án và khai thác hồ sơ bệnh án như sau:

“1. Người bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được lập, cập nhật hồ sơ bệnh án.

Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý như nhau. Mẫu hồ sơ bệnh án và mẫu bản tóm tắt hồ sơ bệnh án do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

2. Hồ sơ bệnh án phải được lưu giữ và giữ bí mật theo quy định của pháp luật; trường hợp hồ sơ bệnh án thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc lưu trữ hồ sơ bệnh án được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

3. Việc khai thác hồ sơ bệnh án đang trong quá trình điều trị được thực hiện như sau:

a) Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu viên của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, người hành nghề, người trực tiếp tham gia điều trị người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đọc nhưng chỉ được sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Người hành nghề của cơ sở khác được đọc, sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

4. Việc khai thác hồ sơ bệnh án đã hoàn thành quá trình điều trị và được chuyển lưu trữ được thực hiện như sau:

a) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư của người bệnh được tiếp cận, cung cấp hồ sơ bệnh án để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu viên của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc, ghi chép hoặc đề nghị cấp bản sao phục vụ nhiệm vụ được giao khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d) Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản;

đ) Người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản.

5. Các đối tượng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Từ quy định mang tính liệt kê trên cho thấy chủ thể được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án chỉ có “luật sư của người bệnh” mà không bao gồm luật sư của bị can, bị cáo (người bào chữa) trong vụ án hình sự mà người bệnh là bị hại. Ngoài các quy định trên, pháp luật không có quy định cụ thể nào khác về quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận, thu thập chứng cứ là hồ sơ bệnh án của bị hại.

Khó khăn trong thực tiễn và đề xuất tháo gỡ khó khăn khi thực hiện quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận, thu thập hồ sơ bệnh án của bị hại

Hồ sơ bệnh án là chứng cứ thường xuất hiện tại các vụ án hình sự ở nhóm tội “xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hồ sơ bệnh án không có trong hồ sơ vụ án hoặc có nhưng không đầy đủ. Trong khi đó, việc không có hồ sơ bệnh án hoặc thiếu một số tài liệu quan trọng trong hồ sơ bệnh án dẫn đến sai lệch kết quả điều tra, gây ra oan sai. 

Ví dụ cụ thể sau đây là minh chứng rõ nét: Bị cáo cho rằng không gây thương tích vào vùng bụng của bị hại nhưng cơ quan điều tra vẫn khởi tố bị cáo với thương tích tại vùng bụng với tỷ lệ thương tật lên đến 35% (đây là vết mổ điều trị thủng ruột non). Trong khi đó, các tài liệu có trong hồ sơ bệnh án không đầy đủ để chứng minh tội phạm như:

Một là, hồ sơ bệnh án không có kết quả chi tiết khám bệnh ngoại khoa (khám ban đầu khi vào viện) để xác định thương tích khi nhập viện có tại khu vực bụng hay không, có vết trầy xướt, bầm tím tại vùng bụng hay không. Tại Hướng dẫn về “Chấn thương bụng kín” được ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-BV ngày 07/01/2014  của Bệnh viện 115 ghi rất rõ: “Khám lâm sàng: Nhìn: Có dấu hiệu chấn thương vùng bụng như bầm máu, trầy xướt”.

Hai là, hồ sơ bệnh án không có “Tường trình phẫu thuật” khi tiến hành phẫu thuật bụng của bị hại. Qua bản Tường trình phẫu thuật này sẽ làm rõ các kết luận giám định về cơ chế hình thành vết thương.

Bản “Tường trình phẫu thuật” sẽ ghi nhận chính xác là bị hại bị “thủng” hay “vỡ” ruột non. Thủng ruột non thường do bệnh lý và nếu có bị chấn thương bụng kín thì phải do 1 lực mạnh tác động, có dấu vết bầm ở vùng da và đặc biệt là sẽ gây “vỡ”. Nếu “vỡ” ruột non do chấn thương kín sẽ có máu, thức ăn, phân…kèm dịch.

Bản “Tường trình phẫu thuật” sẽ ghi nhận vị trí bị thủng ruột non là vùng nào của ruột non (ruột non có cấu tạo gồm: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng). Giả sử vị trí thủng ruột non là khu vực “Hỗng tràng” tức vùng quanh rốn thì sẽ đối chiếu với các tình tiết, chứng cứ khác của vụ án sẽ xác định được có tác động vật lý vào vùng quanh rốn hay không. Thêm vào đó, bản “Tường trình phẫu thuật” sẽ ghi nhận khi phẫu thật bụng “Có phần giả mạc bám vào quai ruột” hay không, vì đây là phản ứng của cơ thể trong thời gian dài để bao bọc lỗ thủng, có ý nghĩa trong việc xác định thời gian bị thủng và mức độ thủng ruột non.

Ba là, không có kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, phân của bị hại, kết quả chụp x-quang, siêu âm trong hồ sơ bệnh án để chứng minh tội phạm và các vấn đề khác của vụ án.

Như vậy, việc chưa có các tài liệu, chứng cứ nêu trên kèm theo hồ sơ bệnh án sẽ dẫn đến kết luận giám định không chính xác và không đánh giá đúng bản chất sự việc, nhất là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Do đó, người bào chữa cần phải đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hoặc tự mình thu thập các chứng cứ đó.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, hầu hết các cơ sở y tế căn cứ Điều 69 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 để từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án và các tài liệu liên quan đến hồ sơ bệnh án cho người bào chữa vì không phải là “luật sư của người bệnh”. Hiện nay vẫn còn hai quan điểm trái chiều nhau về việc cung cấp hồ sơ bệnh án của bị hại cho người bào chữa.

Quan điểm thứ nhất: Không cung cấp hồ sơ bệnh án và các tài liệu liên quan đến hồ sơ bệnh án của bị hại cho người bào chữa là đúng luật vì nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành; đồng thời, hồ sơ bệnh án là tài liệu liên quan đến quyền nhân thân, bí mật thông tin về sức khỏe của người bệnh nên nếu không phải là “luật sư của người bệnh” thì không được tiếp cận, thu thập. Điều này cũng phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023[3].

Quan điểm thứ hai: Cần quy định cho người bào chữa của vụ án hình sự được quyền tiếp cận, thu thập hồ sơ bệnh án của bị hại nếu đó là chứng cứ của vụ án hình sự. Quyền của luật sư là người bào chữa trong việc thu thập chứng cứ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Luật Luật sư năm 2006 và BLTTHS. Việc người bào chữa không được tiếp cận với hồ sơ bệnh án của bị hại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo là trái quy định tại Điều 88 BLTTHS. Mặt khác, BLTTHS là luật chuyên ngành về tố tụng còn Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật chuyên ngành về mặt nội dung. Hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa là thực hiện theo luật chuyên ngành về tố tụng hình sự nên BLTTHS được ưu tiên áp dụng.

Quan điểm của tác giả: Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Ngoài ra, theo tác giả, luật sư là người bào chữa hoạt động nghề nghiệp theo luật và các nguyên tắc nghề nghiệp luật sư. Do đó, việc không tiết lộ thông tin, nội dung vụ án, trong đó có hồ sơ vụ án cũng là trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư và đã được ràng buộc bởi các quy định đó. Quan trọng hơn, việc thu thập chứng cứ là hồ sơ bệnh án là hoạt động quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, tránh tình trạng oan sai và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên cần có quy định cho phép và có cơ chế ràng buộc, chế tài xử lý nếu việc thu thập hồ sơ bệnh án xâm phạm đến quyền và lợi ích của bị hại.

Trên đây là một số quy định của pháp luật và thực tiễn hành nghề luật sư liên quan đến việc tiếp cận, thu thập hồ sơ bệnh án của bị hại. Qua các đánh giá, tác giả đề xuất có hướng dẫn theo hướng cho phép người bào chữa tiếp cận, thu thập hồ sơ bệnh án của bị hại trong vụ án hình sự.

[1] Khoản 17 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

[2] Khoản 2 Điều 88 BLTTHS.

[3] Khoản 2 Điều 10 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe và tôn trọng bí mật riêng tư trong khám bệnh, chữa bệnh như sau: Được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư mà người bệnh đã cung cấp cho người hành nghề trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 của Luật này.

Luật sư NGUYỄN THỊ MAI

Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú

Căn cứ xác định giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự

Nguyễn Mỹ Linh