Sinh viên tại Đại học Boston, Massachusetts. Ảnh minh họa: Boston Herald.
Tháng trước, Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 8 ở St. Louis, bang Missouri, đã ra phán quyết tạm thời chặn chương trình xóa nợ sinh viên được Tổng thống Biden công bố trong sắc lệnh hành pháp hồi tháng 8 vừa qua.
Phán quyết được đưa ra sau khi 6 bang, gồm Nebraska, Missouri, Iowa, Nam Carolina, Kansas và Arkansas, đệ đơn kiện cáo buộc chính quyền của Tổng thống Biden “phớt lờ” thẩm quyền của quốc hội. Trong đơn, các bang cho rằng chương trình xóa nợ sinh viên sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Mỹ.
Mới đây, Chánh án Tòa án liên bang ở Bắc Texas, ông Mark Pittman, cũng đã chặn chương trình này và tuyên bố đây là chương trình “bất hợp pháp”.
Hôm 24/8, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên tại Mỹ theo cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm.
Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang theo chương trình trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp), số nợ được xóa sẽ là 20.000 USD. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính kế hoạch xóa nợ sinh viên sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD.
Kế hoạch trên vẫn đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng chương trình này phù hợp với Đạo luật xóa nợ sinh viên (HEROES Act) có từ năm 2003, theo đó Bộ trưởng Giáo dục có quyền xóa nợ tiền học phí khi xảy ra “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng kế hoạch này của Tổng thống Biden là động thái nhằm “gom phiếu” ủng hộ của cử tri dành cho đảng Dân chủ trước bầu cử giữa kỳ năm 2022.
PHAN AN/TTXVN
Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự