Trách nhiệm của người làm chứng trong tố tụng

21/09/2024 09:14 | 2 tuần trước

(LSVN) - Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, người làm chứng giữ vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng, giúp các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, và Tòa án làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Để đảm bảo việc này, pháp luật quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể cho người làm chứng, bao gồm trách nhiệm tham gia tố tụng, khai báo trung thực và hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng. Bài viết này sẽ làm rõ các căn cứ pháp lý liên quan đến trách nhiệm của người làm chứng trong tố tụng theo pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa.

Căn cứ pháp lý 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng được hiểu là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 , người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Trách nhiệm của người làm chứng trong hoạt động tố tụng 

Căn cứ vào Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng như sau: 

Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc. 

Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.

Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.

Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.

Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Quy định về người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có những quyền và nghĩa vụ quan trọng nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng cho quá trình giải quyết vụ án. Họ có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, và đồ vật liên quan mà mình biết được để hỗ trợ Tòa án xét xử công bằng. Đồng thời, người làm chứng phải khai báo trung thực những gì mình biết về vụ án, nếu khai báo gian dối có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, họ có quyền từ chối khai báo nếu những thông tin đó liên quan đến các bí mật như bí mật Nhà nước, nghề nghiệp, kinh doanh, cá nhân hoặc gia đình, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của mình hoặc người thân. Trong thời gian tham gia tố tụng, nếu đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, người làm chứng được phép nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ cũng có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan triệu tập thanh toán chi phí liên quan đến việc đi lại và các khoản chi phí khác. Nếu người làm chứng bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe, hoặc tài sản do việc tham gia tố tụng, họ có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp, khai báo sai sự thật và gây thiệt hại cho đương sự hoặc người khác, người làm chứng phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Họ phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập, và nếu vắng mặt không có lý do chính đáng, họ có thể bị dẫn giải đến tòa. Ngoài ra, người làm chứng phải cam đoan trước tòa về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách nghiêm túc, ngoại trừ trường hợp là người chưa thành niên. Quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch và khách quan, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người làm chứng trong quá trình tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 3, 4 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi 2017 thì quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định như sau : 

Đối với người làm chứng thì có quyền:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người làm chứng cũng có nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

- Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

- Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

Trong quá trình tố tụng hình sự, người làm chứng có nhiều quyền lợi và nghĩa vụ được bảo vệ và điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Điều này không chỉ đảm bảo vai trò trung thực và khách quan của người làm chứng, mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ trong suốt quá trình tham gia tố tụng.

Như vậy, người làm chứng có quyền được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo và giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia làm chứng. Đồng thời, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ và người thân trong trường hợp bị đe dọa. Họ cũng có quyền khiếu nại về các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu họ cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

Khi được yêu cầu làm chứng, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập thanh toán các chi phí đi lại và các chi phí khác liên quan đến việc tham gia làm chứng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nếu cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, và sự vắng mặt gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, họ có thể bị dẫn giải. Người làm chứng cần có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến vụ án và giải thích rõ lý do biết được các tình tiết đó. Nếu trong quá trình khai báo gian dối hoặc trốn tránh khai báo mà không có lí do bất khả kháng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. 

Kết luận

Người làm chứng trong quá trình tố tụng có những quyền và nghĩa vụ rõ ràng, bao gồm việc cung cấp thông tin, khai báo trung thực, và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Người làm chứng có quyền từ chối khai báo trong một số trường hợp nhất định và có trách nhiệm phải có mặt tại Tòa án khi được triệu tập. Việc thực hiện đầy đủ những quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần vào sự công bằng và chính xác của quá trình xét xử. 

Về việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng 

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về Xử lý hành vi gây cản trở hoạt động tố tụng trong các trường hợp cụ thể như sau : 

Đối với hành vi khai báo gian dối, sai sự thật sẽ bị xử lý như sau:

Cụ thể khoản 2 tại Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định hành vi “Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng” có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khoản 2, 3 Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định hành vi “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”; “Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật;” tuỳ mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Trong trường hợp người làm chứng khai báo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 về tội "Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối". Cụ thể, nếu người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Trong trường hợp người làm chứng khai gian, cung cấp tài liệu sai sự thật mà có tổ chức hoặc dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch thì mức hình phạt sẽ tăng lên từ 01 năm đến 03 năm tù.

Mức hình phạt của người làm chứng sẽ tăng nặng hơn từ 03 năm đến 07 năm tù nếu họ phạm tội 02 lần trở lên hoặc việc khai gian, cung cấp tài liệu sai sự thật dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hay người phạm tội. 

Ngoài ra, khung hình phạt bổ sung quy định người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó, trong trường hợp người làm chứng từ chối khai báo thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu quy định tại Điều 383 bộ luật hình sự 2015. Mức hình phạt cụ thể gồm: phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, khung hình phạt bổ sung quy định người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án: 

Khoản 1 Điều 490 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định hành vi “Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”. Căn cứ vào Điều 16 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định như sau: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án. Theo như quy định trên thì người làm chứng, người phiên dịch, người giám định có hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng thì sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Một số thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung 

Mặc dù, pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong quá trình tham gia tố tụng, tuy nhiên, vẫn diễn ra một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi như sau : 

Thứ nhất , theo khoản 2 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người nào có hành vi “từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng” thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Như vậy, pháp luật cho phép người làm chứng từ chối khai báo khi lời khai của mình liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Nhưng khoản 2 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không loại trừ trường hợp này dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Do đó, cần loại trừ trường hợp người làm chứng được quyền từ chối khai báo được quy định tại khoản 2 Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ hai, khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người làm chứng có quyền yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng. Như vậy, pháp luật ghi nhận việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người làm chứng khi tham gia tố tụng là rất cần thiết, đảm bảo cho người làm chứng khai báo khách quan, trung thực những tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần xem xét đến việc bảo vệ quyền lợi người thân thích của người làm chứng.

Thực tiễn cho thấy, đối với những vụ án có tranh chấp phức tạp, tài sản tranh chấp lớn thì lời khai của người làm chứng ảnh hưởng rất lớn đến nội dung, quyết định giải quyết vụ án. Do đó, có thể xảy ra việc một trong các bên đương sự liên quan đe dọa người thân thích của người làm chứng để buộc họ không trình bày lời khai hay khai không đúng sự thật của vụ án. Chiếu theo điều khoản 4 Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định: “Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của Bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”. Nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chưa quy định về quyền yêu cầu bảo vệ người thân thích của người làm chứng. Do đó, theo chúng tôi Bộ luật này cần được bổ sung quy định về quyền yêu cầu được bảo vệ người thân thích của người làm chứng.

Thứ ba, khoản 8 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người làm chứng “phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên”.

Như vậy, trong một số trường hợp người làm chứng được triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp mà người làm chứng không đến cũng không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải. Đây được xem là biện pháp tư pháp nghiêm khắc được áp dụng khi người làm chứng từ chối hoặc không thực hiện theo yêu cầu của Tòa án.

Mặt khác, theo Điều 490 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về xử lý hành vi cố ý không có mặt theo triệu tập của Tòa án thì người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.

Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải”.

Như vậy, pháp luật quy định về trình tự, thủ tục dẫn giải đối với người làm chứng, tuy nhiên chưa rõ ràng, cụ thể về thời gian thực hiện dẫn giải và có được dẫn giải người làm chứng vào ban đêm hay không. Hơn nữa, việc dẫn giải không được áp dụng đối với người chưa thành niên, nhưng đối với trường hợp người già yếu, người bị bệnh nặng nếu bị dẫn giải theo yêu cầu của Tòa án có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Hiện nay, pháp luật chưa quy định về trường hợp này. Đối chiếu với khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”.

Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định không được dẫn giải vào ban đêm, người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Nhằm đảm bảo sự thống nhất về tính khả thi trong việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật tố tụng dân sự cần bổ sung quy định: “Không được bắt đầu việc dẫn giải người làm chứng vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”.

Như vậy, người làm chứng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp bằng chứng và lời khai, giúp làm sáng tỏ sự thật, qua đó góp phần vào quá trình giải quyết vụ án. Do đó, khi người làm chứng vi phạm các nghĩa vụ pháp lý, việc áp dụng các hình phạt phải được quy định phù hợp, tương xứng với tầm quan trọng của họ, nhằm đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật trong cả lĩnh vực tố tụng hình sự và dân sự.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Một vài ý kiến góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)