Ảnh minh họa.
Cụ thể, BLTTHS 2015 quy định trong một số trường hợp đặc biệt, để đảm bảo lợi ích của bị hại mà cơ quan có thẩm quyền không tự quyết định việc khởi tố vụ án mà sẽ thực hiện theo ý chí, mong muốn của bị hại. Theo đó, Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định 9 trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Một là, phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Hai là, phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tại khoản 1 Điều 135 BLHS 2015.
Ba là, phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội tại khoản 1 Điều 136 BLHS 2015.
Bốn là, phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại khoản 1 Điều 138 BLHS 2015.
Năm là, phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính tại khoản 1 Điều 139 BLHS.
Sáu là, phạm tội hiếp dâm tại khoản 1 Điều 141 BLHS 2015.
Bảy là, phạm tội cưỡng dâm tại khoản 1 Điều 143 BLHS 2015.
Tám là, phạm tội làm nhục người khác tại khoản 1 Điều 155 BLHS 2015.
Chín là, phạm tội vu khống tại khoản 1 Điều 156 BLHS 2015.
Đối với những trường hợp trên, khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Ngoài ra, khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
PV