Những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội của hầu hết mọi người. Mạng xã hội đã trở thành một nơi chứa những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội, song cũng phải nhận thấy, mặt trái của nó cũng dần phơi bày. Một trong những vấn đề nhức nhối của mạng xã hội đó là nạn tin giả. Việc tung tin đồn nhảm, hùa theo những thông tin giả, ngụy tạo tin tức... ngày càng phổ biến theo tốc độ phát triển của mạng xã hội. Nạn nhân của những trò này có thể nói không chừa một ai và mục tiêu của những kẻ ác ý cũng muôn hình vạn trạng: thù ghét cá nhân tung tin xấu cũng có; chứng tỏ mình hiểu biết hơn người hay đu bám theo những người nổi tiếng để đưa tin thất thiệt nhằm lôi kéo sự chú ý cũng có...
Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân, lôi kéo sự quan tâm trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube; đây chính là môi trường "màu mỡ" để những đối tượng xấu lợi dụng đăng tin giả. Thực tế là đang có rất nhiều các kênh mạng xã hội nở rộ, và để thu hút, trục lợi cá nhân, một số người đã bất chấp, cố tình thực hiện các video, đưa những tin tức sai sự thật, xúc phạm đến giới nghệ sĩ, thậm chí ác ý về tình trạng sức khỏe của bản thân họ - vì nghệ sĩ là những người được đông đảo công chúng biết đến và quan tâm.
Thậm chí, có những người nổi tiếng bị đồn đã qua đời trong khi họ vẫn khỏe mạnh, đang cống hiến cho công chúng. Trớ trêu thay, tin đồn thường được lan truyền nhanh hơn cả tin thật. Mới đây nhất, một số trang mạng xã hội đưa tin "Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng" gây ảnh hưởng đến Nhạc sĩ Trần Tiến và gia đình nhạc sĩ rất nhiều. Vợ Nhạc sĩ Trần Tiến, người trong cuộc bức xúc chia sẻ: “Việc đưa tin ông nhà tôi qua đời là một sự xúc phạm. Ông ấy vẫn khỏe mạnh và còn đang chuẩn bị họp báo cho đêm diễn ở Hà Nội sau Tết. Không thể chấp nhận được những thông tin kiểu này vì nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và tinh thần của gia đình chúng tôi". Bà cho biết, đã liên hệ với Luật sư khởi kiện các trang mạng đã đăng thông tin sai lệch, bịa đặt bởi họ đã xúc phạm người đang sống, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của gia đình bà.
Câu chuyện này thực ra không mới với những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Sự can thiệp của an ninh mạng trên thực tế mới chỉ hạn chế được phần nào, trong khi tốc độ lan truyền của tin giả lại rất nhanh. Không ít người kém ý thức cứ tưởng rằng đây là nơi khuất mặt nhưng quên rằng các cơ quan pháp luật có đủ cách truy tìm, có đủ điều khoản pháp lý để xử lý thích đáng. Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Luật HOK, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Việc đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác về nhạc sĩ Trần Tiến gây ảnh hưởng trực tiếp hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ, đời sống cá nhân của gia đình thậm chí gây thiệt hại tới hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trần Tiến là cái tên có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt Nam cũng như khu vực nên việc tung tin về sự ra đi của ông có thể tạo nên làn sóng hoang mang trong dư luận - đây là thời cơ cho các đối tượng xấu dẫn dắt dư luận để trục lợi".
Ngoài việc vi phạm các giá trị về đạo đức, các hành vi trên có xâm phạm tới quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà pháp luật bảo vệ. Cụ thể, đây là một trong các hành vi bị cấm về an ninh mạng qui định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 và mức phạt vi phạm hành chính cao nhất mà các đối tượng đăng tin có thể phải chịu lên tới 10.000.000 đồng căn cứ theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã quy định mức xử phạt khi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Vì đối tượng bị xâm phạm là danh dự, nhân phẩm của cá nhân nên pháp luật đã cho phép cá nhân đó có quyền bác bỏ thông tin sai sự thật đồng thời yêu cầu người vi phạm đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo khoản 5 Điều 34 Bộ luât Dân sự 2015.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong bồi thường thiệt hại có bao gồm khoản phí bù đắp tổn thất về tinh thần, khoản phí này do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định
Tuy nhiên, “tinh thần” là khái niệm khá mơ hồ, trừu tượng, việc “tổn thất về tinh thần” có thể để lại hậu quả về tâm lý trong thời gian dài, gây trở ngại cho các hoạt động sinh hoạt thường nhật nên không thể khắc phục hoàn toàn bằng tài sản cụ thể hữu hình dẫn tới khó khăn trong quy định và áp dụng mức bồi thường cụ thể trong các trường hợp này. Trên thực tế, các cuộc “bạo lực mạng” đều có sự tham gia của rất nhiều người, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau nên quá trình xác định danh tính, mức thiệt hại gây ra và biện pháp xử phạt tương ứng với từng đối tượng gần như là việc không thể mà thường chỉ tập trung xử lý một số đối tượng cụ thể dẫn tới các biện pháp thiếu tính răn đe.
"Bên cạnh đó, hành vi tung tin đồn sai sự thật thường gắn với các thông tin cá nhân khiến nhiều người vẫn còn tâm lý “ngại đụng chạm”, không muốn công khai đời sống riêng tư trên mạng xã hội nên đa số các trường hợp, người bị hại sẽ im lặng cho qua – điều này khiến việc bảo vệ người bị xâm phạm trở nên khó khăn hơn. Người bị tung tin đồn thường là các cá nhân nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nên ngoài hậu quả về kinh tế thì ảnh hưởng về tinh thần không chỉ với mỗi cá nhân đó mà còn với người hâm mộ, người thân và đối tác. Vậy nhưng hiện nay, pháp luật chưa chú trọng tới bảo vệ quyền lợi của các bên thứ ba này", Luật sư Hoàn chia sẻ.
Hiện nay, tin thật, giả được đăng tràn lan trên mạng xã hội nếu không tinh ý là rất dễ rơi vào bẫy của những kẻ tung tin thất thiệt. Trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội trước hết cần trở thành “người đọc thông thái” với trách nhiệm công dân thật sự đầy đủ trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin. Mỗi người cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật, thật sự trở thành một phần của “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại. Việc thay đổi và siết chặt quản lý đối với các mạng xã hội là điều cần sớm được quan tâm và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo môi trường sạch sẽ cho người dân sử dụng không gian mạng.
Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng được quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng 1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này; b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. 2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. 3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác. 4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng. 5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. 6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này. |
TRÀ MY
Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại: Thực trạng và kiến nghị