Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với nghề Luật sư

01/02/2021 16:01 | 3 năm trước

(LSVN) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN) đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hành nghề Luật sư. Cuộc CMCN mới tạo ra nhiều lợi ích thiết thực, giúp các Luật sư giải quyết công việc một cách hiệu quả và chính xác. Bên cạnh đó, những thách thức mới cũng đang được đặt ra khiến nghề Luật sư cũng phải thích ứng để bắt kịp sự phát triển chung này. Có thể nói rằng, bối cảnh phát triển cuộc CMCN hiện nay đã đưa giới Luật sư Việt Nam đến với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Đây cũng chính là cơ sở để tiến hành đổi mới và hiện thực hóa định hướng phát triển nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành trên nền tảng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực. Trong đó, đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, blockchain,…

Từ năm 2016 đến nay, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê, tháng 4/2015 là hơn 9.000 Luật sư thì nay đã tăng lên hơn 13.000 Luật sư đang hành nghề; khoảng 5.000 người tập sự hoạt động trong hơn 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư. Cùng với đó, việc gia tăng về số lượng Luật sư cũng tạo thành thách thức, đó là sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật. Bởi vậy, đòi hỏi người Luật sư không chỉ có tâm, tầm mà còn phải biết khẳng định vị thế, chỗ đứng thương hiệu của mình. Pháp luật là một hệ thống khá hoàn chỉnh, tuy nhiên cuộc sống luôn vận động, xoay vần, phát triển, nhiều quan hệ xã hội mới ra đời, biến đổi. Bởi vậy, người Luật sư phải luôn trau dồi mình, tiếp cận những tri thức, công nghệ mới. 

Đặc biệt, với tính chất chuyên ngành và đặc trưng chuyên môn nghề nghiệp, nghề Luật sư thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi người Luật sư phải luôn làm mới chính mình. Dưới sự phát triển như vũ bão của mạng internet, khách hàng có thể dễ dàng tìm được các Luật sư, Văn phòng Luật sư, Công ty luật phù hợp với mình và mức phí cạnh tranh. Theo quy luật tự nhiên sinh tồn, những Luật sư yếu kém, ít trau dồi kĩ năng, phẩm chất đạo đức thì sẽ dần mất đi những khách hàng tiềm năng.

Thách thức thứ hai, xu hướng khách hàng yêu cầu nhiều dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn, xu hướng chuyển dịch một phần hoặc toàn bộ dịch vụ pháp lý từ môi trường truyền thống lên không gian mạng với chi phí rẻ hơn. Điều này làm cho nghề Luật sư ngày càng có tính cạnh tranh cao, khiến các Văn phòng Luật sư cần thiết phải tham gia công cuộc chuyển đổi số. 

Một điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong khoảng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng internet, những câu hỏi pháp lý không quá phức tạp có thể tìm thấy câu trả lời một cách dễ dàng, thậm chí là miễn phí trên nền tảng internet. Nếu như trước đây, những câu hỏi này khách hàng sẽ đem đến nhờ Luật sư giải đáp nhưng với sự tiện lợi và nhanh chóng nhiều người thường nghĩ ngay đến internet để tìm cách giải quyết vấn đề của mình.

Xa hơn, sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp cho các robot đã và sẽ thay thế con người làm nhiều công việc, trong đó có hoạt động hành nghề Luật sư. Các robot trí tuệ nhân tạo đang được phát triển với một số khả năng cần thiết để thay thế con người. Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là chủ đề của những thước phim viễn tưởng mà nó đã dần hiện hữu và dần trở nên phổ biến hơn. Một nghiên cứu mới do LawGeex thực hiện, đã đưa ra 20 Luật sư có kinh nghiệm để thi đấu với một AI trong việc đánh giá các hợp đồng pháp lý. Các Luật sư con người đạt được tỷ lệ chính xác 85%, mất trung bình tới 92 phút trong khi AI đạt được độ chính xác 95%, hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong 26 phút. Trí tuệ nhân tạo được các chuyên gia dự báo có thể thực hiện được 30% đến 50% công việc mà các Luật sư mới vào nghề đang làm, điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới tổ chức của các văn phòng luật cũng như số lượng Luật sư mới. Mặc dù ở Việt Nam, công nghệ AI chưa được ứng dụng nhiều trong nghề luật, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ và tác động  gần như đến mọi khía cạnh của cuộc sống, trong tương lai AI trở thành ‘’đối thủ’’, thách thức của các Luật sư là điều có thể xảy ra. 

Mặt khác, Luật sư là một nghề có tính đặc thù. Với các Luật sư, tư vấn được đưa ra sau khi xem xét các yếu tố nằm bên ngoài luật như tình hình tài chính của khách hàng hay khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng là những kỹ năng khó có thể phó mặc giao cho máy móc. Chỉ người Luật sư với kinh nghiệm cá nhân đúc kết mới có thể tư vấn cho khách hàng có nên làm như thế nào. Ngoài ra, đặc thù của nghề luật không chỉ là cái ‘’lý’’, mà còn có yếu tố ‘’tình’’ - thứ mà máy móc dẫu có phát triển ở trình độ nào cũng khó mà sở hữu được. 

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Những thay đổi của cuộc CMCN lần thứ tư không chỉ có những thách thức mà còn đem lại nhiều thay đổi tích cực đối với công việc của các Luật sư. Ngoài việc tranh tụng hay tư vấn, Luật sư cũng thường xuyên phải nghiên cứu tài liệu, hồ sơ pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển mạng internet, số hóa dữ liệu có thể giúp Luật sư làm việc nhanh hơn, trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ, nhờ công cụ tìm kiếm, số hóa giúp Luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, sàng lọc tài liệu và dành thời gian để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc. 

Đưa ứng dụng của công nghệ 4.0 vào thực tiễn giúp các Luật sư xử lý công việc một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên chưa đến mức đe dọa sự tồn tại nghề Luật sư. Nghề Luật sư vẫn luôn duy trì, đứng vững bởi vai trò quan trọng trên thực tế về kiến thức pháp lý, kỹ năng tranh tụng.

Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động nghề luật đã đem đến thách thức lớn nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích. Công nghệ mới giúp cho các Luật sư và các cộng sự trong thực tiễn hành nghề cũng như trong hoạt động học tập, nghiên cứu pháp luật theo cách thức dễ dàng hơn thông qua các phương tiện trên nền tảng của công nghệ số.

Luật sư HOÀNG TÙNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa

Bàn về vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự