/ Kết nối
/ Cần mạnh tay xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Cần mạnh tay xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

30/03/2023 10:53 |

(LSVN) - Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” thì hành vi trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động là có thể xử lý hình sự.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, có thể nói thời gian qua tình trạng chây ỳ, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Điều đáng nói là không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tư nhân mà còn ở các nhiều lĩnh vực, khu vực kinh tế khác, thậm chí có cả các cơ quan nhà nước. Nhiều vụ việc diễn ra phức tạp, tụ tập đông người đòi quyền lợi đã gây mất an ninh trật tự xã hội, đặc biệt hành vi này là đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động được pháp luật bảo vệ.

Có nhiều trường hợp chỉ khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh khi đi giải quyết chế độ thì người lao động mới biết mình bị nợ hoặc chưa được đóng BHXH. Hệ quả của việc người lao động không được đóng BHXH là rất lớn khi đó họ sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là họ sẽ không được hưởng lương hưu... Thậm chí, nhiều người lao động hoàn toàn "trắng tay" sau thời gian dài lao động, đóng góp cho doanh nghiệp.

Mặc dù, gần đây các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, đề ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xử lý nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ việc trốn, chây ý đóng BHXH vẫn xảy ra với thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn và quyền lợi của người lao động tiếp tục bị xâm phạm, bị thiệt thiệt thòi rất lớn. Bên cạnh đó, hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội khác như người dân mất niềm tin vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nên không khuyến khích, vận động được mọi người tham gia BHXH; góp phần ngăn chặn người lao động rút BHXH một lần.

Do đó, hành vi không đóng BHXH cho người lao động không chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần mà là hành vi tội phạm khá rõ ràng. Bởi với hành vi này chủ doanh nghiệp đã ngang nhiên tước đoạt quyền lợi về nhân thân chính đáng, sát sườn của người lao động. Thực chất đây không khác gì hành vi ăn cắp, cướp tài sản, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải đưa tất cả những vụ việc cố ý chây ỳ, trốn trách việc đóng BHXH cho người lao động ra truy cứu, xem xét trách nhiệm hình sự của các chủ doanh nghiệp và những người liên quan. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn được nợ BHXH, theo đó các doanh nghiệp nợ BHXH quá thời gian quy định thì bị tước giấy phép hoạt động. Ví dụ, cho phép nợ BHXH trong vòng 1 năm, nếu vượt quá thời thì buộc phải ngừng hoạt động. 

Bởi vi phạm về nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động gây hệ lụy rất lớn không chỉ cho họ và gia đình mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội. Việc xử lý nghiêm hành vi này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực đối với hệ thống an sinh xã hội mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm về sau.

Thạc sĩ, Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần linh hoạt các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai

Bùi Thị Thanh Loan