/ Luật sư trực ban
/ Có được để lại di chúc đối với quyền sử dụng đất đang thế chấp?

Có được để lại di chúc đối với quyền sử dụng đất đang thế chấp?

21/02/2022 03:47 |

(LSVN) - Gia đình tôi có 01 sổ đỏ mang tên bố mẹ tôi hiện đang thế chấp ở ngân hàng để vay vốn cho người anh trai kinh doanh. Vậy, bố mẹ tôi muốn để lại di chúc quyền sử dụng đất cho anh trai tôi có được không? Bạn đọc L.H.K hỏi.

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành không cấm bên thế chấp lập di chúc chỉ định người hưởng di sản là tài sản thế chấp. Bên thế chấp lập di chúc định đoạt tài sản của mình không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận thế chấp.

Căn cứ theo Điều 615, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 thì bên nhận thừa kế có nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Bên nhận thừa kế phải có nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản được hưởng. Nếu bên thế chấp đã hoàn thành nghĩa vụ thế chấp trước thời điểm mở thừa kế, bên thế chấp được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất, khôi phục đầy đủ các quyền đối với tài sản của mình.

Tuy nhiên trong trường hợp tài sản đã bị xử lý thì theo quy định tại khoản 3, Điều 643, Bộ luật Dân sự 2015 về "Hiệu lực của di chúc":

"3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực".

Theo đó, đối với việc lập di chúc cần có xác nhận của Ngân hàng về việc quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng thì công chứng viên mới có cơ sở lập di chúc công chứng theo quy định pháp luật.

TRẦN QUÝ

Đơn khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được tiếp nhận từ nguồn nào?

Lê Minh Hoàng