Chế định đình chỉ điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Theo đó, đình chỉ điều tra được hiểu là việc cơ quan tiến hành tố tụng chấm dứt hoạt động điều tra đối với toàn bộ vụ án hoặc đối với từng bị can khi có căn cứ theo quy định của BLTTHS bằng quyết định đình chỉ điều tra.
Từ quy định tại Điều 230 BLTTHS, có thể rút ra căn cứ đình chỉ điều tra là:
Thứ nhất, vụ án thuộc trường hợp chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết đã được khởi tố mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu và việc rút yêu cầu không phải do bị ép buộc, cưỡng bức.
Thứ hai, vụ án đã được khởi tố, điều tra nhưng quá trình điều tra đã xác định được vụ án đó thuộc trường hợp không được khởi tố vì có căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS.
Thứ ba, khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo các quy định của BLHS.
Thứ tư, đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về căn cứ đình chỉ điều tra vụ án hình sự
Một là trong việc xác định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
Các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự được quy định khá cụ thể, tuy nhiên để nhận thức đúng và áp dụng chính xác là điều không dễ dàng. Thực tế diễn ra hai tình trạng: Người bị buộc tội có đầy đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét, xác minh không kĩ lưỡng nên không tiến hành đình chỉ điều tra. Người bị buộc tội không có đủ điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không điều tra, xác minh rõ ràng hoặc do nảy sinh tiêu cực đã vội đình chỉ điều tra dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm. Điều này xuất phát từ nhận thức và trình độ áp dụng phát luật ở các cơ quan tiến hành tố tụng còn có sự khác nhau bên cạnh đó, một số quy định về miễn trách nhiệm hình sự còn gây ra sự khó hiểu, khó áp dụng cũng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hai là tình trạng cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ hoặc căn cứ không đúng quy định của pháp luật
Những thiếu sót, sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp như: việc điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; việc xem xét đánh giá chứng cứ còn phiến diện chưa khách quan; kết luận hậu quả của tội phạm gây ra không chính xác dẫn đến việc vận dụng căn cứ đình chỉ điều tra chưa đúng; cơ quan tiến hành tố tụng không cập nhật quy định mới; quy định của các văn bản dưới luật không thống nhất, mâu thuẫn không được sửa đổi bổ sung… Vì vậy, trong thực tiễn có những quyết định đình chỉ điều tra không đúng về thẩm quyền, không đúng thời hạn, không có căn cứ theo luật định. Điều này chứng tỏ cơ quan điều tra vẫn chưa thực hiện tốt công tác tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra của mình.
Ba là, về xác định tính tự nguyện của bị hại hoặc người đại diện của bị hại khi rút đơn yêu cầu khởi tố
Để xác định người yêu cầu khởi tố có bị ép buộc, cưỡng bức khi rút đơn yêu cầu khởi tố hay không là một vấn đề hết sức khó khăn nếu cơ quan tiến hành tố tụng không có sự xác minh làm rõ. Trên thực tế, người bị buộc tội là những kẻ manh động, có thế lực trong xã hội, đứng đầu các băng, đảng, nhóm tội phạm sẽ tìm cách ép buộc, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản đối với bị hại hoặc người đại diện của bị hại nhằm khiến họ hoang mang, lo sợ bị trả thù mà rút đơn yêu cầu khởi tố. Trường hợp này, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không có các biện pháp xác minh rõ ràng, chỉ căn cứ vào việc rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự mà ra quyết định đình chỉ điều ra sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bị hại.
Một số đề xuất
Thứ nhất, cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế định miễn trách nhiệm hình sự, trong đó tập trung giải thích, hướng dẫn áp dụng các quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như: Giải thích các trường hợp “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”, “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”, “người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”; Hướng dẫn rõ hơn về việc “người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn các quy định của BLHS và BLTTHS về đình chỉ điều tra nhằm hướng dẫn chi tiết các quy định của pháp luật đối với chế định này.
Thứ hai, khi bị hại, người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là cơ quan điều tra phải tiến hành xác minh lý do nêu trong Đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can là chính xác, không bị ép buộc, cưỡng bức. Hoạt động này phải dựa trên các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, tuyệt đối không được dựa vào ý chí chủ quan của Điều tra viên, Cán bộ điều tra nhằm bảo đảm căn cứ đình chỉ điều tra vụ án hình sự là đúng đắn, có cơ sở pháp lý.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng, đặc biệt là hoạt động điều tra. Thường xuyên tập huấn, rút kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, nhất là căn cứ đình chỉ điều tra. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và các cơ quan khác có liên quan trong công tác giải quyết vụ án hình sự. Đây là một việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng ảnh hướng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả áp dụng pháp luật và giải quyết vụ án.
PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án quân sự Quân khu 7