/ Nghề Luật sư
/ Luật sư về nguồn: Chuyến hành hương đầy ý nghĩa

Luật sư về nguồn: Chuyến hành hương đầy ý nghĩa

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau chuyến thăm Chiến khu D, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai , ngày 17/9/2022, Chi bộ 9 thuộc Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình về nguồn, thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục Miền Nam tại Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đến khu di tích, chúng tôi càng hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những đóng góp hy sinh của lớp cha anh đi trước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hai Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Trịnh Đình Thảo. Càng xúc động và bất ngờ hơn, khi được biết hai đảng viên trong chi bộ là Luật sư Trương Trọng Nghĩa và Luật sư Trần Bình Luận đều có thời niên thiếu được trui rèn tại vùng đất Trung ương Cục.

Bắt đầu chuyến về nguồn.

Rạng ngời truyền thống Luật sư Việt Nam

Tại nhà trưng bày Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có khá nhiều hình ảnh về hai vị Chủ tịch: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, và Chủ tịch Liên minh Các lực lượng Dân tộc dân chủ và Hòa bình Việt Nam - Luật sư Trịnh Đình Thảo. Những tư liệu này đã giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về một thời kỳ mà các trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên trung.

Mười một tuổi, rời quê nhà Long An, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sang Pháp du học. Mười hai năm sau, ông về nước với tấm bằng cử nhân luật, vào làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Ba mươi tuổi, ông đã nổi tiếng khắp Nam kỳ, với vị thế một Luật sư tài năng, bảo vệ cho người yếu thế. Năm 1946, ông được chính quyền thực dân bổ nhiệm làm Chánh án Tòa Dân sự tỉnh Long An. Thời gian này, ông đã bí mật liên lạc với kháng chiến. Năm 1947, ông vận động được hàng trăm Luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà báo ký tên vào Bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Việt Nam do Việt Minh lãnh đạo. Năm 38 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức. Năm 1950, ông đã vận động thành công các Luật sư tiến bộ đứng ra biện hộ cho 22 trí thức của Ban Chấp hành Mặt trận Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn, buộc Tòa án thực dân xử trắng án cho họ. Trong 10 năm sau đó, ông bị bắt giam và bị lưu đầy ở Mường Tè, Lai Châu; Hải Phòng rồi Phú Yên.

Giữa năm 1960, cơ sở cách mạng Tuy Hòa, Phú Yên đã giải thoát thành công, đưa ông về chiến khu Dương Minh Châu. Tại đây, ông tập trung soạn thảo Bản báo cáo chính trị - Văn bản pháp lý đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 16/02/1962, tại căn cứ Kà Tum - Tây Ninh, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Năm 1969, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam được triệu tập tại căn cứ Bắc Tây Ninh để thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại tượng đài kỷ niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Đất nước thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần lượt giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ: Đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch Nước Việt Nam thống nhất; Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông là một nhân cách lớn. Cuộc đời ông là một trải nghiệm tình yêu đặc biệt với con người và đất nước Việt Nam. Câu nói nổi tiếng của ông được nhiều người nhắc nhớ: "Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác". 

Ông được Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá rất cao: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một Luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính”.

Học hết tú tài, chàng thanh niên Trịnh Đình Thảo, quê ở Hoàng Long, tỉnh Hà Đông sang Pháp du học. Năm 1927, ông đã tập hợp được gần 400 sinh viên Việt Nam ở Aix, họp bàn cách phản đối chính sách bóc lột, đàn áp dã man của thực dân Pháp ở Việt Nam, đồng thời đòi nhà cầm quyền Pháp trả lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Năm 1929, ông đậu Tiến sĩ Luật và trở thành thành viên Đoàn Luật sư Tòa Thượng thẩm Marseill khi mới 28 tuổi.

Cuối năm 1929, Luật sư về nước, làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Ông nổi tiếng là người liêm khiết, dám bênh vực cho chính nghĩa.

 Tượng đài kỷ niệm Báo Giải Phóng.

Ngày 20/4/1968, tại vùng chiến khu Bắc Tây Ninh, đại diện các nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc, sinh viên, chức sắc các tôn giáo, công chức, sĩ quan ly khai chính quyền Sài Gòn đã tiến hành đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Liên minh là ngọn cờ hiệu triệu mới đối với các tầng lớp, giai cấp khác nhau ở miền Nam, nhất là giới trí thức. Luật sư Trịnh Đình Thảo được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Liên minh.

Với sự ra đời của Ủy ban Liên minh, cách mạng miền Nam có thêm cơ sở chính trị để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, đem lại những thắng lợi mới trên chiến trường cũng như trên mặt trận ngoại giao. Ngày 06/6/1969, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Luật sư Trịnh Đình Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch. Năm 1976, ông được bầu là Đại biểu Quốc hội, tham gia trọng trách dự thảo Hiến pháp 1980. Trong hơn 6 năm, (từ 1977 đến 1983), ông giữ chức Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước những đóng góp to lớn đó, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý; được suy tôn là nhà trí thức yêu nước tiêu biểu trong phong trào cách mạng miền Nam.

Những ký ức còn xanh mãi

Thăm nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Chiến khu Tây Ninh ngày ấy không chỉ là nơi đồn trú của các cơ quan Trung ương Cục Miền Nam, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, mà còn là nơi đóng quân của Quân giải phóng miền Nam. Đó là Bộ Chỉ huy Miền, là ba cơ quan đầu não, gồm: Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và nhiều cơ quan đơn vị khác.  

Về thăm lại chiến trường xưa, Luật sư Trần Bình Luận không khỏi xúc động với bao hoài niệm sâu lắng vì từng là “người trong cuộc”, từng hy sinh cả thời niên thiếu, ở nơi đây…

Ba, mẹ anh đều tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông bà không đi tập kết mà tiếp tục trụ lại với cách mạng miền Nam. Còn nhỏ, anh sống với ông bà ngoại ở Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương. Do hoàn cảnh và truyền thống gia đình nên anh đã nhập ngũ từ năm 14 tuổi. Đơn vị đầu tiên là Phòng Chính trị, Cục Hậu cần Miền, với nhiệm vụ là liên lạc, ghi chép tin đọc chậm của Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất đơn vị nên anh được các cô chú yêu thương, dạy bảo cặn kẽ. Niềm tin với Đảng, với cách mạng được ấp ủ trong anh từ ngày đó.

Tháng 01/1969, anh được kết nạp vào Đảng. Năm 1972, anh được lệnh ra Bắc. Từ căn cứ trên đất Campuchia giáp với Tây Ninh, đoàn của anh đi bộ dọc Trường Sơn, ra đến nơi cũng mất ba tháng.

Ở miền Bắc, anh học bổ túc văn hóa ở Trường Văn hóa Quân Đội đến hết lớp 10/10. Thống nhất đất nước, anh trở về Sài Gòn, thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế và được chọn sang Liên Xô, học ngành Luật của trường Đại học Tổng hợp Kiep. Năm 1985, với quân hàm Thượng úy anh được Quân khu 7 cho chuyển ngành ra làm việc ở các đơn vị kinh tế. Không được chọn chuyên môn và nơi làm việc, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau, ở nhiều nơi làm việc khác nhau như: Liên hiệp các xí nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; Thanh tra Quận 6 và Tổng cục Cao su Việt Nam… Khi nghỉ hưu, anh mới trở về với nghề Luật sư mà mình yêu thích và được đào tạo. Trải nghiệm cuộc đời mình, anh nhớ nhất là thời gian ở R, bởi nơi đây anh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân niên thiếu của mình, đã được học tập, rèn luyện từ thực tế chiến tranh, từ bao tấm gương của những người đi trước. Những ký ức đó trong anh vẫn còn xanh mãi. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa và Luật sư Trần Bình Luận trở về chiến trường xưa

Khi đoàn chúng tôi đến thăm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thì trời đã về chiều. Trong cơn mưa lất phất, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ 9, đã hướng dẫn chúng tôi thăm Nhà bia kỷ niệm của Ban Tuyên huấn. Chúng tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng chữ vàng khắc trên bia: “Nơi đây là căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (từ năm 1961 đến năm 1975). Mãi mãi tự hào và nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam - những người con ưu tú của đảng và nhân dân đã chiến đấu hy sinh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.

Dù hoạt động trong rừng sâu, thiếu thốn mọi bề nhưng Ban Tuyên huấn của Trung ương Cục ngày ấy đã có đầy đủ các ngành: Báo chí, đài phát thanh, thông tấn xã, điện ảnh, văn công, hội họa, giáo dục, nhà in, trạm y tế... Đoàn ghé qua thăm bia tưởng niệm của Báo Giải Phóng, nơi anh Nghĩa công tác từ năm 1965 đến 1971. Tên của các cán bộ, nhân viên Báo Giải Phóng được khắc đầy đủ trên tấm bia này, trong đó có tên của Luật sư Trương Trọng Nghĩa nằm trong khối phóng viên – biên tập. Báo Giải Phóng, Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, do chính Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ nhiệm ngay từ đầu. Tờ báo đã được in tại căn cứ này và phát hành liên tục từ 1964 đến 1975 trong vùng giải phóng và các thành thị tạm chiếm, và là tiền thân của Báo Sài Gòn Giải Phóng sau này.

Trong vòng tròn vây quanh của các đảng viên, đoàn viên thanh niên tham gia chuyến về nguồn, Luật sư Trương Trọng Nghĩa trả lời ngắn gọn các câu hỏi của chúng tôi. Anh nói: "Thời kháng chiến, trong gian khổ, giữa cái sống và cái chết, ai cũng sống hết mình vì công việc của cách mạng. Giờ hòa bình, ai cũng phải kiếm sống, có quyền làm giầu, nhưng đừng để lợi ích cá nhân chi phối đời mình đến mức không còn biết đến lợi ích chung. Năm nào cũng vậy, nhân ngày 20/12 là ngày thành lập Mặt trận, cũng là ngày thành lập Báo, anh chị em cựu nhân viên Báo Giải Phóng đều tổ chức về thăm khu tưởng niệm này. Những gì chúng tôi đã trải qua không bao giờ quên được. Về nguồn là sự tự nguyện. Khi về nguồn ngoài tính chất là tham quan, thì phải ý thức được về để làm gì? Rút ra được điều gì? Về nguồn cũng là một việc tốt. Mỗi chi bộ cũng nên có những chương trình về nguồn theo sáng kiến của mình". Với những Luật sư là đảng viên, anh Nghĩa cho rằng: "Luật sư phải tuân theo những nguyên tắc bắt buộc của nghề nghiệp. Đảng viên phải tuân theo những quy định bắt buộc của Đảng. Một Luật sư đảng viên thì phải đội đến hai chiếc “vòng kim cô”, nhưng đó là điều bắt buộc; nếu không muốn thì đừng làm Luật sư, đừng vô Đảng. Luật sư hay đảng viên đều có thể có sai lầm, nhưng phải biết xấu hổ, ân hận và nhanh chóng sửa chữa…".

Kết thúc chuyến đi, trên xe về lại thành phố, chúng tôi còn được nghe những trải lòng của Luật sư Nguyễn Trung Hiếu: "Là một Đảng viên trẻ vừa mới được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, tôi sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, được thừa hưởng nhiều thành quả tốt đẹp. Do đó, những khó khăn, gian khổ mà những chiến sĩ cách mạng đã sống và chiến đấu để bảo vệ đất nước, tôi chỉ mới biết được qua sách vở. Với chương trình 'Về nguồn' của Chi bộ 9, tôi cảm nhận được sâu sắc về các chiến sĩ cách mạng. Họ hy sinh tuổi thanh xuân, mồ hôi, xương máu cho Tổ quốc, cho lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc. Đó là những tấm gương để tôi tự rèn luyện bản thân, sống sao cho xứng đáng là một người Đảng viên Cộng sản".

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: "Cuộc đời tôi dạy cho tôi phải luôn phấn đấu để giỏi và tốt".

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Thưa, anh vào căn cứ Trung ương Cục trong tình huống nào?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Ba má tôi là cán bộ kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, cán bộ kháng chiến cũ ở miền Nam vừa phải kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng, địch ra sức truy lùng, bắt bớ. Hoàn cảnh khó khăn nên ba má tôi không sống chung. Ba tôi trở về quê nhà ở Mỹ Luông, Chợ Mới, tỉnh An Giang, vừa dạy trung học, vừa hoạt động bí mật. Năm 1960, thấy có nguy cơ bị lộ nên ông vào lại chiến khu bí mật ở Đồng Tháp. Tháng 10/1966, ông hy sinh trên đường công tác. Má tôi trở về Sài Gòn, vừa đi làm nuôi tôi, vừa công tác bí mật, lúc nào cũng có nguy cơ bị địch bắt. Năm 1965, khi tôi 12 tuổi, vừa học xong tiểu học, các đồng chí của bà khuyên nên đưa tôi vào chiến khu để có thể được đi học ở miền Bắc. Nếu bà có bị bắt thì tôi cũng được lớn lên trong hàng ngũ cách mạng. Bà làm theo lời khuyên, đưa tôi vào chiến khu, nơi đóng quân của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn – Gia Định, cơ quan bà đang công tác. Trong vòng ba tháng, bà tập cho tôi quen với đời sống chiến khu, quen sống với tập thể cơ quan và quen tự chăm sóc bản thân. Trong ba tháng đó, tôi đã trải qua hai trận càn lớn, nhiều trận bom, pháo, và có lúc phải chui địa đạo mấy ngày đêm. Sau ba tháng, bà phải quay vào thành làm nhiệm vụ. Sợ tôi đòi theo, bà nói dối là phải đi học, chừng hai tuần sẽ về, rồi đi luôn. Tôi ở lại chiến khu, nén chịu nỗi buồn xa mẹ, tham gia công tác trong cơ quan, theo kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, như chép tin đọc chậm, giữ thư viện, cắt dán bao thư. Lớn lên một chút thì đi giao liên, gùi gạo, đào hầm, cáng thương, tải đạn, có lúc cũng cầm súng chống càn. Sáu năm sau, tôi mới được đưa ra miền Bắc để tiếp tục học văn hóa. Học xong phổ thông, tôi được cử đi học cử nhân luật tại Đức, và mười ba năm sau, năm 1978, mới được gặp lại má tại Sài Gòn.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Những năm tháng ở R, anh học được ở các cô, chú lãnh đạo những phẩm chất gì?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Cuối năm 1965, tôi được chuyển lên R, công tác tại tòa soạn Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Thành viên cơ quan có đủ mọi lứa tuổi, từ những thiếu niên như tôi, đến những thanh niên 18,20, và các anh, chị, cô chú 30, 40 tuổi, đến từ khắp vùng miền cả nước; miền Bắc, miền Trung vào, miền Tây lên, có cả người dân tộc thiểu số. Tất nhiên, cơ quan thì có thủ trưởng, thủ phó, có chi bộ, chi đoàn, nhưng sống với nhau như một gia đình. Tuy ăn đói, mặc rét, quân thù dội bom đạn, đổ quân càn quét, nhưng vẫn giữ vững tinh thần, đạo đức, miệt mài làm việc cách mạng giao, không tính toán riêng tư, dù không biết chắc còn sống đến ngày thắng lợi. Đó là những phẩm chất của người cán bộ kháng chiến.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Ở căn cứ cách mạng, kỷ niệm nào  mà anh nhớ nhất?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Kỷ niệm sâu sắc thì nhiều, mỗi ngày tháng năm qua đều có. Sâu sắc nhất có lẽ là hai trận càn đi vào lịch sử quân đội Mỹ và Việt Nam, đó là trận Junction City tháng 02/1967 và trận càn Đông Dương tháng 5/1970. Cả hai trận đó, kẻ thù cho xe tăng càn quét, máy bay dội bom, pháo binh nã đạn, đánh vào tận căn cứ của chúng tôi trong rừng sâu. Các cơ quan dân chính đảng như chúng tôi phải rút lui hàng trăm cây số, di tản qua nước bạn để bảo toàn tính mạng và tiếp tục công việc. Nhiều ngày phải ăn đói, ăn độn. Hàng tháng sau địch mới rút quân, cuộc sống dần trở lại bình thường, nhưng thiếu vắng một số đồng đội đã hy sinh. 

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ trở thành luật sư không?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Chúng tôi là cán bộ kháng chiến được nhà nước cử đi học. Theo cơ chế hồi đó, thi vào đại học thì được tự chọn khối A, B hay C, nhưng học ngành gì, tốt nghiệp xong thì làm việc gì, cơ quan nào đều do nhà nước quyết định. Tôi muốn trở thành nhà văn, nên thi vào Đại học Tổng hợp Văn. Do thi điểm cao nên được cử đi du học, nhưng phải học luật. Khi về nước phải công tác trong cơ quan nhà nước. Từ khi học luật, tôi từ bỏ mộng làm nhà văn và mơ ước trở thành Luật sư. Cho nên, tôi tham gia bào chữa viên nhân dân, làm nghề bào chữa rất sớm. Khi có cơ hội gia nhập Đoàn Luật sư, tôi viết đơn xin gia nhập ngay. Năm 55 tuổi, tôi xin nghỉ công chức, chuyển hẳn sang nghề luật sư.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Được đào tạo bài bản, và trải qua nhiều công việc khác nhau, điều này đã giúp ích gì cho công việc luật sư của anh?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Luật sư có người giỏi, có người tốt, có người vừa giỏi, vừa tốt. Luật sư là một nghề phải được đào tạo qua trường lớp và quan trọng hơn phải luôn được đào tạo qua thực tiễn nghề nghiệp. Một Luật sư giỏi là người được đào tạo tốt, có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm sống phong phú. Một Luật sư tốt thì phải có lòng thương người, yêu công lý, trân trọng những giá trị chân-thiện-mỹ, cảm thông với những người bất hạnh, lầm lạc. Cuộc đời tôi, những gì tôi đã trải qua, dạy cho tôi phải luôn phấn đấu để giỏi và tốt.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Loan: Xin cám ơn anh về cuộc phỏng vấn này.

Luật sư NGUYỄN THỊ BÍCH LOAN

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Một số điểm mới của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (nhiệm kỳ 2021-2026)

Lê Minh Hoàng