/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số ý kiến về xác định lại thành phần đương sự trong vụ án dân sự

Một số ý kiến về xác định lại thành phần đương sự trong vụ án dân sự

02/11/2022 15:10 |

(LSVN) - Qua nghiên cứu nội dung bài viết “Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam ngày 26/10/2022, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật, tác giả đưa ra một số ý kiến trao đổi.

Ảnh minh họa.

Về nội dung vướng mắc mà tác giả bài viết nêu có thể tóm tắt lại như sau: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án ban hành thông báo đưa bà Vũ Thị C. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thừa kế của cụ Y. cho rằng, nguyên đơn xác định không đúng đồng thừa kế của cụ Y. Theo đó, cụ Y. (chết năm 2008) và cụ H. có 08 người con gồm các ông, bà Phạm Thị N1, Phạm Thị N2, Phạm Thị X1, Phạm Văn P., Phạm Phước H1, Phạm Thị H2, Phạm Văn S. và Phạm Văn S1. Trong đó, ông Phạm Phước H1 đã chết năm 1994. Ông H1 có vợ là bà Võ Thị K2 và 03 người con gồm các anh, chị Phạm Thị T1, Phạm Hoàng M1, Phạm Thị Tuyết M2. Đồng thời, đồng thừa kế của cụ Y. không biết ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và xác định ông K1, bà N. không phải là con ruột, người thừa kế của cụ Y. Theo các biên bản xác minh ngày 23/6/2022 do cán bộ Tòa án lập, đại diện chính quyền địa phương cung cấp, trên địa bàn xã L, huyện T không có những người tên Phạm Văn K1 và Phạm Thị N. và cụ Y., cụ H. không có con tên Phạm Văn K1, Phạm Thị N. Đồng nguyên đơn thống nhất với trình bày của đồng thừa kế của cụ Y. về những người thừa kế của cụ Y. Khi làm đơn khởi kiện, do tự tìm hiểu thông tin và không kiểm chứng nên đồng nguyên đơn xác định không chính xác những người thừa kế của cụ Y.

Liên quan đến bị đơn là ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 do nguyên đơn xác định ghi vào trong đơn khởi kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị C do Toà án xác định và đã ban hành thông báo đưa bà Vũ Thị C. vào tham gia tố tụng trong vụ án, có hai luồng quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Thống nhất việc Tòa án ban hành Thông báo số 133 với nội dung xác định lại thành phần những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự: (1) Xác định lại đúng thành phần đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (2) loại ra khỏi vụ án 03 bị đơn (01 người đã chết trước thời điểm Tòa án thụ lý; 02 người xác định không chính xác, không có thực, không phải là đồng thừa kế của cụ Phạm Văn Y) và 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không liên quan đến vụ án.

Quan điểm thứ hai: Cho rằng do pháp luật không quy định trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án được xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án đang giải quyết. Cho nên, Tòa án vẫn phải tiến hành tố tụng với đầy đủ thành phần đương sự đã đưa vào vụ án, theo thông thụ lý vụ án, thông báo đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Tòa án không được đưa đương sự ra khỏi vụ án với bất kỳ lý do gì.

Về nội dung vướng mắc và quan điểm đã nêu ở trên, ý kiến của tác giả như sau:

Về việc xác định tư cách đương sự trong vụ án

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 việc xác định tư cách đương sự trong vụ án là do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thực hiện. Việc xác định tư cách đương sự là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án là phải căn cứ vào đơn khởi kiện. Còn đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Thẩm phán xác định dựa vào hai trường hợp sau đây: một là theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, tức là trong trường hợp này nguyên đơn đã tự xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Hai là việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án còn do tự Thẩm phán xác định nếu thấy cho rằng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. 

Trở lại nội dung vụ án đối với ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N., ông Phạm Phước H1 do nguyên đơn xác định ghi vào trong đơn khởi kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị C. do Toà án xác định đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án thì bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền gửi văn bản trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Còn đối với bà C. là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền trình bày ý kiến của mình đối với việc Toà án xác định và đưa bà vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo kết quả thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án cũng như căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn đã xác định được hai bị đơn là ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N., ông Phạm Phước H1 không phải là không phải là con ruột, người thừa kế của cụ Y. với lý do là trong quá trình làm đơn khởi kiện nguyên đơn đã không thu thập chính xác thông tin về người thừa kế của cụ Y. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án đã xác định không chính xác tư cách tham gia tố tụng là bị đơn của ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N., ông Phạm Phước H1 cũng như là tư cách người tham gia tố tụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của bà C. Trong trường hợp này Tòa án sẽ thực hiện hoặc giải quyết như thế nào để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật cũng như đảm bảo được quyền lợi của người đã được Tòa án xác định đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án này. Vấn đề này tác giả sẽ tiếp tục phân tích và trình bày ở phần tiếp sau đây.

Về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án

Theo nội dung vụ án thì sau khi biết việc khởi kiện ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N., ông Phạm Phước H1 là không đúng nên các nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đối với các bị đơn ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1; thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện đối với đồng thừa kế của cụ Y.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hay toàn bộ yêu cầu là quyền của nguyên đơn. Quyền này của đương sự được thực hiện ở hai giai đoạn: một là trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; hai là tại phiên tòa sơ thẩm.

Hiện nay pháp luật không quy định hoặc định nghĩa thế nào là bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên căn cứ vào từ ngữ có thể phân biệt việc thay đổi và bổ sung yêu cầu khởi kiện như sau: Thay đổi yêu cầu khởi kiện là việc nguyên đơn đưa ra một yêu cầu khác với yêu cầu khởi kiện ban đầu được ghi trong đơn khởi kiện để Tòa án xem xét giải quyết. Việc thay đổi này là thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, mà không phải là thay đổi bị đơn. Việc thay đổi yêu cầu này dẫn đến việc thay đổi bản chất nội dung tranh chấp mà Toà án phải giải quyết trong vụ án hoặc làm thay đổi về quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án hoặc là cả hai vấn đề này. Còn bổ sung yêu cầu khởi kiện là việc nguyên đơn đưa ra thêm một yêu cầu nữa ngoài yêu cầu khởi kiện ban đầu để Tòa án xem xét giải quyết mà yêu cầu này không làm thay đổi bản chất vụ án hoặc làm thay đổi về quan hệ pháp luật khởi kiện ban đầu của nguyên đơn. 

Trở lại vụ án này việc nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đối với các bị đơn ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 là thay đổi hay bổ sung yêu cầu khởi kiện hay là rút một phần yêu cầu khởi kiện. Xác định đúng nội dung này sẽ xử lý vướng mắc đã nêu được chính xác hơn. Theo tác giả việc các nguyên đơn quyết định không khởi kiện đối với ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 là không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án. Tức là nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn  gồm: yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất đối với phần đất diện tích 2.500m2 (qua đo đạc có diện tích 4.214m2), theo tờ thỏa thuận cố đất ngày 15/02/1991 giữa cụ X. với cụ Y. là vô hiệu; yêu cầu các đồng thừa kế của cụ Y. trả lại cho đồng nguyên đơn bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00126 QSDĐ/CB ngày 24/6/1992 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp; các nguyên đơn đồng ý trả lại các đồng thừa kế của cụ Y. 4 chỉ vàng 24 kara là không thay đổi.

Tuy nhiên vấn đề là số bị đơn mà nguyên đơn muốn yêu cầu là có sự thay đổi theo hướng giảm đi. Điều này có nghĩa là nguyên đơn không phải là đang bổ sung hay thay đổi yêu cầu khởi kiện mà chính xác hơn là đang rút lại một phần yêu cầu khởi kiện của mình. Phần yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn rút lại ở đây chính là việc không yêu cầu ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 phải thực hiện nghĩa vụ trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 4 chỉ vàng 24 kara cho nguyên đơn nữa. Cho nên, quan điểm cho rằng trường hợpp này nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện là chưa chính xác. 

Theo quy định của pháp luật trong trường hợp mà nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án không được ra quyết định đình chỉ ngay mà cần phải được xem xét trong quyết định hoặc bản án của Tòa án khi vụ án bán được giải quyết. Tuy nhiên để thực hiện hiện đúng quyền nghĩa vụ của dân sự làm quyền có ý kiến về nội dung giải quyết vụ án theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì trong trường hợp này Tòa án phải tra thông báo về việc đương sự rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, tức là các nguyên đơn quyết định không khởi kiện đối với ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1.

Trong thông báo này Toà án cũng phải nêu rõ việc xử lý hậu quả của việc rút lại lên khởi kiện sẽ được Tòa án xem xét khi vụ án được giải quyết. Đồng thời trong thông báo này Tòa án cũng phải xác định lại thành phần và tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án. Và trong thông báo Tòa án cũng xác định rõ rằng ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 không còn tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ án và bà C. cũng không còn tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

Như vậy việc xác định lại tư cách đương sự trong vụ án này được xác định thông qua việc Toà án ra thông báo về việc nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện. Cho nên trong trường hợp Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án này là ra thông báo về việc đương sự rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, chứ không phải là thông báo về việc tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án mà không phải là ra thông báo về việc xác định lại thành phần những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự như đã nêu trong bài viết.

Tóm lại, cách thức giải quyết vướng mắc như trong bài viết là Tòa án phải ra thông báo về việc đương sự là nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện trong thông báo này Tòa án phải xác định lại tư cách đương sự trong vụ án và thông báo rõ cho các đương sự trong vụ án biết rằng ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1 không còn tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ án và bà C cũng không còn tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nữa. Còn việc nguyên nhân rút lại một phần yêu cầu khởi kiện sẽ được Tòa án xem xét khi vụ án được giải quyết.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về tình huống mà tác giả nêu và rất mong bạn đọc, quý đồng nghiệp cùng tiếp tục trao đổi để việc nhận thức cũng như là áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH

Toà án nhân dân thị xã Duyên Hải

Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự

Loan B T Thanh