Ảnh minh họa.
Thực tế, có một số người khi cung cấp dịch vụ pháp lý lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người khác để gây sức ép, có thể nói đến như trong lúc soạn thảo hợp đồng đã "gài" những điều khoản gây bất lợi cho khách hàng, đối tác, như: Quy định khách hàng, đối tác vi phạm sẽ bị phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại; còn mình vi phạm thì không sao...
Việc gài bẫy khách hàng, đối tác là hành vi trái đạo đức, kém tử tế. Hôm nay, bạn làm điều kém tử tế với khách hàng, đối tác có thể sẽ thu lợi ích nhỏ trước mắt nhưng về lâu dài bạn có thể mất khách hàng, mất đối tác, thậm chí có người hiểu biết hơn bạn sẽ gài bẫy lại để trả thù. Thực tế, một số người đã đưa vào hợp đồng huy động vốn với các điều khoản tưởng chừng như chặt chẽ, không có kẽ hở nhằm lừa đảo khách hàng nhưng cuối cùng họ phải nhận cái kết đắng từ pháp luật là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tôi thường chia sẻ với các bạn sinh viên luật, cử nhân luật và Luật sư đồng nghiệp, việc nắm vững kiến thức pháp luật sẽ là một lợi thế, cần sử dụng lợi thế đó để phát hiện ra những thiếu sót nhằm bảo vệ mình và người khác, ví dụ trong hợp đồng do đối tác soạn thảo có điều khoản gài bẫy thì kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung các điều khoản cần thiết để hạn chế tranh chấp hoặc tranh chấp phát sinh thì việc giải quyết tranh chấp được diễn ra thuận lợi). Tuyệt đối không được dùng sự hiểu biết pháp luật của mình để làm điều kém tử tế với người khác; chúng ta làm điều tử tế hôm nay, hợp tác chân thành, các bên cùng thắng (win-win) thì mới gặt được quả ngọt trong tương lai.
Ngoài ra, không ít người nhầm tưởng “thuê Luật sư giỏi sẽ cãi thắng”, thực tế, có những lãnh đạo chỉ đạo nhân viên nếu bị khách hàng, đối tác kiện thì thuê Luật sư giỏi vào, phải cãi thắng cho bằng được.
Thứ nhất, Luật sư không phải là người cãi thuê cho bạn, Luật sư giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng (tìm ra những bằng chứng hợp pháp, tranh luận pháp lý chặt chẽ, khoa học để bảo vệ khách hàng).
Thứ hai, không phải cứ có Luật sư là thắng vì Luật sư không thể đổi trắng thay đen, ví dụ: khách hàng của Luật sư là bị cáo trong vụ án hình sự, bị cáo nói thật với Luật sư là mình phạm tội, trong trường hợp này Luật sư khuyên bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, khắc phục thiệt hại… nhằm nhận được chính sách khoan hồng từ Nhà nước; hay trong tranh chấp dân sự, đối với trường hợp khách hàng sai và nhờ sự hỗ trợ của Luật sư, chủ động khuyên khách hàng “hạ giọng”, nói chuyện thấu tình, chân thành nên bên kia chấp nhận giảm mức phạt hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại, vụ án được hòa giải thành thì đó đã là thành công của Luật sư và khách hàng.
Theo Điều 3 Luật Luật sư, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Abraham Lincoln (Luật sư và là Tổng thống thứ 16 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) từng nói: Nếu bạn nghĩ mình không thể trở thành một Luật sư tử tế, hãy chọn làm một người tử tế, đừng là Luật sư.
Do đó, đã là Luật sư thì chúng ta phải là một Luật sư tử tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng (không được chỉ vì tiền mà làm điều kém tử tế).
Trong quá trình hành nghề, tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ, tính cách… nhưng tôi vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc hãy làm điều tử tế; phân tích rõ cho khách hàng về các tình huống có thể phát sinh, ưu và nhược điểm của từng trường hợp để khách hàng lựa chọn. Đặc biệt, đối với trường hợp về lý khách hàng đúng nhưng không thấu tình thì tôi khuyên khách hàng hãy dĩ hòa vi quý, tránh những tranh chấp không đáng có.
Luật sư PHẠM THANH HỮU
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Bảo vệ an toàn cho Luật sư và quyền hành nghề luật sư trong bối cảnh mới